Chuyển đổi số thành công cần cả 3 yếu tố con người, quy trình và công nghệ
Dựa trên ý kiến được thu thập từ 6.600 nhân viên tại hơn 45 quốc gia, khoảng 60% người tham gia khảo sát lo ngại doanh nghiệp của họ sẽ lạc hậu trong vòng 3 đến 5 năm tới, khi được hỏi về tình hình hoạt động đổi mới và văn hóa doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, quá trình chuyển đổi từ công nghệ thông tin sang công nghệ số và chạy đua với các quốc gia về chuyển đổi số của Việt Nam đã và đang đặt ra nhiều thách thức cũng như cơ hội lớn.
Đó là việc thiết lập cơ sở dữ liệu, phân tích, sử dụng dữ liệu, bảo mật, an toàn cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, hệ thống hỗ trợ chuyển đổi và quan trọng hơn là tính phù hợp của giải pháp với từng loại hình doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đánh giá, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang là xu hướng chuyển dịch tất yếu của thế giới. Xu thế này không chỉ là cơ hội mà còn là thách thức lớn với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, không chỉ thuần túy là ứng dụng công nghệ thông tin mà yêu cầu tiên quyết là thay đổi quy trình nội tại, quy trình xử lý công việc, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu suất, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới.
"Thực tế, chúng ta có thể thấy không ít những doanh nghiệp đang đứng trên cao của thành công nhưng nếu không đổi mới có thể bị đào thải. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi quy trình, thay đổi sản phẩm, không chỉ mua phần mềm, công nghệ về", Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Bảng chỉ số đổi mới của Dell Technologies chỉ ra, để đổi mới sáng tạo, cũng như chuyển đổi số thành công, các doanh nghiệp cần triển khai đồng thời cả 3 yếu tố con người, quy trình và công nghệ.
Dựa trên ý kiến được thu thập từ 6.600 nhân viên tại hơn 45 quốc gia, khoảng 60% người tham gia khảo sát lo ngại doanh nghiệp của họ sẽ lạc hậu trong vòng 3 đến 5 năm tới, khi được hỏi về tình hình hoạt động đổi mới và văn hóa doanh nghiệp.
Chỉ 17% các tổ chức doanh nghiệp hiện nay là có chiến lược đổi mới toàn diện và sở hữu vị thế tốt để vượt qua những thử thách từ suy thoái toàn cầu, các vấn đề về nguồn cung ứng, ảnh hưởng của môi trường... để tiếp tục phát triển.
Ông Peter Marrs - Chủ tịch châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Dell Technologies cho rằng, để bắt kịp tốc độ thay đổi nhanh chóng trên toàn cầu, các doanh nghiệp nên cân nhắc ưu tiên đổi mới bên cạnh quản lý, vận hành việc kinh doanh hằng ngày.
"Các tổ chức thường luôn tìm kiếm một ý tưởng lớn để thực hiện. Họ đang chờ một khoảnh khắc đột phá mới. Tuy vậy, những ý tưởng nhỏ nhưng mang tính thực tiễn có thể tạo ra hiệu ứng lan tỏa, giúp nâng cao năng suất làm việc, lợi nhuận và quyết tâm", ông Peter Marrs nói.
Trích dẫn báo cáo từ Dell Technologies, vị chuyên gia nhấn mạnh tới việc các tổ chức cần sự hỗ trợ để phát triển văn hóa đổi mới.
"Một doanh nghiệp sở hữu văn hóa đổi mới tốt chính là nơi thúc đẩy mọi ý tưởng để tạo ra sự khác biệt và rút kinh nghiệm thông qua mỗi thất bại", ông Peter Marrs khẳng định.
Chẳng hạn, 59% người tham gia khảo sát tin rằng nhân viên rời công ty vì không thể thực hiện đổi mới nhiều như kỳ vọng. 63% cho biết nhiều khía cạnh về văn hóa doanh nghiệp đang kìm hãm những nỗ lực sáng tạo mà họ có thể thực hiện.
Trong khi văn hóa doanh nghiệp được thiết lập bởi những người đứng đầu, thì 73% người tham gia khảo sát cho biết cấp trên của họ có xu hướng bảo thủ, ít lắng nghe. Một trong những rào cản cá nhân về đổi mới được nhắc đến nhiều nhất chính là nỗi sợ thất bại và thiếu tự tin khi chia sẻ ý tưởng với cấp trên.
Bên cạnh đó, khảo sát cũng chỉ ra khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải khi ứng dụng một quy trình có cấu trúc và dựa trên dữ liệu để thực hiện đổi mới cho toàn bộ máy.
Chỉ 46% các tổ chức, doanh nghiệp đang điều chỉnh các dự án đổi mới sao cho phù hợp với mục tiêu chung. Phía Dell Technologies cho rằng, việc thiếu quy trình và chiến lược là một trong những lý do khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn để thực hiện đổi mới.
Đại diện Dell Technologies nhận xét, trong số những khách hàng ở các quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam được đánh giá có chỉ số đổi mới sáng tạo nhất, tiên phong trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, kể cả ứng dụng AI truyền thống lẫn AI tạo sinh.
Tuy nhiên, ở thời điểm này vẫn còn nhiều ứng dụng mang tính thí điểm và còn tiềm năng để ứng dụng AI nhiều hơn trong các doanh nghiệp Việt Nam.