Chuyển đổi số - Lực đẩy 'vươn ra biển lớn'

Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại, đây không còn là việc nên làm mà trở thành yêu cầu bắt buộc phải làm để các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt với môi trường kinh doanh hiện đại và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong một thế giới đầy biến động như hiện nay. Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), chỉ có duy nhất một lựa chọn là triển khai thực hiện hoặc không tồn tại. Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã khẳng định như vậy khi chia sẻ về tiến trình chuyển đổi số của Tập đoàn.

Quá trình chuyển đổi số

Theo lãnh đạo Petrovietnam, thực chất công tác chuyển đổi số không phải mới. Ngay từ năm 2019, Petrovietnam đã thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số, sau đó là lựa chọn và thuê các đơn vị tư vấn để xây dựng tầm nhìn và chiến lược chuyển đổi số trong toàn Petrovietnam. Sau khi đơn vị tư vấn đi khảo sát, đánh giá, kết quả cho thấy, nhận thức về chuyển đổi số ở các đơn vị rất khác nhau và vẫn ở mức độ trưởng thành số khá thấp. Vì vậy, việc đầu tiên là phải tìm mọi cách để làm sao từ lãnh đạo Petrovietnam đến lãnh đạo các đơn vị thành viên đều phải hiểu rõ, nhận thức rõ vai trò, bản chất của chuyển đổi số.

“Để thực hiện thành công chuyển đổi số, Petrovietnam đã xây dựng văn hóa về sự chia sẻ, phối hợp, kết hợp với quá trình đào tạo và nỗ lực học tập không ngừng. Nghe có vẻ rất không liên quan, nhưng về bản chất, chuyển đổi số dẫn đến thay đổi tư duy và mô hình kinh doanh - Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng nói.

Các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing), Internet kết nối vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) là những công cụ ứng dụng trong quá trình chuyển đổi số. Qua quá trình này, Petrovietnam đã phổ quát được nhận thức về chuyển đổi số và vai trò của chuyển đổi số trong toàn hệ thống, biến nó thành một phần của văn hóa dầu khí. Vì thế, ngay từ những ngày đầu chính thức bắt tay triển khai xây dựng chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quan điểm nhất quán của lãnh đạo Tập đoàn đó là thay đổi về nhận thức đóng vai trò quyết định “thành, bại” trong chuyển đổi số. Đây cũng là một hành trình dài, toàn diện và để thành công cần sự tham gia của lãnh đạo cũng như của tất cả các bộ phận/đơn vị trong doanh nghiệp chức năng, từ lãnh đạo đến của toàn thể cán bộ, công nhân viên của Petrovietnam.

Từ đó, Tập đoàn đã bắt tay vào xây dựng chiến lược chuyển đổi số bài bản cho Công ty mẹ - PVN, để hướng tới các mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; tối ưu hóa hiệu quả đầu tư trên toàn chuỗi giá trị năng lượng; đón đầu xu hướng dịch chuyển năng lượng trong khu vực và trên thế giới; tối ưu hoạt động bộ máy quản trị và vận hành; ứng biến linh hoạt với những thay đổi của thị trường. Bên cạnh đó, ban hành Tầm nhìn số và lộ trình chuyển đổi số cho Công ty mẹ Tập đoàn, bao gồm 32 sáng kiến số thuộc 4 chương trình được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2026 và hướng tới mức độ trưởng thành số nâng cao vào năm 2026. Lộ trình bao gồm những dự án xây dựng nền tảng công nghệ và bảo mật, xây dựng nền tảng dữ liệu dầu khí quốc gia, số hóa và cải tiến quy trình nghiệp vụ, tối ưu hoạt động vận hành, cũng như tăng cường năng lực đội ngũ triển khai công tác cán bộ thực hiện chuyển đổi số.

Trên cơ sở đó, từ năm 2021 đến nay, Công ty mẹ Tập đoàn đã tích cực thực hiện các dự án chuyển đổi số đủ điều kiện có thể triển khai được ngay và đến nay trong lộ trình chuyển đổi số đã đạt được những kết quả nhất định. Hệ thống Quản trị nguồn lực doanh nghiệp (ERP) với những module cơ bản đã được đưa vào vận hành chính thức; các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang triển khai các công tác chuẩn bị; nền tảng công nghệ và bảo mật được tăng cường và duy trì và cải thiện liên tục; công tác truyền thông và đào tạo về chuyển đổi số được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng số cho toàn bộ cán bộ nhân viên; năng lực đội ngũ và nhận thức về chuyển đổi số, văn hóa số đang được thúc đẩy.

Tối ưu hoạt động sản xuất

Bên cạnh Công ty mẹ Tập đoàn, các đơn vị thành viên khác của Petrovietnam cũng đang tích cực triển khai và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, để tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao trải nghiệm khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh và đạt được những lợi ích thiết thực thông qua chuyển đổi số.

Điển hình như tại Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), từ năm 2016, đơn vị đã áp dụng hệ thống đánh giá chỉ số đo lường hiệu quả công việc (KPI) với hơn 500 KPI được áp dụng thực hiện. Tối ưu hóa Nhà máy lọc dầu Dung Quất, với các công tác tinh chỉnh bộ điều khiển và triển khai hệ thống điều khiển đa biến, giúp BSR tiết kiệm được khoảng 12 triệu USD; đẩy mạnh khai thác và cải tiến hệ thống quản lý sản xuất, bảo dưỡng hiện hữu theo định hướng thông minh và tích hợp; tự phát triển và xây dựng hàng loạt hệ thống như báo cáo quản trị trực quan (Visualization), công tác sản xuất, bảo dưỡng, thương mại, nhân sự, công việc theo thời gian thực (realtime); hệ thống khai báo và kiểm soát dịch Covid-19 cho cán bộ, công nhân viên và nhà thầu, đối tác, khách hàng…

Petrovietnam đẩy mạnh chuyển đổi số, tối ưu trong điều hành và xử lý công việc
Nguồn: PVN

Ông Hoàng Ngọc Tú, Trưởng ban Công nghệ thông tin BSR cho biết, công tác chuyển đổi số đã giúp BSR đạt được các thành tựu cao trong quản lý như thay đổi phương thức lãnh đạo điều hành sang hình thức chủ động. Trong đó, các cấp quản lý luôn có đầy đủ các thông tin cần thiết dưới hình thức trực quan theo thời gian thực để chỉ đạo, ra quyết định nhanh chóng hiệu quả. Các cấp quản lý và cán bộ, công nhân viên hoàn toàn có thể làm việc mọi lúc, mọi nơi trên nhiều nền tảng, thiết bị. Đặc biệt, 5 giá trị cốt lõi của BSR là “Chính trực - Chuyên nghiệp - Sáng tạo - Đoàn kết - Hiệu quả” cũng được thể hiện rõ nét thông qua công tác chuyển đổi số và giúp văn hóa số cùng năng lực chuyển đổi số tại đơn vị được nâng cao.

Sự triển khai đồng bộ, thống nhất về chuyển đổi số cũng là điểm sáng trong hoạt động của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS). Theo đại diện PV GAS, từ năm 2015, PV GAS đã thuê Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam - nhà thầu tư vấn quốc tế - tư vấn triển khai nhiều dự án phần mềm ERP (hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp). Đến nay, PV GAS đã phê duyệt kế hoạch để triển khai phần mềm ERP trên cơ sở phù hợp với chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh của PV GAS và tương thích với phần mềm ERP của Petrovietnam.

PV GAS cũng triển khai chuyển đổi số cho các lĩnh vực cần thiết, phù hợp với bối cảnh hoạt động, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Đặc biệt là việc triển khai áp dụng chữ ký điện tử vào quy trình xử lý văn bản tại PV GAS (đã vận hành và đi vào hoạt động từ đầu năm 2021). Đến 14 giờ 37 phút ngày 3.8.2022, hồ sơ ký số thứ 110 nghìn đã được ký trên hệ thống của PV GAS. Đây là cột mốc quan trọng của PV GAS trong chuyển đổi số, góp phần tiết kiệm đáng kể thời gian xử lý văn bản, gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trung bình mỗi ngày tại PV GAS có 185 văn bản được ký số với khoảng 670 lượt ký; tổng số lượt ký số của cán bộ, công nhân viên PV GAS đã ký trên hệ thống là hơn 450 nghìn lượt.

Nỗ lực thực hiện thành công chuyển đổi số

Theo lãnh đạo Petrovietnam, mặc dù có nhiều cố gắng, tuy nhiên trong thời gian qua, việc khai thác nền tảng chung trong Tập đoàn còn hạn chế. Điều đó đòi hỏi, Tập đoàn và các đơn vị tiếp tục triển khai công tác đào tạo, phổ biến nâng cao nhận thức chuyển đổi số trong toàn thể cán bộ, người lao động đặc biệt là trong hàng ngũ lãnh đạo với phương châm: "Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan, không thể không làm và không ai có thể đứng ngoài cuộc, ngoài xu thế".

Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng cho biết, bước sang năm 2023, phương châm hành động của Petrovietnam cần dựa trên nền tảng của phát triển những năm qua, đặc biệt là trong năm 2022; nỗ lực quản trị theo hướng "tương lai sẽ là lực kéo, hiện tại và quá khứ chính là lực đẩy" để tiếp tục phát triển bền vững và "vươn ra biển lớn".

Muốn vậy, mỗi đơn vị thành viên phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp kết hợp với văn hóa số phù hợp với quá trình chuyển đổi số, từ đó thay đổi nề nếp, tác phong làm việc trên môi trường số; tập trung mọi nguồn lực để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thành công công tác chuyển đổi số của đơn vị trên cơ sở bám sát chủ trương chỉ đạo của Đảng ủy Tập đoàn tại Nghị quyết số 184/NQ-DKVN ngày 15.2.2022; thường xuyên cập nhật chiến lược phát triển; xây dựng, kiện toàn và hệ thống hóa bộ máy quản lý đồng bộ từ Tập đoàn đến từng đơn vị; hoàn thiện, xây dựng và ban hành các quy chế, quy định liên quan đến việc điều chỉnh, áp dụng trong chuyển đổi số và các hoạt động kinh doanh và đầu tư.

“Chuyển đổi số gắn với vai trò người lãnh đạo. Bởi, lãnh đạo mới tạo ra sự thay đổi; thực hiện đúng sứ mệnh, người lãnh đạo phải tham gia đầu tiên về chuyển đổi số để từ đó đưa ra các giải pháp tích hợp cùng công nghệ số với các hoạt động doanh nghiệp, nhằm thay đổi phương thức, cách thức, mô hình kinh doanh một cách tổng thể, toàn diện” - Tổng Giám đốc Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Dương Cầm

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doanh-nghiep1/chuyen-doi-so---luc-day-vuon-ra-bien-lon-i313031/