Chuyển đổi số ngân hàng gắn với bảo vệ quyền lợi hợp pháp khách hàng
Sáng 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2024. Thủ tướng nhấn mạnh: thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của ngành gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP
Sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 là sự kiện lớn nhất trong năm liên quan đến chuyển đổi số của ngành Ngân hàng. Chủ đề của Sự kiện năm nay là có sự tiếp nối với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” của Ngày Chuyển đổi số ngân hàng năm 2023.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ, NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN) với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và cung cấp tiện ích, thuận tiện cho người dùng là thước đo hiệu quả chuyển đổi số.
Nhiều chỉ tiêu đã đạt, vượt hoặc tiệm cận mục tiêu đề ra đến năm 2025 tại các Chương trình, Kế hoạch, Đề án về chuyển đổi số.
Đến nay, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017-2023 đạt trên 100%/năm. Hạ tầng công nghệ ngân hàng thường xuyên được đầu tư nâng cấp, phát triển, đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830.000 tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.
Việt Nam đã hoàn thành kết nối thanh toán xuyên biên giới qua mã QR với Thái Lan, Campuchia và đang triển khai với Lào, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng ra các nước trong và ngoài khu vực ASEAN.
Ngoài ra, ngành Ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong công tác phòng chống tội phạm và đặc biệt là đã tiên phong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06/QĐ-TTg ứng dụng dữ liệu dân cư để phục vụ việc làm sạch dữ liệu, định danh/xác thực chính xác thông tin khách hàng, hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng trên kênh điện tử, bảo lãnh điện tử cũng như góp phần đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng…
Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền,...), nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đánh giá cao các số liệu về thanh toán không dùng tiền mặt đã vượt so với mục tiêu đến năm 2025 đặt ra tại Quyết định 1813/QĐ-TTg về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và Quyết định 749/QĐ-TTg: Tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đã đạt 87% vượt mục tiệu 80% vào năm 2025; Tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt bình quân hàng năm đạt hơn 50% về số lượng; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh điện thoại di động đạt hơn 100% cả về số lượng và giá trị; tốc độ tăng trưởng giao dịch trên kênh Internet đạt hơn 50% về số lượng. Tỷ lệ khách hàng sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt hơn 49% - vượt mục tiêu 40% tại Quyết định 1813/QĐ-TTg; Giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 23 lần GDP - tiệm cận mục tiêu 25 lần GDP tại Quyết định 1813/QĐ-TTg.
Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đặt trọng tâm cho việc phát triển kinh tế số, coi đây là trụ cột quan trọng, làm đòn bẩy để thúc đẩy các mục tiêu Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Ngành Ngân hàng với vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, có tác động hàng ngày đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp và các lĩnh vực trong nền kinh tế. Bởi vậy, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm và xác định ngân hàng là lĩnh vực cần ưu tiên, tiên phong trong chuyển đổi số.
Thời gian qua, chuyển đổi số ngân hàng đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quản lý tài chính, minh bạch dòng tiền và qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Những sản phẩm dịch vụ này gắn chặt chẽ với đời sống hàng ngày của người dân, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp như: xác thực, định danh khách hàng bằng thông tin sinh trắc học thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản định danh và xác thực điện tử VneID; ứng dụng thanh toán bằng thông tin sinh trắc học khuôn mặt (facepay); thanh toán một chạm, thanh toán xuyên biên giới bằng mã phản hồi nhanh QR…; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn, công nghệ thực tế ảo trong hoạt động cho vay, cấp tín dụng cho cá nhân, doanh nghiệp;… kết nối để thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuế, viện phí, học phí, giao thông, xăng dầu, đi chợ, gọi xe, mua bán hàng hóa dịch vụ… gắn với xuất hóa đơn điện tử vừa tạo thuận tiện cho khách hàng, rút ngắn thời gian giao dịch, giúp doanh nghiệp quản lý minh bạch tài chính và hỗ trợ công tác quản lý thuế.
Bên cạnh những kết quả nêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một hành trình dài và trước mắt vẫn còn nhiều thách thức về công tác đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin, cập nhật, thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ… Do đó, Thủ tướng nghị ngành ngân hàng bám sát quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, lấy trải nghiệm khách hàng là thước đo; đồng thời tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao, đảm bảo thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của ngành gắn chặt với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng tiếp tục hoàn thiện thể chế, hạ tầng, bảo mật dữ liệu, đảm bảo an ninh an toàn và phát triển nguồn nhân lực.
Cụ thể, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng, Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt;… Rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật để đảm bảo đồng bộ, phù hợp với các quy định tại Luật Căn cước, Luật giao dịch điện tử,... và thực tiễn cung ứng, thực hiện các hoạt động, nghiệp vụ ngân hàng trên nền tảng số.
Tiếp tục nâng cấp, phát triển các hạ tầng thanh toán đảm bảo hoạt động liên tục, thông suốt, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán đa dạng, ngày càng tăng nhanh của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế;
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan để triển khai liên thông dữ liệu, qua đó cung cấp ngày càng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng ở khắp các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế. Tổ chức tốt công tác quản trị, bảo mật dữ liệu khách hàng; ứng dụng và khai thác hiệu quả dữ liệu dựa trên các công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo/Học máy, Dữ liệu lớn,…
Có chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu về công tác chuyển đổi số ngành Ngân hàng; bố trí nguồn lực hợp lý cho công tác đầu tư hạ tầng, đảm bảo phát triển phù hợp với mục tiêu kinh doanh.
Đảm bảo an ninh, an toàn, tăng cường việc phối hợp với Bộ Công an, Bộ TT&TT… trong công tác phòng, chống tội phạm và bảo đảm an ninh, an toàn, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi cung ứng dịch vụ trên môi trường số. Đặc biệt, tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, hướng dẫn để nâng cao hiểu biết tài chính và hiểu biết số cho người dân, doanh nghiệp nhằm hạn chế nguy cơ kẻ xấu, tội phạm lợi dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích gian lận, lừa đảo.
NHNN cho biết các TCTD đang tích cực phối hợp với các doanh nghiệp được Bộ Công an cấp giấy phép cung cấp giải pháp xác thực người dùng bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip để tổ chức triển khai giải pháp xác thực khách hàng. Trong đó có nhiều TCTD đã ký kết hợp đồng, đang triển khai thực tế: 48 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chip qua ứng dụng điện thoại; 60 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chip qua thiết bị tại quầy.