Chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất và hiệu quả - Bài 2: Xây dựng chính quyền số
Với mục tiêu tiến tới xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử, thời gian qua, tỉnh ta đã tăng cường chuyển đổi số trong quản lý nhà nước và cải cách hành chính với phương châm 'Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ'. Qua đó tạo được tính đột phá, hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
>> Bài 1: Bắt kịp xu thế
Giải quyết thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số
Với mục tiêu xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Đề án đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai hiệu quả Đề án 06 phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện mục tiêu này, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, triển khai thực hiện nhiệm vụ... Qua đó, làm đổi mới căn bản hoạt động của bộ máy chính quyền, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.
Trước đây, chị Từ Thị Hồng Thúy, tổ dân phố Đoàn Kết, thị trấn Sơn Dương (Sơn Dương) cũng như nhiều người dân khác đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh giải quyết hồ sơ đều mất khá nhiều thời gian chờ đợi nhưng nay cả việc nộp, giải quyết hồ sơ đã nhanh chóng, thuận tiện hơn nhiều nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ số.
Chị Thúy chia sẻ: Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ số như quét QR bằng ứng dụng VNeID để đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến, quét QR để đọc hướng dẫn thực hiện một số thủ tục trên môi trường điện tử, thanh toán lệ phí qua tài khoản... rất thuận tiện. Cán bộ làm việc chuyên nghiệp, tận tình, chu đáo, các thủ tục đơn giản, thời gian giải quyết cũng được rút ngắn hơn.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết, tính đến hết tháng 10-2024, Trung tâm đã số hóa 82.778 bộ hồ sơ, giấy tờ khi tiếp nhận các thủ tục hành chính (TTHC), đạt tỷ lệ 95,1%; thực hiện số hóa 64.302 kết quả giải quyết TTHC, đạt tỷ lệ 77%. Tỷ lệ hài lòng, rất hài lòng của tổ chức, cá nhân đạt trên 99%. Đạt được kết quả đó, thời gian qua, Trung tâm đã tập trung triển khai đẩy mạnh số hóa hồ sơ, bảo đảm kết nối, chia sẻ, kế thừa dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức, cá nhân trong quá trình giải quyết TTHC. Đồng thời, Trung tâm còn duy trì làm việc cả ngày thứ bảy hằng tuần đối với một số cơ quan, đơn vị có tần suất thực hiện TTHC lớn như: Giao thông - Vận tải, Tài nguyên - Môi trường...
Cùng với đó, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư hệ thống máy tính, máy scan tài liệu, máy đọc thông tin thẻ căn cước, cài đặt ứng dụng phần mềm một cửa điện tử, kết nối hệ thống thông tin điện tử với các ngành về giải quyết TTHC.
Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Để xây dựng hải quan số, hải quan thông minh, đồng chí Khổng Mạnh Cường, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tuyên Quang khẳng định: Chuyển đổi số của Chi cục được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực gồm: Số hóa các quy trình thủ tục hải quan; hiện đại hóa, tự động hóa công tác quản lý điều hành nghiệp vụ hải quan; nâng cao công tác tham mưu, thực thi nghiệp vụ kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; các lĩnh vực nghiệp vụ được tích hợp, liên thông, tự động hóa mức độ cao; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan. Công tác kiểm tra, kiểm soát hải quan theo hướng tập trung, ứng dụng tối đa công nghệ, trang thiết bị hiện đại vào quá trình thực hiện phục vụ chuyển đổi số ngành hải quan. Đặc biệt, với hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, trung bình mỗi ngày, Chi cục giải quyết khoảng 30 hồ sơ xuất, nhập khẩu hàng hóa; trong đó hồ sơ luồng xanh sau khi khai quan đầy đủ chỉ mất vài giây là có thể thông quan ngay.
Nhằm đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thời gian qua, cơ quan BHXH tỉnh luôn chú trọng thực hiện chuyển đổi số gắn với cải cách TTHC, hoạt động nghiệp vụ của ngành. Các TTHC được đưa lên không gian số đã giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp; người thụ hưởng cũng dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, đối chiếu các dữ liệu, đảm bảo tính minh bạch của thông tin. Chỉ tính riêng quý III năm 2024, BHXH tỉnh đã tiếp nhận 41.411 hồ sơ; thực hiện tiếp nhận 2.375 văn bản đến, phát hành 376 văn bản trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành; 100% công chức, viên chức và người lao động thực hiện trao đổi thông tin, xử lý công việc trên Hệ thống Mail ngành BHXH và Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành.
Tuyên Quang phấn đấu, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh (Sipas) tăng tối thiểu từ 2 bậc trở lên trong năm 2024 và năm 2025. Điều đó thể hiện sự quyết tâm cao của tỉnh, cũng đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của các sở, ban, ngành, đơn vị và các địa phương tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, chất lượng thực thi công vụ và cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC; đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, công dân số, số hóa cơ sở dữ liệu, số hóa hồ sơ; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong quá trình chia sẻ, khai thác dữ liệu...
Phát biểu kết luận phiên họp Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số tổ chức vào tháng 5, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, khối lượng công việc trong chuyển đổi số là rất lớn, các sở, ngành, địa phương rà soát danh mục thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch Chuyển đổi số chủ động, quyết liệt; tập trung triển khai, sử dụng các nền tảng phục vụ chính quyền số theo danh mục các nền tảng số tập trung sử dụng trên toàn tỉnh; các đơn vị, địa phương ưu tiên xây dựng cơ sở dữ liệu thuộc danh mục dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở đã phê duyệt, kết nối với Cổng cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; tăng cường tuyên truyền phổ biến, quán triệt, nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, mục tiêu là phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt nhất. Đặc biệt, các sở, ngành, địa phương phải thực hiện “3 chủ động”: Chủ động tháo gỡ, chủ động phối hợp, chủ động báo cáo khi vượt thẩm quyền; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ xây dựng, nâng cấp hạ tầng, nền tảng dùng chung cho toàn tỉnh. Đồng thời, khuyến khích người dân, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí, công khai, minh bạch quy trình giải quyết TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thông tin và thu hút đầu tư.
Bài, ảnh: Dương Châu
(Còn nữa)