Chuyển đổi số: Tiết kiệm thời gian, tăng sự hài lòng của người bệnh

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS) trong hoạt động quản lý và khám, chữa bệnh (KCB) đang được ngành Y tế tập trung triển khai, rút ngắn thời gian chờ khám, giảm áp lực cho nhân viên y tế và mang đến sự hài lòng cho người bệnh.

Nhanh chóng, thuận tiện

Đến Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng khám bệnh do bị ho, khó thở, bà Nguyễn Thị Tiến (70 tuổi), ở tổ dân phố 5, thị trấn Nham Biền được nhân viên y tế hướng dẫn đăng ký khám bệnh tự động bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Chỉ sau vài thao tác, bà Tiến đăng ký thành công yêu cầu khám tại phòng khám nội. Với chị Nguyễn Thị Phương (SN 1986), trú tại thôn Hoàng Phúc, xã Đồng Phúc (cùng huyện Yên Dũng), từ gần 1 năm nay chị không còn phải xếp hàng chờ đến lượt đăng ký khám tuyến giáp định kỳ hằng tháng nữa.

 Nhân viên Bệnh viện Ung bướu tỉnh hướng dẫn người nhà bệnh nhân thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhân viên Bệnh viện Ung bướu tỉnh hướng dẫn người nhà bệnh nhân thanh toán không dùng tiền mặt.

Mỗi lần đến hạn khám, chị sử dụng CCCD để tự đăng ký, chỉ sau 1-2 phút là hoàn tất thủ tục. “Những lần đầu mới sử dụng CCCD để đăng ký khám, tôi được nhân viên y tế hướng dẫn thao tác và lựa chọn phòng khám phù hợp. Giờ đã quen nên tôi chủ động thực hiện. Tôi thấy thủ tục rất nhanh gọn, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh”, chị Phương nói.

Đến nay, 253/253 cơ sở KCB bảo hiểm y tế trong và ngoài công lập đã triển khai hoạt động KCB sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT; tỷ lệ tra cứu bằng CCCD thành công tại các cơ sở đạt trung bình 97%; 100% cơ sở khám sức khỏe lái xe chuyển dữ liệu lên cổng giám định BHYT.

Theo Sở Y tế, đến nay, toàn bộ 253 cơ sở KCB bảo hiểm y tế trong và ngoài công lập đã triển khai hoạt động KCB sử dụng thẻ CCCD thay thế thẻ BHYT; tỷ lệ tra cứu bằng CCCD thành công tại các cơ sở đạt trung bình 97%; 100% cơ sở thực hiện khám sức khỏe lái xe liên thông dữ liệu lên cổng giám định bảo hiểm y tế.

Hiện 24/24 cơ sở KCB công lập đã sử dụng phương thức thanh toán viện phí và các giao dịch khác không dùng tiền mặt. Trong đó, 100% các cơ sở dùng mã QR, 12 đơn vị dùng thẻ POS, 8 đơn vị triển khai thanh toán viện phí, dịch vụ y tế và các giao dịch khác bằng mã QR kết nối trực tiếp phần mềm quản lý bệnh viện với ngân hàng.

Tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận, khám và điều trị cho khoảng 300 lượt bệnh nhân. Để thuận lợi cho người bệnh, cùng với bố trí 2 máy đăng ký khám tự động bằng CCCD tại khu vực đón tiếp, bệnh viện triển khai 3 hình thức thanh toán không dùng tiền mặt gồm: Quẹt thẻ, dùng mã QR và chuyển khoản. Nhờ đó, đến nay, 100% người bệnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Bác sĩ Vương Hải Hà, Trưởng Khoa Nội 2 kiêm Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Tổng hợp cho biết: “Kết thúc quá trình khám, điều trị, bộ phận kế toán tổng hợp chi phí phải nộp của người bệnh rồi tạo mã thanh toán riêng cho từng trường hợp. Người bệnh chỉ cần quét mã để chuyển tiền. Với những trường hợp bệnh nhân không sử dụng điện thoại thông minh, không có tài khoản ngân hàng, nhân viên bệnh viện sẽ hỗ trợ gửi mã thanh toán đến người thân để làm thủ tục này”.

Hướng đến sự hài lòng của người bệnh

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, ngành Y tế tiếp nhận gần 4,4 triệu lượt bệnh nhân đến khám và hơn 340 nghìn lượt điều trị nội trú. Khối lượng công việc lớn nên việc ứng dụng các phần mềm trong quản lý, điều hành và KCB góp phần giảm áp lực cho nhân viên y tế, rút ngắn thời gian chờ khám của người bệnh. Mặc dù vậy, nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ sở y tế còn thiếu, chưa được đầu tư đồng bộ.

Một số CCCD dù được tích hợp song vẫn sai thông tin hành chính như: Họ tên, địa chỉ; việc khai báo lưu trú cho người bệnh điều trị nội trú ở một số đơn vị còn chậm, số lượng thực hiện thấp. Bác sĩ Vũ Trí Suất, Trưởng Phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ (Trung tâm Y tế huyện Yên Dũng) cho biết: “Một số trường hợp CCCD thông tin sai lệch, dữ liệu chưa đồng bộ nên người dân phải quay lại sử dụng thẻ BHYT để đăng ký khám. Về khai báo lưu trú, trường khai báo yêu cầu dự kiến số ngày lưu trú, trong khi bệnh nhân ra viện phụ thuộc vào diễn biến tình trạng bệnh, không xác định được ngày ra viện nên việc khai báo số ngày lưu trú khó chính xác, tỷ lệ khai báo còn thấp”.

Để thực hiện chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Y tế xây dựng lộ trình từng năm, đồng thời lựa chọn những nội dung ưu tiên để thực hiện. Trong năm 2024, toàn ngành tập trung triển khai bệnh án điện tử tiến tới không dùng hồ sơ bệnh án giấy, thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai các nền tảng quản lý đơn thuốc điện tử, quản lý xét nghiệm, quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân. Hướng đến mục tiêu y tế thông minh, ngành Y tế sẽ xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh dựa trên nền tảng công nghệ số, thúc đẩy KCB từ xa và kê đơn thuốc điện tử để người dân thuận lợi hơn trong theo dõi sức khỏe cũng như thực hiện phác đồ điều trị.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Mục tiêu quan trọng nhất của CĐS ngành Y tế là phục vụ người dân được tốt hơn, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Cùng với nguồn lực đầu tư của tỉnh, Sở yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế bố trí kinh phí mua sắm thiết bị, tập huấn cán bộ, thành lập các nhóm zalo để tiếp nhận, hội chẩn các ca bệnh khó từ xa. Quan tâm triển khai đăng ký khám trực tuyến qua mạng xã hội, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) và ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID)”.

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/chuyen-doi-so-tiet-kiem-thoi-gian-tang-su-hai-long-cua-nguoi-benh.bbg