Chuyển đổi số nhìn từ thực tiễn ĐBSCL
Những ngày này ở các tỉnh ĐBSCL gió chuyển đổi số bắt đầu thổi mạnh. Tuy nhiên, đây là một vấn đề lớn và tế nhị vì tính chất đặc trưng của vùng. Trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của giao thông, đô thị, kinh tế, văn hóa - xã hội, chuyển đổi số ở ĐBSCL trở thành vấn đề then chốt để vùng bứt phá, phát triển.
Phong trào chuyển đổi số
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, lợi thế nhưng sau rất nhiều năm vẫn phát triển chậm, chưa thịnh vượng. Vùng đất "ngủ yên" này tuy được "đánh thức" vào những năm 80 thế kỷ trước, nhưng chỉ mới "thức" mà chưa vươn lên mạnh mẽ. Người dân nơi đây phần lớn chỉ mới "đủ ăn" mà chưa khá giả. Mặt bằng y tế, giáo dục, văn hóa... trong vùng chưa theo kịp cả nước.
Từ thực tiễn nói trên, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới, ngày 2.4.2022, Bộ Chính trị khóa 13 đã ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, nghị quyết đã đề ra một trong các nguyên tắc và định hướng phát triển đối với ĐBSCL, đó là phát triển nhanh, bền vững, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Quá trình chuyển đổi số, hướng tới xây dựng nền kinh tế số, chính quyền số, xã hội số… đã và đang diễn ra ở ĐBSCL. Tuy nhiên quá trình này đang gặp phải những khó khăn, thách thức trên tất cả các mặt: Nhân lực, thể chế, thiết chế và cơ chế; những thứ liên quan đến các chủ thể chuyển đổi số bao gồm cả nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp và người dân.
Có thể nhận thấy hiện nay ở khắp nơi, hầu như ai cũng nói về chuyển đổi số một cách rôm rả, nhất là trên các diễn đàn truyền thông đại chúng. Trong thực tế thì nhận thức về chuyển đổi số (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) còn chưa cao.
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chính quyền cơ sở chưa thực sự thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số trong quản lý, điều hành. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ chuyển đổi số còn chưa được đầu tư một cách bài bản, đồng bộ. Nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa ý thức được việc ứng dụng công nghệ số. Phần đông người dân còn chưa quen với việc sử dụng các dịch vụ số khi đến làm thủ tục hành chính tại các cơ quan công quyền, cũng như khi tham gia vào các giao dịch thị trường được ứng dụng công nghệ số.
Trong thực tế, chất lượng nguồn nhân lực số ở ĐBSCL nói riêng và trên cả nước nói chung hiện nay chưa đồng đều. Phần lớn đơn vị và con người vẫn chưa thực sự thành thạo các kỹ năng sử dụng hệ thống phần mềm và cơ sở dữ liệu số. Các địa phương trong vùng đã và đang đối mặt với thách thức đặt ra là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số, đảm bảo khả năng thích ứng trong môi trường số.
Cho đến nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và ban hành nhiều văn bản pháp lý liên quan đến việc chuyển đổi số (chính phủ điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số…). Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai thực hiện còn chậm và gặp không ít rào cản. Về cơ bản hạ tầng viễn thông chưa đáp ứng được yêu cầu về các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Các cơ chế chuyển đổi số còn chưa hình thành một cách đồng bộ, nhất là sự phối hợp, liên thông giữa các chủ thể, các địa phương trong vùng.
Làm thế nào thúc đẩy chuyển đổi số nhanh, hiệu quả và bền vững ở ĐBSCL?
TS Phan Công Khanh - Giám đốc Học viện Chính trị khu vực IV cho rằng chuyển đổi số với 3 trụ cột là tất yếu, bắt buộc chúng ta phải đi. Đối với ĐBSCL còn thuần nông thì chuyển đổi số càng cần phải làm mạnh, nhất là khi việc phát triển kinh tế số, xã hội số ở nơi đây còn gặp phải nhiều khó khăn, lực cản.
Vì vậy ĐBSCL rất cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các chủ thể liên quan trong việc hoàn thiện các chính sách, phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng (nhất là hệ thống dữ liệu), đảm bảo an toàn thông tin… để việc chuyển đổi số, mà trọng tâm là phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và bền vững.
PGS-TS Phạm Tiến Đạt - Hiệu trưởng Trường đại học Tài chính - Maketing cho rằng có thể tham khảo những kinh nghiệm của các nước, đặc biệt của Trung Quốc. Chuyển đổi số phải phù hợp với điều kiện cụ thể và lợi thế của vùng. Cần chú trọng việc cải thiện hạ tầng (cơ sở dữ liệu), việc bảo mật, an ninh an toàn trên không gian mạng, nâng cao điều hành kinh tế số của bản thân chính quyền. Phát triển kinh tế số mà không thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì đó là một sự thất bại.
PGS-TS Lưu Thanh Đức Hải - Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế (Đại học Cần Thơ) cho rằng vấn đề chuyển đổi số cần hướng đến việc xây dựng đô thị thông minh, thành phố thông minh, cùng với đó là phải đảm bảo đồng bộ các vấn đề dữ liệu, tích hợp dữ liệu, đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao hạ tầng logistics...
Chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay là một nhu cầu tất yếu, đòi hỏi tất cả các chủ thể xã hội phải nâng tầm nhận thức và phải có chiến lược phù hợp để thích ứng nếu không muốn bị tụt hậu.
ĐBSCL là nơi có rất nhiều tiềm năng và lợi thế, song cũng bị coi là “vùng trũng” của cả nước về nhiều mặt. Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, nếu các chủ thể nơi đây biết nắm đúng thời cơ, thực hiện chuyển đổi số một cách nhanh nhạy và đồng bộ, chất lượng và hiệu quả thì chắc chắn trong tương lai không xa, ĐBSCL sẽ có thể tạo ra một bước phát triển đột phá và mạnh mẽ.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chuyen-doi-so-nhin-tu-thuc-tien-dbscl-193733.html