Chuyển đổi số ở ĐBSCL - Bài 2: Triển vọng và thách thức
Đầu tháng 12, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP.Cần Thơ tổ chức hội thảo 'Chuyển đổi số ngành GD-ĐT'. Ông Nguyễn Thực Hiện - Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng 'Ngành giáo dục phải tận dụng nhiều nguồn lực để đẩy mạnh việc chuyển đổi số, vì đây là mục tiêu phát triển trong tương lai'.
Trong việc chuyển đổi số (CĐS) ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngành GD-ĐT là ngành đi đầu thực hiện công tác này. Trước tiên đội ngũ trong ngành là lực lượng tiềm năng, có kiến thức, được đào tạo cơ bản, trang bị thiết bị CĐS của ngành tương đối tốt.
Tại hội thảo, ông Huỳnh Thanh Lộc - Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Cần Thơ cho biết: “Năm học 2023-2024, Cần Thơ có 467 cơ sở giáo dục. Trong đó 100% bậc mầm non và trung học có giáo viên tin học phụ trách giảng dạy môn này, còn bậc tiểu học là 87%. 100% lực lượng giáo viên, nhân viên đủ khả năng sử dụng các phần mềm phục vụ giảng dạy, quản lý, đánh giá học sinh. 100% cơ sở giáo dục có ít nhất 1 đường truyền internet băng thông rộng, đa số được trang bị từ 2 đường truyền internet trở lên. Sở GD-ĐT đã xây dựng được Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động của ngành. 100% cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục đã sử dụng thanh toán điện tử.
Tương tự Cần Thơ, ngành GD-ĐT ở các tỉnh ĐBSCL cũng đã có nhiều phát triển về CĐS bởi đây là kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT. Không chỉ ngành giáo dục, hiện nay tất cả các cơ quan Đảng, Nhà nước, ban ngành, đoàn thể, phát thanh truyền hình, doanh nghiệp ở ĐBSCL đều có kế hoạch CĐS. Chưa có con số thống kê về kinh phí đầu tư cho công tác CĐS nhưng theo ước tính, kinh phí đã đầu tư CĐS toàn vùng ít nhất cũng lên đến vài trăm tỉ đồng.
ĐBSCL với những đặc điểm địa lý tồn tại nhiều thuận lợi và thách thức trong CĐS. Về thuận lợi, ĐBSCL có tiềm năng phát triển kinh tế cao. Với tiềm năng nông nghiệp, du lịch và công nghiệp phát triển mạnh mẽ, việc CĐS tại khu vực này có thể tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới và thuận lợi cho các doanh nghiệp. ĐBSCL có dân số hơn 18 triệu người, việc CĐS sẽ đem lại lợi ích nhiều mặt. Công nghệ thông tin và viễn thông ngày càng tiến xa, tỷ lệ sử dụng smartphone và internet cũng tăng cao ở ĐBSCL. Điều này tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án CĐS tại địa phương.
Tại An Giang, tình hình CĐS cũng gặt hái nhiều kết quả tích cực. Báo cáo số 356/CB-STTTT ngày 15.12.2022 của Sở Thông tin - Truyền thông về kết quả triển khai CĐS tỉnh An Giang năm 2022 như sau: Về phát triển hạ tầng số: internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh; internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh; 100% các khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện có kết nối internet phục vụ công tác quản lý, điều hành; 100% cơ quan nhà nước của tỉnh có mạng LAN và được kết nối mạng internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan của Đảng và chính quyền; phổ cập điện thoại thông minh (smartphone) cho 946.776 người sử dụng; tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng smartphone là 66,2%. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan hành chính nhà nước đạt 100%. Thực hiện kết nối liên thông dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với các hệ thống phần mềm chuyên ngành do bộ ngành trung ương triển khai thông qua trục kết nối liên thông quốc gia.
Tỉnh ủy An Giang đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là phấn đấu đến năm 2030 An Giang thuộc nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về CĐS và an toàn thông tin, thương mại điện tử cả nước.
Thách thức trong chuyển đổi số ở ĐBSCL
Theo các chuyên gia công nghệ thông tin, tình hình khó khăn về CĐS trong vùng ĐBSCL có những nét chung như sau:
Hạ tầng kỹ thuật số ĐBSCL chưa phát triển đồng đều. Một số tỉnh thành ở ĐBSCL đang gặp khó khăn trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật số như mạng internet và cơ sở hạ tầng viễn thông. Điều này làm hạn chế khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ số cho cộng đồng.
ĐBSCL đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực giàu kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực kỹ thuật số. Điều này làm giảm khả năng triển khai các dự án CĐS đáng kể.
Không ít người dân và doanh nghiệp vẫn chưa có kiến thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số hiệu quả.
Ngoài ra, ĐBSCL đang rất khó khăn, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức đối tác để đẩy mạnh quá trình CĐS và phát triển kinh tế khu vực.
TS Trần Văn Hiếu (Đại học Cần Thơ) cho rằng “Các tỉnh ĐBSCL cần có chiến lược tiếp cận kinh tế số từ cấp độ quản lý nhà nước đến cấp độ doanh nghiệp và người dân, các yếu tố này hiện nay chưa cao. Hạ tầng viễn thông ĐBSCL dù là điểm mạnh nhưng chưa thực sự đáp ứng yêu cầu kinh tế số. Việt Nam hiện có 9 trung tâm dữ liệu chuyển dụng cho doanh nghiệp, ít hơn rất nhiều so với các nước láng giềng như ở Singapore, Indonesia.
Còn một vấn đề nữa, Việt Nam nằm trong Top 3 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới (theo báo cáo năm 2018). Điều này cho thấy việc đảm bảo an toàn an ninh trong môi trường số cũng là vấn đề quan trọng nếu muốn đưa kinh tế số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế. Còn đối với nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực công nghệ thông tin, nhân tố quan trọng nhất trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số, ĐBSCL còn ít về số lượng, chưa đảm bảo về chất lượng”.