Chuyển đổi số mạnh mẽ trong hoạt động ngân hàng
Chuyển đổi số được đánh giá là xu hướng tất yếu trong ngành ngân hàng hiện nay, khi không chỉ mang đến những chuyển biến tích cực về cung cấp sản phẩm - dịch vụ, nâng cao trải nghiệm khách hàng mà còn đẩy mạnh quá trình tự động hóa, tiết giảm chi phí hoạt động.
Cạnh tranh bằng công cụ số
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho hay, trong năm 2022 sẽ tiếp tục chú trọng gia tăng đầu tư và áp dụng công nghệ, tạo những bước tiến mới trong chuyển đổi số. Cụ thể Nam A Bank sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái ngân hàng số: Robot OPBA, Open Banking và ONEBANK, đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi, 365+, kể cả dịp lễ…
Còn HDBank cho hay, ngân hàng chuyển đổi số trên tinh thần "Thay đổi là sống còn, số hóa là bắt buộc" nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thích ứng với xu thế của thế giới. Trong đó, HDBank đã chọn lọc định hướng chuyển đổi số phù hợp với chiến lược kinh doanh dài hạn có 4 đặc điểm khác biệt chính: Tập trung vào các hành trình khách hàng, tối ưu hóa quy trình vận hành, thành lập trung tâm chuyển đổi số...
Nhiều ngân hàng khác cũng chủ trương đầu tư mạnh mẽ cho công cuộc chuyển đổi số. NCB cho hay, xác định tiếp tục định hướng đầu tư mạnh cho công nghệ nhằm tạo bước tiến mạnh mẽ chuyển đổi số. NCB tạo ra các sản phẩm dịch vụ khác biệt, đáp ứng nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi của khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng hợp tác chiến lược toàn diện với nhiều tổ chức kinh tế, tập đoàn lớn, bước đầu cung cấp sản phẩm dịch vụ đa dạng cho khách hàng trong hệ sinh thái của đối tác.
Những năm gần đây, mảng ngân hàng bán lẻ Việt Nam ngày càng được chú trọng. Các ngân hàng chạy đua chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ tiên tiến để hút khách hàng ở mảng bán lẻ. Môi trường cạnh tranh khốc liệt đặt ra yêu cầu các ngân hàng coi chuyển đổi số là quá trình không ngừng. Hàng loạt ngân hàng tập trung số hóa dịch vụ, đáp ứng kỳ vọng ngày càng gia tăng của khách hàng. Không chờ đến khi NHNN ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 mà thực tế thời gian qua, giới ngân hàng đã nhập cuộc khá nhanh trong việc thực thi các ứng dụng, dịch vụ để thực hiện việc chuyển đổi số phục vụ khách hàng và DN.
Chuyển đổi số tiếp tục được triển khai trong nhiều năm tới
Theo ông Phạm Xuân Hòe - nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN), cuộc cạnh tranh chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới. Điều này không chỉ phù hợp với xu hướng của thế giới mà còn thúc đẩy các ngân hàng liên tục phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ và thu hút khách hàng.
Một kết quả khảo sát tại các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam của NHNN cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm đến 60 - 70% chi phí. Một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói…
Đơn cử như VIB tiếp tục nằm trong top dẫn đầu về tăng trưởng số lượng thẻ tín dụng và mức chi tiêu trên thẻ, cao gấp 2 lần so với trung bình của ngành ngân hàng. Tại TPBank, lượng giao dịch trực tuyến của ngân hàng này cũng tăng mạnh, chiếm tới trên 92% tổng số lượng giao dịch của toàn ngân hàng. Tại BIDV, thu nhập từ các hoạt động phi tín dụng (đặc biệt là dịch vụ) tiếp tục tăng trưởng cao trong vài năm trở lại đây nhờ động lực đến từ dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng số...
Theo khảo sát của NHNN, 95% TCTD Việt Nam đã và đang xây dựng, triển khai chiến lược chuyển đổi số toàn diện. Hiện nay, ngành ngân hàng đang ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trong cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính như internet kết nối vạn vật (IoT), trí tuệ thông minh nhân tạo (AI), học máy (ML), phân tích dữ liệu nâng cao, công nghệ sổ cái phân tán (DLT), điện toán đám mây và các giao diện lập trình ứng dụng (APIs)…
Trong đề án chuyển đổi số năm 2022, một trong những giải pháp được NHNN đưa ra là triển khai hợp tác giữa NHNN và DN phát triển nền tảng số trong việc nghiên cứu, phát triển, sử dụng các nền tảng số xuất sắc, chất lượng cao. Các dịch vụ phần mềm đã được chuẩn hóa sử dụng cho phát triển chính phủ điện tử tại các bộ, ngành để xây dựng chính phủ điện tử tại NHNN; tạo điều kiện, hỗ trợ DN giới thiệu, cung cấp sản phẩm, dịch vụ số cho ngành ngân hàng…
Nhiều nghiệp vụ được số hóa 100% như gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền... Đây là mảng rất tiềm năng tại Việt Nam vì theo thống kê, dư nợ cá nhân hộ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. Ở Việt Nam chỉ có khoảng 8 - 10% dân số có thẻ tín dụng, trong khi ở Singapore tỷ lệ này là 95%... Theo các tổ chức nghiên cứu, năm 2022, tài chính số của Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế số, thương mại điện tử.
Nghiên cứu của Worldbank, từ nay đến năm 2030, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục ở mức hai con số; và so với nhiều quốc gia khác thì Việt Nam có dân số tương đối trẻ. Đặc biệt, Chính phủ và NHNN đều có động thái cởi mở trong hoạt động chuyển đổi số, sẽ là cơ hội lớn để ngành ngân hàng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa lĩnh vực này trong một vài năm tới.
Dù vậy, trong quá trình số hóa, các ngân hàng cũng gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ trong kinh doanh từ nhiều đối thủ mới như ngân hàng ảo, những công ty công nghệ tài chính lớn và hoạt động ngân hàng nằm ngoài phạm vi các ngân hàng. Cùng với đó, những rủi ro an ninh mạng, các cuộc tấn công mạng lớn cũng là một quan ngại hàng đầu mà TCTD phải đối mặt. Ngoài ra, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế cũng là một quan ngại trong hệ thống các TCTD khi thực hiện chuyển đổi số…
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng đang tích cực nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng thanh toán, tăng cường tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng dịch vụ thanh toán tiện ích nền tảng số, giúp tăng tính tiện ích, trải nghiệm cho khách hàng.
Trong đó, triển khai tích cực và hiệu quả Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ xác minh thông tin nhận biết khách hàng.
"Ngành ngân hàng sẽ tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử; triển khai hiệu quả các hệ thống thanh toán quan trọng và hoạt động tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bảo đảm hoạt động đúng quy định, thông suốt, an toàn" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-doi-so-manh-me-trong-hoat-dong-ngan-hang.html