Công tác hộ tịch ngày càng nâng chất
Toàn tỉnh có 111 công chức làm công tác hộ tịch. Ðể thực hiện tốt công tác đăng ký hộ tịch, tỉnh đã quan tâm đầu tư, bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho chuyên môn, như mỗi công chức làm công tác hộ tịch được bố trí 1 bộ máy vi tính, máy in, máy quét (scan), toàn bộ đều được kết nối Internet.
Theo đánh giá của UBND tỉnh, công tác hộ tịch và cải cách hành chính (CCHC) về hộ tịch thời gian qua đã có nhiều tiến bộ. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo, triển khai, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hộ tịch để cán bộ và Nhân dân biết, thực hiện; quan tâm bố trí nguồn lực, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị để phục vụ tốt công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Việc CCHC trong lĩnh vực hộ tịch đã mang đến chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao, tỷ lệ số hồ sơ được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99,99%; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ TTHC được đẩy mạnh, đạt 100%. Tất cả TTHC lĩnh vực hộ tịch được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông có nền nếp, đạt chất lượng cao cho người dân; thủ tục giải quyết các việc hộ tịch được đơn giản hóa, phân biệt rõ ràng thủ tục xuất trình, thủ tục phải nộp, đa dạng hình thức nộp hồ sơ, thời hạn giải quyết ngắn, công tác kiểm soát TTHC được thực hiện thường xuyên.
Việc thực hiện quy trình “4 tại chỗ” góp phần hạn chế số lần đi lại, thời gian giải quyết cho người dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo cho việc phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ. Người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của giấy tờ hộ tịch, tự giác đi đăng ký các sự kiện hộ tịch theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND huyện U Minh, cho biết, từ khi Luật Hộ tịch được triển khai, thực hiện, công chức Tư pháp - Hộ tịch trên địa bàn đã ý thức được trách nhiệm của mình trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, hướng dẫn, giải thích rõ ràng cho người dân, thực hiện nghiêm túc theo luật định và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Hộ tịch. Do đó, công tác đăng ký hộ tịch trong những năm qua được giải quyết nhanh chóng, kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch điện tử giúp công tác quản lý, theo dõi hộ tịch dễ dàng hơn.
Ðã qua, huyện U Minh đồng thời triển khai mô hình “Thư chúc mừng” trong giải quyết TTHC khi đăng ký khai sinh và kết hôn lần đầu, đã trao 1.030 Thư chúc mừng kèm theo giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn. “Ngoài việc TTHC được giải quyết nhanh, đảm bảo đúng quy định đã tạo sự phấn khởi, gần gũi hơn giữa chính quyền với người dân, xây dựng và củng cố thêm lòng tin và quý mến trong Nhân dân, nhất là trên lĩnh vực giải quyết TTHC”, ông Liêm phấn khởi chia sẻ, cho biết xã Khánh An là đơn vị làm tốt sáng kiến này.
Tại huyện Thới Bình, đến nay địa phương đã thực hiện xong việc số hóa sổ hộ tịch lịch sử trên địa bàn huyện; các cơ quan đăng ký hộ tịch đã kiểm tra, rà soát, làm sạch dữ liệu và chính thức chuyển dữ liệu số hóa đã phê duyệt (trên phần mềm hộ tịch 158) vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp, gồm 13/13 đơn vị. “Trong nhiều năm qua, cải cách TTHC được xác định là một khâu trọng tâm, đột phá và được triển khai mạnh mẽ ở tất cả cấp hành chính theo hướng đơn giản hóa, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích chính đáng và quyền làm chủ của Nhân dân. Trong đó, công tác hộ tịch và CCHC về hộ tịch được địa phương quan tâm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, mang lại những chuyển biến tích cực, tạo được sự hài lòng của người dân”, ông Trần Minh Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, chia sẻ.
Trên thực tế, công tác hộ tịch và CCHC về hộ tịch hiện còn những khó khăn cần quan tâm, cần đầu tư nhiều hơn nữa về nguồn lực, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho các cơ quan đăng ký hộ tịch. Trong lần khảo sát của Ban Pháp chế HÐND tỉnh vừa qua tại các huyện, xã đã ghi nhận nhiều máy tính đã cũ chưa được nâng cấp, thiếu kho, tủ lưu hồ sơ... Hiện nay, còn một số TTHC trong lĩnh vực hộ tịch phải thực hiện cùng lúc nhiều hệ thống (sử dụng phần mềm hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp và hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh) vừa phải ghi các sự kiện hộ tịch vào sổ bộ giấy, mất nhiều thời gian, tạo áp lực cho công chức.
Bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách TTHC trong đăng ký hộ tịch; thực hiện đối chiếu, cập nhật, đồng bộ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cà Mau kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện liên thông các TTHC về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi vì căn cứ pháp lý hết hiệu lực thi hành (Luật Cư trú năm 2006 được sửa đổi, bổ sung tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013; Nghị định số 158/2005/NÐ-CP ngày 27/12/2005 của Chính phủ về đăng ký, quản lý hộ tịch)./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/cong-tac-ho-tich-ngay-cang-nang-chat-a35572.html