Chuyển đổi số: Người lao động ASEAN buộc phải thích nghi nhanh chóng
Đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại các nước trên thế giới, trong đó có các quốc gia ASEAN. Công nghệ số đã mở ra cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế Đông Nam Á khi mà rất nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm nếu không thể đáp ứng được các kỹ năng trong thời đại mới.
Ngày 13/11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN-BIS) nằm trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, các nhà lãnh đạo và các chuyên gia đã cùng nhau thảo luận sự tác động của chuyển đổi số tới tương lai của việc làm tại ASEAN.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, khu vực ASEAN cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó. Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), năm 2020, GDP của khu vực Đông Nam Á chỉ tăng 1%, so với 4,4% năm 2019 trước khi phục hồi lên mức 4,7% vào năm 2021. Đồng thời, khoảng 30 triệu người tại các quốc gia Đông Nam Á đang rơi vào nguy cơ thất nghiệp. Đại dịch đã buộc các công ty phải xem xét lại các giải pháp công nghệ cho hoạt động của mình và thay đổi văn hóa làm việc.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Ir. H. Joko Widodo - Tổng thống Cộng hòa Indonesia – khẳng định: "Đại dịch khiến chúng ta gia tăng sự phụ thuộc vào công nghệ số. Đây là cơ hội để tăng tốc quá trình chuyển đổi số".
Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, tại ASEAN, 65% dân số đã có thể tiếp cận với Internet. Theo tính toán, nền kinh tế công nghệ số tại khu vực này có thể đạt được 200 tỷ USD vào năm 2025. Đại dịch Covid - 19 có thể là một cú hích lớn đối với nền kinh tế số khi 1,5 tỷ trẻ em trên thế giới phải học trực tuyến và hàng trăm triệu người phải làm việc từ xa trong bối cảnh giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, tổng thống Joko Widodo cũng bày tỏ quan ngại về những thách thức đặt ra trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt trong vấn đề việc làm do sẽ có nhiều doanh nghiệp truyền thống buộc phải đóng cửa. Theo ước tính, khoảng 56% công việc tại các nước ASEAN đang chịu rủi ro từ tự động hóa. Mặt khác, có khoảng cách đáng kể trong việc tiếp cận công nghệ số giữa các nước ASEAN. Trong 10 quốc gia thành viên, hiện chỉ có 3 nước là có 80% dân số có thể tiếp cận Internet.
Con người là trung tâm trong phát triển công nghệ số
Ông Sasaki Nobuhiko, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) nhấn mạnh, để giảm thiểu tác động tiêu cực của chuyển đối số, các quốc gia ASEAN cần phải tuân theo nguyên tắc, yếu tố con người là yếu tố quan trọng nhất. “Việc phát triển công nghệ, phát triển kinh tế số coi con người là trọng tâm đã được Nhật Bản xác định phát triển từ lâu, trước khi có đại dịch COVID-19”, ông Nobuhiko phát biểu tại phiên thảo luận. Đồng thời ông cũng cho biết, có đến 70-80% doanh nghiệp Nhật Bản cam kết sẽ đảm bảo việc làm cho người lao động trong đại dịch COVID-19. Các công ty Nhật cũng sẽ lan tỏa công nghệ, kinh nghiệm cho người lao động. Trong quá trình này, các công ty Nhật sẽ đề cao việc chuyển giao đào tạo giúp lao động tại các quốc gia ASEAN thích nghi với thay đổi công nghệ.
Đồng tình với quan điểm của ông Nobuhiko, ông Ted Osius – Phó Chủ tịch Ban Quan hệ Chính phủ và Chính sách công, Google châu Á – Thái Bình Dương cho biết, người sử dụng internet đang mang lại cơ hội hồi phục cho các nước ASEAN.
“Các nguồn lực tài năng số giúp chúng ta xây dựng hệ sinh thái số. Các công nghệ sẽ vô ích khi chúng ta không biết dùng nó. Phát triển kỹ năng là yêu cầu then chốt trong phục hồi kinh tế, các quốc gia xây dựng được năng lực này sẽ phát triển và tăng trưởng nhanh chóng”, ông Ted Osius nói.
Trong khi đó, ông Kevin Aluwi, Tổng giám đốc công ty GoJek, siêu kỳ lân (những công ty có giá trị trên 10 tỷ USD) trong lĩnh vực công nghệ tại Singapore cho biết, chuyển đổi số chính là cơ hội đối với người lao động. Lấy ví dụ từ doanh nghiệp của mình, ông Aluwi chỉ ra những nhà cung cấp thực phẩm vừa và nhỏ, những người lái xe đã tăng thu nhập nhờ vào ứng dụng công nghệ của GoJek. "Đây là câu trả lời cho câu hỏi liệu công nghệ có thay thế được con người, đặc biệt là đối với các công ty vừa và nhỏ" - Ông Aluwi bày tỏ.
Cần chú trọng đào tạo thế hệ trẻ
Với tư cách là một công ty công nghệ tại Đông Nam Á, ông Aluwi cho biết, công ty đã gặp nhiều khó khăn để tuyển chọn nhân tài. GoJek phải chấp nhận đào tạo từ đầu để có thể tìm ra được tài năng trong tương lai.
Đồng ý với ý kiến này, ông Ted Osius khẳng định: "Chúng ta cần phải giúp những người có nhu cầu vẫn có thể tiếp cận được với học vấn trong thời kỳ mới". Ông Osius cũng trích lời tỷ phú Jack Ma kêu gọi các giáo viên phải ngừng giảng dạy như cách đây 200 năm và phải đào tạo cho nhân lực cách làm việc nhóm và tư duy sáng tạo.
Bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành của Navigos Search – cho biết, hiện nay, nhiều sinh viên mới ra trường đang rất thiếu hụt về kiến thức và kỹ năng. Điều này là gánh nặng đối với doanh nghiệp bởi doanh nghiệp lại mất thêm chi phí đào tạo nhân lực. Bà Mai đề nghị các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào giáo dục. Nói đến đào tạo, sự ủng hộ của khu vực tư nhân sẽ giúp hệ thống giáo dục hiệu quả hơn" - bà đánh giá.
Đồng thời, bà Mai cũng bày tỏ tham vọng muốn Asean trở thành nơi thu hút nhân tài. Điều này cần có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, các thành phần kinh tế tư nhân, các nhà giáo dục và cần cùng nhau trang bị cho những người trẻ tuổi nổi bật lên trong thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.