Chuyển đổi số tại Hà Nội: Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm
Nhân dịp đầu năm mới Quý Mão 2023, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với Phó Giám đốc phụ trách Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng về quá trình chuyển đổi số của Thủ đô trong một năm qua.
Điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử
Có thể nói 2022 là năm Việt Nam tăng tốc quá trình chuyển đổi số quốc gia và Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong. Vậy TP đã đạt được những thay đổi gì đáng chú ý, thưa ông?
- Trong năm 2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành và thực hiện nhiều kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo “Chương trình Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Nhờ có lộ trình rõ ràng, thực hiện từng bước nên về cơ bản quá trình chuyển đổi số của Hà Nội đã được thực hiện xuyên suốt từ cấp TP đến cơ sở.
Các nền tảng cho phát triển chính quyền số đang được triển khai đồng bộ như Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (LGSP) kết nối liên thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu (NGSP). Hà Nội đang khẩn trương triển khai nội dung thuê dịch vụ trung tâm dữ liệu TP theo công nghệ điện toán đám mây, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ quan, bảo đảm an toàn thông tin.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đưa vào hoạt động hệ thống giải quyết thủ tục hành chính liên thông 3 cấp thế hệ mới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Chính phủ, Bộ TT&TT và yêu cầu kết nối, khai thác cơ sở dữ liệu dân cư phục vụ xây dựng chính quyền số. Bên cạnh đó, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực: Giáo dục, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính, thuế... đang được triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ và khai thác thông tin theo quy định.
Đối với kinh tế số và xã hội số, UBND TP cũng đồng loạt triển khai các chiến lược như: “Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, “Kế hoạch phát triển Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số”, “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn”…
Chuyển đổi số không chỉ là chuyển đổi công nghệ mà quan trọng hơn là chuyển đổi về nhận thức. Đâu là những thuận lợi và khó khăn trong quá trình chuyển đổi số của Hà Nội, thưa ông?
- Về thuận lợi, thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, DN và người dân trên địa bàn TP đã hết sức quan tâm, tích cực đầu tư hạ tầng, ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh. Hạ tầng viễn thông, CNTT được triển khai đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Lãnh đạo, cán bộ các cấp đã thay đổi nhận thức, phương thức, lề lối, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc trên môi trường điện tử. Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử của TP đã công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của các cơ quan Nhà nước.
Hiện nay, Hà Nội đã phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh; mọi người dân được truy cập internet băng rộng với chi phí thấp. Tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%; mỗi người dân có mã định danh kèm theo QR code…
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số của TP còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế. Đó là một số lãnh đạo, cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị, DN chưa nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cấp bách của chuyển đổi số. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực CNTT của đơn vị chuyên trách về CNTT, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã còn thiếu, đặc biệt tại khối xã chưa có cán bộ chuyên trách về CNTT, ảnh hưởng lớn tới tiến độ, chất lượng công tác tham mưu triển khai nhiệm vụ.
Kiến tạo cho doanh nghiệp
Mọi quá trình thay đổi lớn đối của một quốc gia nói chung và địa phương nói riêng đều nhằm mang lại lợi ích tối đa cho người dân. Vì thế, với chuyển đổi số, người dân Thủ đô sẽ được hưởng những khác biệt gì so với trước đây, thưa ông?
- Chương trình “Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đang được Hà Nội nỗ lực thực hiện có mục tiêu xuyên suốt là tận dụng sức mạnh của công nghệ tiên tiến gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm phục vụ tối đa cho lợi ích của người dân. Hiện tại, quá trình chuyển đổi số của TP cũng đã có những kết quả rõ rệt, thể hiện rõ sự thay đổi đối với cuộc sống của người dân. Tiêu biểu như trong lĩnh vực GD&ĐT, TP tiếp tục duy trì, thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6. Hệ thống Sổ liên lạc điện tử cung cấp đầy đủ, miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện của học sinh qua ứng dụng điện thoại thông minh, được áp dụng trong các trường tiểu học, THCS, THPT.
Bên cạnh đó, ở lĩnh vực nông nghiệp, việc duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Hà Nội (check.hanoi.gov.vn), ứng dụng mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP bằng các thiết bị di động thông minh, đảm bảo an toàn đối với nông lâm thủy sản thực phẩm tại các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội.
Quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam được xác định là lấy người dân làm trung tâm. Vậy Hà Nội đã làm những gì để có được sự hưởng ứng của người dân đối với chuyển đổi số?
- Ngay từ năm 2021, khi ban hành Chương trình “Chuyển đổi số TP Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Hà Nội đã xác định chuyển đổi số là cơ hội đem lại bình đẳng và lợi ích cho tất cả các đối tượng khác nhau trong xã hội. Do đó người dân và DN phải là trung tâm khi thực hiện chuyển đổi số.
Bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền các cấp, việc đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân đến tận cấp xã, phường về chuyển đổi số là công tác quan trọng hàng đầu. Trong đó, Tổ công nghệ số cộng đồng được xác định là hạt nhân nhằm thực hiện nhiệm vụ này. Đến nay, trên địa bàn TP đã có 545 Tổ công nghệ số cộng đồng với 2.396 thành viên thuộc 4 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đông Anh và Sóc Sơn.
Bên cạnh việc tuyên truyền chủ chương, chính sách về chuyển đổi số, Tổ còn tới từng nhà hướng dẫn cụ thể người dân tận tay những việc như đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công TP Hà Nội và sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua nền tảng số, mở tài khoản thanh toán điện tử…
Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục mở rộng mô hình hoạt động Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn; hướng dẫn người dân, tổ chức, hộ gia đình sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng số quốc gia… nhằm hướng tới phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Qua đó tạo môi trường an toàn, kiến tạo cho người dân, DN.