Chuyển đổi số - thời cơ, thách thức với những người làm báo ở Tây Nguyên
Tòa soạn Báo Đắk Nông là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số.
Trên tinh thần Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, tòa soạn báo và Đài PT- TH các tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum đã và đang tích cực đầu tư về cơ sở vật chất cũng như nhân lực để thực hiện.
Tòa soạn Báo Đắk Nông là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số. Nhận thức rõ tầm quan trọng vai trò chuyển đổi số trong hoạt động báo chí hiện đại, lãnh đạo Báo Đắk Nông đã chủ động xin cơ chế từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số. Với sự đầu tư bài bản, đến tháng 3/2023, Báo Đắk Nông chính thức ra mắt bạn đọc giao diện mới và tòa soạn CMS hội tụ, với 100% quy trình sản xuất báo in và báo điện tử được số hóa, kết hợp báo chí với các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Zalo…. Nhờ đó, lượng truy cập hàng tháng hiện nay đã tăng lên 3 - 6 triệu lượt, lọt vào top đầu hệ thống Báo Đảng cả nước.
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo T.Ư, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà Báo Việt Nam Lê Quốc Minh, đánh giá: “Trong làn sóng đổi mới của các cơ quan báo Đảng, Báo Đắk Nông là một điểm sáng trong chuyển đổi số. Tuy là cơ quan báo Đảng ở địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng Báo Đắk Nông thực hiện chuyển đổi số rất nhanh và đạt được hiệu quả rất là rõ ràng”.
Phóng viên Lê Phước, Báo Đắk Nông chia sẻ: “Trong tác nghiệp và nhập thông tin trên nền tảng số CMS hội tụ giúp phóng viên chủ động dàn bài, gắn ảnh và chú thích đúng ý tưởng, có phong cách riêng tạo sự phong phú trong thể hiện bài viết”.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Phó Tổng Biên tập Báo Gia Lai Lương Văn Danh cho biết: “Thực hiện chuyển đổi số báo chí, Báo Gia Lai làm từng bước một cách chắc chắn. Trong đó ưu tiên đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên làm nội dung số. Tiếp đến là đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ nhằm xây dựng tòa soạn hội tụ trong xuất bản báo in và báo điện tử. Phấn đấu đến năm 2025, Báo Gia Lai đạt 80% nội dung số và đạt 100% đến năm 2030”.
Trong khi chuyển đổi số báo chí đối với các tòa soạn báo in, báo điện tử có thể thực hiện tốt hơn thì trong lĩnh vực báo nói, báo hình lại đặt ra những thách thức, đòi hỏi sự đầu tư lớn cả về cơ sở vật chất và nhân lực số.
Giám đốc Đài PT-TH Đắk Lắk Trần Văn Hiền chia sẻ: “Hiện nay việc chuyển đổi số của Đài PT-TH Đắk Lắk mới ở giai đoạn bắt đầu. Đài sẽ trang bị phần mềm trong hoạt động quản lý và sản xuất, phân phối nội dung. Chúng tôi đang nghiên cứu để thay đổi từ bên trong, với mô hình hoạt động phù hợp, quy trình sản xuất đơn giản hơn… đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Đài cũng đang nghiên cứu xây dựng đề án phát triển đến năm 2030, trong đó chú trọng chuyển đổi số lĩnh vực phát thanh - truyền hình. Việc này không thể thực hiện trong một sớm, một chiều mà cần phải nghiên cứu kỹ để có bước đi thích hợp trong đầu tư nhằm đạt được hiệu quả và mục tiêu đề ra.
Khu vực Tây Nguyên với điều kiện kinh tế còn khó khăn, trong khi các báo, đài phải thực hiện tự chủ, tự chủ một phần cho mọi hoạt động là bài toán với không ít thách thức. Trong khi đó, nguồn thu từ kinh tế báo chí đang bị sụt giảm mạnh do cạnh tranh với các nền tảng số và trang mạng xã hội trên internet khiến hoạt động của các báo, đài đã khó lại càng khó hơn. Do đó, để các cơ quan báo, đài tự đầu tư trong chuyển đổi số (cả về trang thiết bị và con người) là điều khó có thể. Do vậy, các cơ quan báo, đài khu vực Tây Nguyên rất cần Nhà nước quan tâm đầu tư nhằm chuyển đổi số trong hoạt động báo chí trở sớm thành hiện thực trong tương lai gần.