Chuyển đổi số ngành y tế: Hạn chế về kinh phí và nhân lực
TPHCM được đánh giá là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước triển khai thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế. Song đến nay, bên cạnh những thành tích đạt được thì ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số tiến tới xây dựng y tế thông minh của thành phố vẫn chưa như kỳ vọng, trong đó rào cản lớn nhất là hạn chế về kinh phí và nguồn nhân lực.
Chưa kịp triển khai đã lỗi thời
Cách đây hơn 10 năm, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 bắt đầu số hóa scan chứng từ BHYT, giấy hẹn khám lại, giấy nghỉ hưởng BHXH cho người bệnh. Đến nay, đơn vị này đã thực hiện nhiều ứng dụng tự động theo hướng y tế thông minh như: kiốt lấy số thứ tự đăng ký tự động, kiốt lấy số thứ tự làm xét nghiệm, kiốt tra cứu giá khám chữa bệnh.
Đăng ký khám bệnh trực tuyến qua web, điện thoại, mobile app… giúp người bệnh không còn cảnh xếp hàng chờ đợi. Bệnh nhân cũng không dùng tiền mặt mà thanh toán qua thẻ, app, QR Code, POS... Năm 2021, BV còn triển khai giải pháp thanh toán qua QR code: bệnh nhân chỉ cần scan QR code trong giấy chỉ định của bác sĩ để đóng tiền thay vì cầm giấy ra quầy thu ngân.
BV Nhi đồng 1 cũng là một trong những BV đầu tiên trong cả nước tự xây dựng phần mềm đấu thầu thuốc thông minh, số hóa toàn bộ công đoạn của quy trình đấu thầu thuốc...
Tuy nhiên, theo TS-BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, quá trình tiến tới y tế thông minh của đơn vị gặp nhiều khó khăn. Trong đó, bài toán nan giải nhất là thu hút, giữ chân nhân lực CNTT do mức lương quá thấp. Nhiều máy móc trang thiết bị, phần mềm đã lỗi thời; trong khi việc mua sắm thiết bị không được thực hiện kịp thời do nằm trong danh mục mua sắm tập trung của thành phố.
BV Hùng Vương cũng là một trong những đơn vị có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhưng theo PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV, có quá nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường chuyển đổi số. Một trong số đó là rào cản về cơ chế, quy trình thủ tục quá chậm trong khi CNTT thay đổi với tốc độ quá nhanh, dễ khiến máy móc, hệ thống CNTT lỗi thời.
Đơn cử như dự án hệ thống an ninh mạng và wifi của BV dù đã triển khai 3 năm rồi nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân do quá trình xin duyệt chủ trương phải trải qua nhiều khâu lòng vòng. “Nếu chúng ta chậm một chút thì các kỹ thuật đang triển khai sẽ bị lỗi thời, mà đâm đầu làm theo cái lỗi thời này thì rất phí. Chúng tôi đang khá bế tắc”, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết chia sẻ.
Hướng tới y tế thông minh
BV Hùng Vương đã triển khai bệnh án điện tử từ năm 2020 và đến nay đã hoàn thành 100% bệnh án ngoại trú, 99% bệnh án nội trú sản khoa, 60% nội trú phụ khoa và 40% bệnh án sơ sinh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất của bệnh án điện tử là hệ thống bảo mật thông tin, an ninh mạng bởi nếu không đảm bảo tính bảo mật, có thể dẫn đến vi phạm quy định của Luật Khám chữa bệnh.
Vấn đề tài chính cũng là thách thức chung mà các BV phải đối diện khi thực hiện chuyển đổi số. Hiện nay việc đầu tư hệ thống bảo mật thông tin có giá hơn 10 tỷ đồng, vượt quá khả năng của đa số BV. Dù đã nhiều lần xin được đầu tư hệ thống này nhưng BV chưa được chấp thuận.
TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhìn nhận, hầu hết các BV trên địa bàn TPHCM đều gặp khó khăn khi triển khai chuyển đổi số và thực hiện đề án y tế thông minh. Ngoài vấn đề nhân sự, hạ tầng CNTT của các đơn vị không được đầu tư đồng bộ trong nhiều năm qua và đã trở nên lạc hậu.
Trong khi chờ chính sách đặc thù, để tuyển dụng, giữ chân cán bộ CNTT, các BV cần tự cứu mình bằng giải pháp không tách rời đội ngũ CNTT trong BV khỏi đội ngũ khám chữa bệnh mà lồng ghép chức năng, nhiệm vụ vào các hoạt động chung một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, ngành y tế thành phố đã xây dựng đề án “Chuyển đổi số và xây dựng y tế thông minh”; trong đó mục tiêu đến năm 2025, 100% người dân được quản lý sức khỏe bằng hồ sơ sức khỏe điện tử (EHR); 100% các BV quản lý người bệnh bằng bệnh án điện tử (EMR).
Bên cạnh đó, nhiều ứng dụng CNTT được triển khai nhằm giúp phát hiện và ngăn chặn dịch bệnh kịp thời, quản lý bệnh không lây nhiễm. Xây dựng dữ liệu lớn của ngành y tế (nhân lực y tế, chứng chỉ hành nghề, danh mục kỹ thuật, cung ứng thuốc…). Ngành y tế TPHCM cũng triển khai các ứng dụng sử dụng dữ liệu lớn phục vụ công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế.
Đến năm 2025, người dân sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử
Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục CNTT (Bộ Y tế), đến nay, đã có 36 BV cả nước triển khai thành công bệnh án điện tử. Mục tiêu đến năm 2025, toàn bộ BV có thể triển khai được bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy.
Phấn đấu đến năm 2025, mỗi người đều có một hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý, theo dõi trong toàn bộ cuộc đời. Người dân đi khám bệnh không phải mang giấy tờ vì tất cả đều được số hóa và lưu trữ dưới hình thức điện tử. Hồ sơ sức khỏe điện tử còn giúp cán bộ y tế có được thông tin về quá trình lịch sử khám chữa bệnh của người bệnh, để việc điều trị hiệu quả, chất lượng hơn.