Chuyển đổi số tại khu vực Trung Trung Bộ - Bài 4: Giải quyết các 'điểm nghẽn'

Với những nền tảng xã hội sẵn có như hiện nay, chuyển đổi số không yêu cầu quá nhiều về cơ sở vật chất mà cần nhất là thay đổi trong tư duy. Vì vậy, những định hướng rõ ràng và quyết tâm cao của cả hệ thống chính quyền các địa phương, sẽ góp phần đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong toàn bộ hệ thống chính trị và cộng đồng, xã hội.

Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN

Bám sát mục tiêu

Để từng bước thực hiện chuyển đổi số, các địa phương cần đặt ra mục tiêu quan trọng và có lộ trình, kế hoạch chi tiết để đạt được những mục tiêu đó. Hiện nay, các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đều đã hoàn chỉnh và phê duyệt Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025 định hướng đến năm 2030.

Cụ thể, đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế đề ra một số chỉ tiêu cơ bản như: 100% hoạt động quản lý nhà nước các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với quốc gia trong các hoạt động quản lý nhà nước; 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên môi trường mạng; 100% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh được xác thực định danh điện tử thông suốt hợp nhất từ hệ thống Trung ương; 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã xây dựng và triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành; tỷ trọng kinh tế số đóng góp 20% tổng GDP toàn tỉnh…

Quảng Trị đề ra mục tiêu đến năm 2025: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên cổng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; hình thành nền tảng dữ liệu và hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các tổ chức, doanh nghiệp; tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; có 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý…

Quảng Nam tập trung từ nay đến năm 2025, phát triển 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; 100% các sở, ban, ngành hoàn thành triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác quản lý và được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý...

Tại thành phố Đà Nẵng, mục tiêu thực hiện chuyển đổi số từ nay đến năm 2025 là: 100% người dân, doanh nghiệp hài lòng về sử dụng dịch vụ công; 100% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4 và có chức năng định danh, xác thực điện tử và thanh toán số; 100% dịch vụ cấp lại, cấp đổi được thực hiện ngay trong ngày. 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng và 100% kết quả thủ tục hành chính được ký số và gửi qua mạng cho người dân. 100% cơ quan Đảng ban hành công khai bộ thủ tục hành chính và liên thông giữa các cơ quan. Mỗi người dân có một định danh điện tử, xác thực điện tử và có kho dữ liệu số cá nhân trên hệ thống của thành phố để giao dịch, sử dụng dịch vụ công và sử dụng thông tin, tiện ích của thành phố. 50% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý...

Giải quyết các "điểm nghẽn"

Tầm nhìn, chủ trương được xác định rõ, nhất quán trong các nghị quyết, văn bản, chương trình hành động của Đảng ủy, UBND, HĐND các tỉnh, thành cho thấy cam kết và quyết tâm của những người đứng đầu các địa phương.

Để thực hiện thành công những mục tiêu đã đề ra, Thừa Thiên - Huế luôn chú trọng nâng cao nhận thức vai trò người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; tổ chức rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định đảm bảo điều kiện cho công cuộc chuyển đổi số; phát triển hạ tầng số; chuẩn hóa và số hóa cơ sở dữ liệu quản lý chuyên ngành; hoàn thiện và công bố Kiến trúc số của tỉnh Thừa Thiên - Huế…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình, tỉnh xác định ứng dụng công nghệ tin và chuyển đổi số là nền tảng động lực để phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục rà soát quy định, cơ chế chính sách để xây dựng cơ sở pháp lý vững chắc nhằm thực hiện chuyển đổi số bài bản, đúng quy chuẩn; tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ phục vụ chuyển đổi số; tập trung kêu gọi, xúc tiến đầu tư liên quan đến chuyển đổi số; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Ngoài ra, tỉnh đang xây dựng và nâng cấp phần mềm để người dân trực tiếp tham gia và trở thành trung tâm của quá trình chuyển đổi số, hướng đến hình thành và hoàn thiện hệ sinh thái số trên địa bàn Thừa Thiên - Huế.

Nhận định tầm quan trọng chiến lược của việc xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số và phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Trị trong năm 2021, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam nhấn mạnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi số trên địa bàn Quảng Trị. Bên cạnh đó, Sở cần đẩy mạnh công tác truyền thông về xây dựng chính quyền số và chuyển đổi số; kết nối, chia sẻ dữ liệu người dùng chung giữa các ngành, lĩnh vực và tham mưu UBND tỉnh trong việc chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm điều hành thông minh nhằm phục vụ sự quản lý, điều hành của UBND tỉnh. Mặt khác, lãnh đạo các sở, ban ngành và địa phương phải đi đầu, nêu gương phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin tại cơ quan đơn vị mình; đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong chỉ đạo, điều hành tại cơ quan đơn vị và trong gửi nhận văn bản điện tử…

Tại Quảng Nam, chuyển đổi số bước đầu đã có đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh, xu hướng chuyển đổi số là xu hướng lớn, mang tính không thể đảo ngược, địa phương nào kịp thời nắm bắt, đi nhanh, đi trước sẽ thu được lợi ích lớn hơn. Tỉnh đã triển khai thống nhất, đồng bộ các ứng dụng chung cơ bản của Chính quyền điện tử như: hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Q-office; hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số… kết nối liên thông dữ liệu giữa các cấp, thúc đẩy trao đổi, sử dụng văn bản điện tử và hình thành môi trường làm việc qua mạng, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Bước đầu tạo lập nền tảng về hạ tầng kỹ thuật, các phần mềm cơ sở dữ liệu dùng chung cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng tại các đơn vị. Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao về chất lượng và hiệu quả…

Vì vậy, thực hiện Chương trình công tác năm 2021 của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ tiếp tục tập trung thực hiện chuyển đổi số tại Quảng Nam, với mục tiêu cơ bản là hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới xây dựng chính quyền số vào năm 2025 và hướng đến xã hội số vào năm 2030.

Đánh giá chương trình chuyển đổi số sẽ là “chìa khóa” để thành phố Đà Nẵng tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhận định: Chuyển đổi số là động lực để giải quyết những “điểm nghẽn” trong phát triển thành phố đã xuất hiện những năm qua, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.

Đà Nẵng xác định lấy chuyển đổi chính quyền số làm động lực dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, áp dụng toàn diện công nghệ số trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thực thi công vụ là cốt lõi; lấy người dân làm trung tâm. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra mạnh mẽ, mở ra cơ hội chưa từng có cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, thành phố nhận thức rõ rằng, các địa phương phải có trách nhiệm, chủ động triển khai chuyển đổi số trên địa bàn để góp phần chuyển đổi số quốc gia thành công.

Bài cuối: Tăng tốc để phát triển

Nhóm PV Trung Trung Bộ (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dia-phuong/chuyen-doi-so-tai-khu-vuc-trung-trung-bo-bai-4-giai-quyet-cac-diem-nghen-20210508083559728.htm