Chuyển đổi số ngành ngân hàng: Cạnh tranh khốc liệt về ứng viên

Đứng trước các hành vi tiêu dùng của khách hàng đang ngày càng thay đổi theo xu hướng số hóa, các ngân hàng đã và đang ứng dụng chuyển đổi số nhằm đáp ứng các nhu cầu thay đổi không thể đảo ngược được này.

Mức lương dành cho các vị trí trong mảng Chuyển đổi số sẽ có thể cao hơn từ 20 - 30% so với các vị trí cùng cấp bậc thuộc các nhóm nghiệp vụ truyền thống khác.

Mức lương dành cho các vị trí trong mảng Chuyển đổi số sẽ có thể cao hơn từ 20 - 30% so với các vị trí cùng cấp bậc thuộc các nhóm nghiệp vụ truyền thống khác.

Đây là nhận định của Navigos Group trong báo cáo “Cơ hội và thách thức đối với nhà tuyển dụng và ứng viên ngành Ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi số” vừa được công bố.

Nguồn ứng viên hạn chế chưa đáp ứng được với nhu cầu

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam, nguồn ứng viên trong mảng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng rất hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Về chất lượng, rất hiếm các ứng viên có kinh nghiệm để triển khai áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất. Về số lượng, ngân hàng có nhu cầu tuyển số lượng lớn và trong thời gian ngắn nhưng lượng ứng viên đạt yêu cầu không đủ đáp ứng.

Theo Navigos Search sự cạnh tranh về các ứng viên trong ngành này rất khốc liệt, đặc biệt với các vị trí về công nghệ thông tin (IT), một trong những nền tảng quan trọng trong việc chuyển đổi số, luôn khan hiếm ứng viên. Không chỉ có các ngân hàng cần tuyển các vị trí IT, mà các công ty từ các lĩnh vực khác như tài chính, thương mại điện tử, y tế giáo dục… đều muốn tuyển các ứng viên trong mảng này.

Bên cạnh đó, do cần phải triển khai các sản phẩm và giải pháp công nghệ tiên tiến về chuyển đổi số trong khi các ứng viên trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu, các ngân hàng lớn sẵn sàng chi trả những khoản tiền đáng kể để “săn” ứng viên từ nước ngoài về.

Các tiêu chí của ứng viên được đề cao trong tuyển dụng

Nhờ có sự phát triển của mạng xã hội và hệ thống thông tin nên các ngân hàng có thể tự tìm kiếm và tiếp cận nguồn ứng viên như họ mong muốn.

Trước đây, các ngân hàng thường ưa chuộng các ứng viên có nền tảng và đã có kinh nghiệm làm việc tại các ngân hàng khác. Tuy nhiên, hiện nay việc yêu cầu chuyển đổi và phát triển kinh doanh của các ngân hàng thay đổi nên họ cần nhân sự có tư duy và năng lực phù hợp với chiến lược mới của họ, thậm chí đối với một số vị trí, không quan trọng là ứng viên đó đã từng làm việc trong lĩnh vực nào trước đây.

Trong sự chuyển đổi số nói chung và tại ngân hàng, theo báo cáo, các sản phẩm và dịch vụ sẽ hướng đến việc đặt khách hàng là trọng tâm, và yếu tố này cũng được đặt là kim chỉ nam trong việc tuyển dụng ứng viên. Các ngân hàng khá chú trọng đến tư duy và kinh nghiệm về am hiểu khách hàng của ứng viên trong mảng này.

Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ tuyển dụng các ứng viên có các năng lực cốt lõi liên quan đến tư duy và sự thích ứng trong môi trường chuyển đổi số như tư duy phản biện, tư duy thiết kế, tư duy linh hoạt, tư duy nhạy bén về kinh doanh, phân tích dữ liệu cũng như thành thạo tiếng Anh.

Thách thức và cơ hội đối với các ứng viên trong mảng chuyển đổi số

Đối với các ứng viên không thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin (Non-IT)

Đối với các vị trí không thuộc chuyên ngành công nghệ thông tin (non-IT), các ngân hàng có thể cử nhân viên từ các bộ phận có nghiệp vụ liên quan trong nội bộ tham gia vào các dự án chuyển đổi số. Ngoài ra, nhiều ngân hàng cũng tuyển ứng viên có kinh nghiệm từ các ngân hàng khác sang.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng cũng cởi mở trong việc tuyển ứng viên đến từ các lĩnh vực khác đã thực hiện chuyển đổi số, ví dụ như mảng Thương mại điện tử (e-commerce), Công nghệ Tài chính (Fintech)… Những lĩnh vực này đều cung cấp sản phẩm, dịch vụ liên quan đến kinh doanh trên môi trường số nên các ứng viên thuộc các lĩnh vực này sẽ mang các tư duy và kinh nghiệm mới sang ngân hàng.

Đối với các vị trí không thuộc nền tảng IT này, các ứng viên thường vẫn được yêu cầu có kinh nghiệm chuyên môn về nghiệp vụ ngân hàng, sản phẩm và khách hàng. Riêng đối với các vị trí chiến lược cho việc chuyển đổi số, ngân hàng nhắm đến ứng viên nước ngoài, Việt Kiều có kinh nghiệm quốc tế hoặc các ứng viên từ các công ty hàng đầu Việt Nam đã thành công trong việc chuyển đổi số. Trước kia, các ngân hàng hầu như chỉ tuyển ứng viên đến từ các ngân hàng khác. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng có xu hướng đa dạng hóa nguồn ứng viên từ các lĩnh vực khác.

Đối với các ứng viên công nghệ thông tin (IT) là lực lượng chính yếu của công cuộc chuyển đổi số nên các ngân hàng khi tiến hành chuyển đổi số đều có nhu cầu tăng cường nhân sự và tuyển dụng số lượng lớn.

Thêm vào đó, các ứng viên IT luôn được tìm kiếm trên thị trường không chỉ trong lĩnh vực ngân hàng nên sự cạnh tranh trong việc thu hút được các ứng viên này rất cao. Họ có thể đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau và ứng tuyển làm việc tại ngân hàng mà không nhất thiết phải có kinh nghiệm làm việc trong ngân hàng.

Việc tuyển dụng và thu hút, giữ chân các ứng viên IT tại các ngân hàng luôn là “sự đau đầu” với nhà tuyển dụng. Các ứng viên này thường không gắn bó lâu với vì họ có thể lựa chọn lĩnh vực đa dạng để làm việc. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh gắt gao giữa các công ty trên thị trường để thu hút ứng viên và các ngân hàng cũng phải đưa ra các chính sách tuyển dụng hấp dẫn về lương, thưởng và phúc lợi xã hội.

"Thường hiếm có các ứng viên IT có thể đạt đủ yêu cầu của nhà tuyển dụng và chỉ cần đáp ứng 50 - 70% là có thể có cơ hội làm việc. Do lượng ứng viên IT có đầy đủ kinh nghiệm luôn thiếu so với nhu cầu thị trường nên nhà tuyển dụng có thể hạ dần hoặc lược bớt các tiêu chí tuyển dụng. Họ chấp nhận tuyển những kỹ sư còn ít kinh nghiệm về để đào tạo và đào tạo lại", Navigos Group nhấn mạnh.

Cơ hội dành cho các ứng viên trong lĩnh vực chuyển đổi số

Theo Navigos, một trong những cơ hội lớn nhất dành cho các ứng viên trong lĩnh vực này chính là được tiếp xúc với nhiều kiến thức và kỹ năng mới, được thử nghiệm nhiều dự án nên họ được trang bị nhiều tư duy và năng lực làm việc mới như agile, scrum... có cơ hội làm việc trong môi trường quốc tế, cập nhật kiến thức, công nghệ tân tiến.

Việc thực hiện chuyển đổi số tại ngân hàng thường có mức độ chuyển đổi nhân sự cao, khoảng 2-3 năm là có thể có thay đổi về nhân sự mới. Do vậy, các ứng viên trong lĩnh vực này cũng có các cơ hội để thay đổi môi trường làm việc mà họ mong muốn trong từng giai đoạn cụ thể trong sự nghiệp của họ.

Các ứng viên là người nước ngoài hay Việt Kiều thông thường sẽ đảm nhiệm các vị trí chủ chốt hoặc đứng đầu một mảng trong bộ phận IT hoặc mảng Kinh doanh, Marketing và Sản phẩm.

Thế mạnh của các ứng viên này là họ đã có kinh nghiệm làm việc ở các thị trường phát triển trên thế giới về chuyển đổi số. Họ có tư duy bài bản về việc lấy khách hàng là trọng tâm và vận dụng cơ sở dữ liệu. Họ cũng có thể làm việc và quản lý được các nhà cung cấp trong mảng chuyển đổi số. Như vậy, họ có kinh nghiệm triển khai trước đây nên có thể rút ngắn các thử nghiệm và triển khai quá trình chuyển đổi số cho ngân hàng nơi họ đến làm việc.

“Việc chuyển đổi số trong ngân hàng cần tương tác, trao đổi rất nhiều để thống nhất định hướng, cách thức nên bất lợi của các ứng viên người nước ngoài và Việt Kiều thường liên quan đến văn hóa và ngôn ngữ. Bên cạnh đó, các quy định chặt chẽ về pháp chế và tuân thủ của ngân hàng không phải lúc nào cũng tạo thuận lợi cho việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số”, báo cáo nhận định.

Đề xuất từ Navigos Search

Đối với nhà tuyển dụng: Để thu hút và giữ chân các ứng viên cho chuyển đổi số, các ngân hàng có thể cân nhắc các yếu tố như: cải thiện cách thức tuyển dụng nhằm tiếp cận với ứng viên phù hợp, đồng thời tăng tốc độ tuyển dụng phù hợp với thị trường chung.

Đồng thời, điều chỉnh, xây dựng mới các chính sách hợp lý trong việc thu hút ứng viên. Xây dựng thương hiệu về sản phẩm, dịch vụ cũng như thương hiệu nhà tuyển dụng và sử dụng các giải pháp khác nhau về tuyển dụng headhunting, RPO

Đối với ứng viên: Để làm việc và phát triển trong mảng chuyển đổi số, các ứng viên có thể lưu ý về việc trau dồi kiến thức, năng lực và kỹ năng liên quan đến chuyển đổi số, trau dồi kỹ năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, tư duy critical thinking. Bên cạnh đó là thích ứng nhanh với phương pháp làm việc mới như Agile, Scrum… và cải thiện kỹ năng ngoại ngữ (Tiếng Anh).

"Các ứng viên có nhiều lựa chọn nhưng cũng cần đặt ra chiến lược, có tầm nhìn cho hướng đi bền vững. Luôn đổi mới và tăng năng lực tự học hỏi, thích nghi. Đặc biệt, tham gia các khóa học, hội thảo, mở rộng mạng lưới thông tin, quan hệ trong lĩnh vực chuyển đổi số để có có thông tin sâu rộng trong ngành", báo cáo khuyến nghị.

Nhuệ Mẫn

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-doi-so-nganh-ngan-hang-canh-tranh-khoc-liet-ve-ung-vien-post302971.html