Chuyển đổi số tạo động lực thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững

Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10 hàng năm là dịp để toàn xã hội, mỗi tổ chức, người dân cùng nhìn nhận, đánh giá và nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số, góp phần tạo động lực đẩy nhanh tiến độ triển khai và hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Ngọc Linh

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Ngọc Linh

Đồng chí Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Trong những năm qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Ninh Bình xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội, cải cách hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả, tính minh bạch trong hoạt động của các cấp chính quyền.

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01 về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết, đề ra các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và lộ trình cụ thể, đảm bảo thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Qua quá trình triển khai thực hiện, nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Các ứng dụng, nền tảng số trọng yếu của tỉnh được xây dựng, khai thác, vận hành ổn định, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, được kết nối với các hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương. Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng đã được triển khai theo mô hình 4 lớp, được kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia.

Các nhiệm vụ, mô hình của Đề án 06 đã và đang được các cấp, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả đáp ứng mục tiêu, lộ trình đề ra. Qua đó góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp và giải quyết thủ tục hành chính phục vụ doanh nghiệp, người dân.

Đồng chí Vũ Thị Vui, công chức Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội có tổng số 174 thủ tục hành chính, trong đó có 3 thủ tục phát sinh phí, lệ phí, đến nay 100% thủ tục đã được thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công của tỉnh.

Ví dụ như thủ tục cấp phép cho lao động nước ngoài trước đây chỉ thực hiện có 50-60% hồ sơ được thanh toán qua cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia, nhưng đến hiện tại 100% hồ sơ được thanh toán qua cổng DVC quốc gia.

Kết quả này cho thấy DVC trực tuyến đã được người dân hiểu, có kỹ năng thực hiện trong giải quyết TTHC. Đồng thời, cán bộ thực hiện nhiệm vụ đã thành thạo trong việc khai thác, sử dụng tính năng, chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết hồ sơ DVC trực tuyến, thanh toán trực tuyến.

Thực hiện Kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông về triển khai Quyết định số 505 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 149/KH-UBND ngày 5/8/2024 về việc tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh với chủ đề "Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số-Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động".

Theo đó, tại Ninh Bình đã và đang tập trung vào các hoạt động đẩy mạnh, đa dạng hóa công tác truyền thông về Ngày Chuyển đổi số với các thông điệp truyền thông của năm 2024 nhằm giúp cho các cơ quan, đoàn thể, tổ chức và người dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.

Nhiều hoạt động hướng người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, tiếp cận với chuyển đổi số được quan tâm tổ chức như: "Tuần dịch vụ công trực tuyến" nhằm tuyên truyền, hướng dẫn cho công dân những hiểu biết cơ bản, cách thức, kỹ năng nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), thanh toán trực tuyến khi đến thực hiện TTHC tại Trung tâm và bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã; tuyên truyền, hướng dẫn cho cán bộ bộ phận Một cửa khai thác, sử dụng tính năng, chức năng của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC phục vụ tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết hồ sơ DVCTT, thanh toán trực tuyến; tổ chức tập huấn, diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin mạng, ứng cứu sự cố năm 2024 nhằm nâng cao năng lực, ứng phó trong xử lý các tình huống, sự cố mất an toàn thông tin trên địa bàn tỉnh; tổ chức chiến dịch ra quân của Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh; ứng dụng CNTT, công nghệ số vào học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tiến tới phổ cập kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh mạng đạt trình độ cơ bản cho người dân…

Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 808.810 tài khoản định danh điện tử, Bộ Công an phê duyệt 679.296 tài khoản, kích hoạt 633.435 tài khoản; tỷ lệ doanh nghiệp, người dân thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội ngày càng tăng. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 765.472 tài khoản; 90% người dân trên địa bàn tỉnh có Hồ sơ sức khỏe điện tử, được sử dụng trong hoạt động khám chữa bệnh và theo dõi sức khỏe; tỷ lệ người dân trưởng thành có điện thoại thông minh đạt khoảng 89,1%; hộ gia đình có đường truyền Internet cáp quang băng rộng đạt 70,8%; hộ gia đình có kết nối Internet đạt 90%...

Anh Hoàng Quốc Lâm (xã Sơn Lai, Nho Quan) cho biết: Cùng với việc thiết lập tài khoản VNeID để có thể thực hiện các DVC trực tuyến, lần này đi làm TTHC tôi còn được hỗ trợ để được cung cấp chữ ký số cá nhân miễn phí, tạo điều kiện thuận lợi cũng như mức độ sẵn sàng cho người dân sử dụng, thực hiện các DVC trực tuyến.

Cùng với nhiều nỗ lực để nâng cao năng lực số, hình thành những công dân số tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số tại địa phương, việc đánh giá, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước cũng được chú trọng thực hiện hàng năm dựa trên các tiêu chí đánh giá về: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chuyển đổi số.

Có thể thấy, chuyển đổi số chính là giải pháp, là động lực để tỉnh Ninh Bình có thể "đuổi kịp, tiến cùng và vượt lên" so với các tỉnh, thành phố khác trên con đường thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc cho người dân; đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-doi-so-tao-dong-luc-thuc-hien-muc-tieu-phat-trien-389340.htm