Chuyển đổi số toàn diện, thực chất

Chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, những năm qua, tỉnh Sơn La huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao, triển khai thực hiện kiên trì, thực chất, hiệu quả, không dàn trải, góp phần quan trọng trong hiện đại hóa nền hành chính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hội nghị tổng kết công tác chuyển đổi số năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Hội nghị tổng kết công tác chuyển đổi số năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Nỗ lực triển khai Nghị quyết số 17

Ngày 31/8/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TU về việc chuyển đổi số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 17). Ngay sau khi ban hành Nghị quyết, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh (Ban Chỉ đạo), thành lập 6 tổ công tác về các lĩnh vực chuyển đổi số để trực tiếp tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo. Lấy ngày 10/10 hằng năm tổ chức các hoạt động, sự kiện chuyển đổi số.

Hàng năm, Ban Chỉ đạo đã ban hành kế hoạch hoạt động để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số; đồng thời, ban hành các kế hoạch chuyên đề, như: Tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về chuyển đổi số tỉnh Sơn La; Hội thảo khoa học về “Chuyển đổi nhận thức và phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo nền móng chuyển đổi số tại tỉnh Sơn La”, tổ chức Hội nghị “Giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh Sơn La”; triển khai các hoạt động Ngày Chuyển đổi số tỉnh Sơn La.

Các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết, xây dựng lộ trình chuyển đổi số cả giai đoạn và hằng năm; thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ chuyển đổi số cộng đồng để chỉ đạo, tổ chức thực hiện chuyển đổi số tại sở, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Thực hiện Nghị quyết 17, huyện Vân Hồ đã chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số toàn diện trên các trụ cột: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, dữ liệu số, nền tảng số, chính quyền số, xã hội số, kinh tế số, công dân số. Huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số để tăng cường công tác chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số; chỉ đạo 14/14 xã; 115/115 bản, tiểu khu trên địa bàn thành lập tổ chuyển đổi số cộng đồng để hướng dẫn người dân và doanh nghiệp trong tiếp cận các nền tảng số, dịch vụ công trực tuyến.

Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch UBND huyện Vân Hồ, cho biết: Hiện nay, UBND huyện đã triển khai 210 dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh số hóa dữ liệu, chữ ký số, quy trình thực hiện từng bước số hóa, đảm bảo phù hợp yêu cầu, tiêu chuẩn. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị, UBND các xã sử dụng chữ ký số trong ban hành các văn bản. Kinh tế số từng bước được hình thành, huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, như: Hỗ trợ thông tin, tư vấn và pháp lý; hỗ trợ thuế, kế toán; hỗ trợ tiếp cận tín dụng. Đến nay, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn sử dụng hóa đơn điện tử và kê khai nộp thuế qua mạng.

Ban Cơ yếu Chính phủ kiểm tra việc sử dụng chữ ký số tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Sơn La.

Ban Cơ yếu Chính phủ kiểm tra việc sử dụng chữ ký số tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Sơn La.

Sau 3 năm triển khai Nghị quyết 17, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng cơ bản để tổ chức triển khai thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh trong những năm tiếp theo. Các lĩnh vực về chuyển đổi số đã được các cấp, các ngành triển khai khá đồng bộ, trong đó đã tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, góp phần quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chuyển đổi số toàn diện

Hòa chung dòng chảy của chuyển đổi số Quốc gia, năm 2024, tỉnh Sơn La xác định bứt phá cùng chuyển đổi số với trọng tâm là: Số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm chuyển đổi.

Tập trung huy động nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh một cách toàn diện trên ba trụ cột: Phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng công nghệ thông tin; số hóa dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành; đào tạo phát triển nguồn nhân lực số; ứng dụng, dịch vụ mới theo hướng dùng chung hạ tầng số, nền tảng số, đảm bảo khả năng sử dụng dữ liệu số và các công cụ phân tích thông minh để kịp thời đưa ra quyết sách chính xác trong hoạt động quản lý Nhà nước.

Từng bước xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số trong quản trị điều hành doanh nghiệp, sản xuất, kinh doanh, quản lý hoạt động kinh tế; cung cấp thông tin cho người dân, quản lý dân cư, phục vụ người dân và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh, quốc phòng của tỉnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức phiên tòa trực tuyến của Tòa án nhân dân tỉnh.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức phiên tòa trực tuyến của Tòa án nhân dân tỉnh.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thời gian qua, tỉnh ta đã và đang triển khai các giải pháp để đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thông tin về những kết quả đạt được trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, đồng chí Đặng Ngọc Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Hoạt động chỉ đạo, quản lý, điều hành, báo cáo, kiểm tra, giám sát... của chính quyền các cấp đã được thực hiện trên môi trường số: 100% hội nghị được tổ chức trực tuyến có ứng dụng phần mềm phòng họp không giấy, trên 96% văn bản hành chính được ký số và ban hành hoàn toàn dưới dạng điện tử.

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tỉnh Sơn La đã cơ bản cung cấp đầy đủ số liệu, dữ liệu hầu hết các lĩnh vực quản lý của 38 sở, ban, ngành, các ban đảng, đoàn thể để phục vụ công tác quản lý, điều hành và công tác giám sát, điều hành của UBND tỉnh. Triển khai đề án bệnh viện thông minh, thí điểm mô hình về phòng học thông minh, thành phố thông minh, du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh.

Mức độ hài lòng của người dân và chất lượng cung cấp dịch vụ công được nâng cao, tỷ lệ TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận trực tuyến đạt trên 90%.

Phòng học thông minh tại Trường Tiểu học Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Ảnh: Nguyễn Thư

Phòng học thông minh tại Trường Tiểu học Chiềng Sinh, thành phố Sơn La. Ảnh: Nguyễn Thư

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh Sơn La đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia; liên thông, đồng bộ cả 3 cấp từ tỉnh đến huyện, xã. Trong đó, cung cấp dịch vụ công trực tuyến là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi của cơ quan Nhà nước trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số; lấy người dân làm trung tâm, đối tượng phục vụ.

Hướng đến 4 không theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến là: Không giấy tờ, không tiền mặt, không tiếp xúc nếu pháp luật không yêu cầu, không để ai bị bỏ lại phía sau. Đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 1.886 dịch vụ, trong đó có 312 dịch vụ công trực tuyến một phần, 1.554 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Cán bộ Kho bạc Nhà nước huyện Mộc Châu thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính cho các đơn vị.

Cán bộ Kho bạc Nhà nước huyện Mộc Châu thực hiện thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính cho các đơn vị.

Kinh tế số được quan tâm thực hiện với việc đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh; các phương tiện kỹ thuật, ứng dụng số phục vụ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử tiếp tục được triển khai nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu người dân, doanh nghiệp trên địa bàn (các dịch vụ mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử (eKYC), thanh toán qua mã phản hồi nhanh QR Code, các điểm chấp nhận thẻ POS tại các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn…).

Sở Công Thương đã phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương xây dựng Sàn thương mại điện tử Sơn La (sonla.sanviet.vn) với 40 doanh nghiệp, HTX và 60 sản phẩm đã được lựa chọn và đưa lên sàn; được tích hợp vào Sàn thương mại điện tử hợp nhất (sanviet.vn) do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương xây dựng và quản lý vận hành. Cập nhật và duy trì hoạt động của Trang thông tin giới thiệu sản phẩm, doanh nghiệp, hợp tác xã tỉnh Sơn La (https://agritradepage.vn sử dụng 3 ngôn ngữ: Việt - Anh - Trung).

Người dân mua sắm trên sàn thương mại điện tử sonla.sanviet.vn.

Người dân mua sắm trên sàn thương mại điện tử sonla.sanviet.vn.

Tại thành phố Sơn La, phát triển kinh tế số và xã hội số được triển khai hiệu quả, Thành phố thành lập 792 tổ chuyển đổi số cộng đồng, 52 tổ chuyển đổi số trong các trường học, 2 tổ chuyển đổi số tại chợ Trung tâm và Chợ 7/11. Các tổ chuyển đổi số đã phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân cài đặt, sử dụng các phần mềm dịch vụ số, như: VneID, Sơn La Smart, ví điện tử và tiếp cận dịch vụ công trực tuyến... mang lại hiệu quả tích cực, nâng số lượng người dân hiểu, đăng ký cài đặt, sử dụng các phần mềm dịch vụ số ngày càng nhiều.

Ông Trần Công Chính, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, cho biết: Thành phố phối hợp với các đơn vị hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh về quy trình tham gia quảng bá, giới thiệu, livestream bán hàng trên nền tảng số đa kênh; kỹ năng triển khai xác định chủ đề, đối tượng khách hàng, định vị kênh và nội dung kịch bản phù hợp với sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đăng ký đưa sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử PostMart; triển khai mô hình chợ 4.0 tại các chợ: Rặng Tếch, Gốc Phượng, Chiềng An; tuyên truyền, vận động trên 700 cơ sở kinh doanh mở tài khoản, trang bị mã QR-Code phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La.

Giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả phường Quyết Thắng, thành phố Sơn La.

Tại chợ Rặng Tếch, các tiểu thương treo bảng in mã QR ở sạp hàng, chấp nhận chuyển khoản thay vì đưa tiền mặt như trước kia. Chị Nguyễn Thị sánh, tiểu thương tại chợ Rặng Tếch, cho hay: Để thuận tiện hơn, tôi tạo lập nhiều tài khoản của những ngân hàng khác nhau, như: MB, Vietcombank, BIDV,… để khách hàng có thể chuyển khoản mà không mất phí dịch vụ. Khách mua cũng có thể chuyển khoản, nhất là các bạn trẻ sử dụng ví điện tử như Momo, VNpay, ZaloPay…

Toàn tỉnh hiện đang duy trì hoạt động của 2.448 Tổ chuyển đổi số cộng đồng, với 15.101 thành viên; triển khai chi trả an sinh xã hội theo Chỉ thị số 21 ngày 25/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ, đến quý III/2024, toàn tỉnh thực hiện mở tài khoản cho 20.555/45.470 đối tượng bảo trợ xã hội và người có công với cách mạng, đạt 45,2%; thực hiện chi trả trợ cấp xã hội qua tài khoản đạt 74,9% (cho đối tượng đã mở tài khoản) và đạt 33,8% so với tổng số đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội trên địa bàn các huyện, thành phố. Đẩy mạnh triển khai thúc đẩy phát triển công dân số, khuyến khích mỗi người dân tuổi thành niên đều có danh tính số, đến quý III/2024, đã tổ chức hướng dẫn nhân dân toàn tỉnh kích hoạt thành công 539.304 tài khoản định danh điện tử mức độ 1, mức độ 2; tỷ lệ số hộ có điện thoại thông minh đạt 96,36%

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia

Chủ đề của Ngày chuyển đổi số Quốc gia (10/10) năm nay là “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”.

UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024 trên địa bàn tỉnh Sơn La với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn thể nhân dân trong việc phát triển hạ tầng số, sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số của tỉnh.

Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia năm 2024 của tỉnh Sơn La được tổ chức thiết thực, ý nghĩa, tiết kiệm, hiệu quả, đồng bộ với kế hoạch triển khai Ngày Chuyển đổi số Quốc gia do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành và phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của tỉnh.

Họp Ban tổ chức Cuộc thi "Tìm hiểu, tuyên truyền về chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2024".

Họp Ban tổ chức Cuộc thi "Tìm hiểu, tuyên truyền về chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2024".

Nhằm nâng cao nhận thức của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, chiến sĩ lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và nhân dân về nội dung cốt lõi, chủ yếu, những điểm mới về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong công tác chuyển đổi số, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số Quốc gia tỉnh Sơn La đã phát động Cuộc thi “Tìm hiểu, tuyên truyền về chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2024”.

Sau 3 tháng triển khai, đến ngày 30/8, đã có 307 tác phẩm của cá nhân, tập thể tham gia dự thi. Ban tổ chức cuộc thi quyết định công nhận 21 tác phẩm của 3 tác giả và 18 nhóm tác giải đoạt giải, gồm: 4 tác phẩm đoạt giải nhì, 8 tác phẩm đoạt giải ba và 9 tác phẩm đoạt giải khuyến khích.

Đồng chí Đinh Thị Bích Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi "Tìm hiểu, tuyên truyền về chuyển đổi số tỉnh Sơn La năm 2024", đánh giá: Đa số các tác phẩm dự thi có nội dung, bố cục rõ ràng, có thuyết minh hoặc phụ đề phù hợp với mục đích, ý nghĩa, chủ đề của cuộc thi; sáng tạo trong cách thể hiện, giới thiệu những kỹ năng, kinh nghiệm, giải pháp, cách làm hay, sáng tạo về công tác chuyển đổi số. Các tác phẩm dự thi được đăng tải, chia sẻ, lan tỏa trên mạng xã hội, thu hút đông đảo nhân dân quan tâm, hướng ứng.

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Yên. Ảnh: Quàng Hưởng

Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bắc Yên. Ảnh: Quàng Hưởng

Những kết quả đã đạt được là động lực để tỉnh ta tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số phù hợp với xu thế, điều kiện và tình hình mới, thúc đẩy thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025 và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV về phát triển tỉnh Sơn La xanh, nhanh và bền vững.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/chuyen-doi-so-tinh-son-la-giai-doan-2021-2025-dinh-huong-den-nam-2030/chuyen-doi-so-toan-dien-thuc-chat-KlH5TUzHg.html