Chuyển đổi số tạo động lực để hợp tác xã vươn xa

Nắm bắt được xu thế cũng như hiệu quả của chuyển đổi số (CĐS), nhiều nữ lãnh đạo hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn đầu tư các hệ thống, giải pháp CĐS, ứng dụng vào sản xuất. Qua đó không chỉ giải phóng sức lao động cho các thành viên mà còn nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, tiếp cận những khách hàng mới, cách xa về địa lý.

HTX chè Hảo Đạt đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè.

HTX chè Hảo Đạt đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chè.

Mỗi ngày đi làm, chị Đỗ Thị Thùy cùng trên 20 nhân viên khác làm việc tại trụ sở Hợp tác xã (HTX) chè Hảo Đạt, cũng như các chị hái chè theo công nhật đều đến trước máy chấm công điện tử để nhận diện khuôn mặt hoặc vân tay, bắt đầu tính giờ làm việc trên hệ thống phần mềm chấm công của HTX. Chị Thùy cho biết: Nhờ hệ thống này, toàn bộ báo cáo về thời gian làm việc của tôi được tổng hợp, phân tích thành hệ thống bảng, biểu kèm theo mức lương được lập sẵn chuyển tới bộ phận kế toán. Chúng tôi không cần phải chờ ký tên xác nhận ngày công như trước.

Cùng với sử dụng chấm công điện tử, nhận thức được vai trò và lợi ích của CĐS, những năm gần đây, HTX chè Hảo Đạt đã đẩy mạnh CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. HTX đã đưa các hệ thống số hóa như: Tưới chè tự động, quản lý hàng hóa, kế toán, thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc… vào thực tế sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả, giảm chi phí, tối ưu nguồn nhân lực.

Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc Hợp tác xã chè Hảo Đạt, nhận định: CĐS đã tác động rất tích cực, tạo động lực để HTX phát triển. Đơn cử như hiện nay, toàn bộ quy trình sản xuất chè của Hảo Đạt đều được số hóa, cập nhật trên nền dữ liệu điện toán đám mây, khách hàng chỉ cần quét mã QR trên mỗi sản phẩm là có thể biết được toàn bộ quá trình chăm bón, thu hái, chế biến sản phẩm…

Hay như về thị trường tiêu thụ, chè Hảo Đạt đã mở rộng tiêu thụ toàn cầu với website thương mại điện tử riêng và các gian hàng chính thức trên các nền tảng thương mại điện tử phổ biến. Bên cạnh đó, toàn bộ dữ liệu hàng hóa tại kho hàng vật lý của HTX cũng được “liên thông” đồng bộ với kho hàng trực tuyến để thuận tiện cho kiểm soát hàng hóa…

Cũng như HTX chè Hảo Đạt, HTX nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc, xã Minh Lập (Đồng Hỷ), đã phát triển kinh doanh tốt trên nền tảng mạng xã hội. Cùng với việc đưa máy móc tiên tiến vào sản xuất, Ban lãnh đạo HTX còn đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các nền tảng Facebook, Zalo và các sàn thương mại điện tử.

Chị Nguyễn Thị Bình, Giám đốc HTX, cho biết: Nhận thấy lợi thế của ứng dụng thương mại điện tử là có thể kết nối giữa người bán với người mua mà không phải đến gặp trực tiếp, không tốn kinh phí cho khâu trung gian, sản phẩm có sức lan tỏa rộng lớn đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, nên chúng tôi rất chú trọng quảng bá sản phẩm của mình trên Internet. Do đó, các sản phẩm chính của chúng tôi sản xuất từ sâm bố chính đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tin dùng, mua để sử dụng và lựa chọn làm quà biếu, tặng.

Không riêng HTX chè Hảo Đạt, HTX nông nghiệp và dược liệu Thiên Phúc, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh do nữ làm quản lý đã tích cực CĐS và xây dựng được thương hiệu mạnh, "chắp cánh" cho sản vật địa phương bay xa.

Có được kết quả đó, bên cạnh sự nỗ lực của các nữ lãnh đạo, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) đã hỗ trợ để HTX do phụ nữ làm chủ tiếp cận nhanh với CĐS bằng cách chú trọng truyền thông, nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của kinh tế tập thể; hỗ trợ, hướng dẫn thành lập, quản lý, vận hành các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 120 HTX do phụ nữ làm quản lý, chiếm 16% tổng số HTX (cao hơn bình quân chung cả nước). Với đặc thù 80% HTX do phụ nữ làm chủ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các HTX này đều đã áp dụng công nghệ cao; công nghệ sinh học; ứng dụng công nghệ - thông tin, phần mềm quản lý trong sản xuất, quản lý và kinh doanh.

Bên cạnh đó, 100% HTX do phụ nữ làm chủ đều bán các sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá, bán hàng; thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng cáo trên Facebook, Google... Điều kiện về trang thiết bị công nghệ thông tin của các HTX này đều cơ bản đáp ứng yêu cầu để áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc…

Với những nỗ lực thực hiện CĐS, năm 2023, doanh thu bình quân của các HTX do phụ nữ làm chủ đạt 2,2 tỷ đồng/HTX, giải quyết việc làm cho trên 3.600 thành viên và người lao động, với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng… Toàn tỉnh có 35 HTX do phụ nữ làm chủ đã thực hiện chuỗi liên kết giá trị gắn với hàng hóa chủ lực, ngành nghề mũi nhọn của địa phương. Có 100 sản phẩm của các HTX do phụ nữ quản lý được công nhận đạt từ 3-5 sao OCOP...

Thu Hà

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202409/chuyen-doi-so-tao-dong-luc-de-hop-tac-xavuon-xa-02a012c/