'Chỉ số Khốn khổ' của nền kinh tế Mỹ đang ở mức thấp nhất
Một giáo sư khẳng định Chỉ số Khốn khổ của nền kinh tế Mỹ đang ở gần mức thấp nhất trong mọi nhiệm kỳ tổng thống trong 50 năm qua.
Báo cáo việc làm tích cực vào cuối tuần trước đã củng cố tâm lý lạc quan về nền kinh tế Mỹ và chưa đầy một tháng nữa cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ kết thúc.
Trong cuộc cạnh tranh gay gắt giữa Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump, các cử tri khẳng định nền kinh tế là vấn đề quan trọng nhất đối với họ.
Hồi tháng 9, số việc làm phi nông nghiệp của Mỹ tăng thêm 254.000 và tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1 điểm % xuống 4,1%. Cả hai con số này tích cực hơn nhiều kỳ vọng, bởi trước đó các nhà phân tích do Dow Jones khảo sát dự đoán nền kinh tế chỉ tạo thêm 150.000 việc làm.
Ông Aaron Sojourner, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu việc làm W. E. Upjohn, bình luận: “Mọi chỉ số trong báo cáo việc làm tháng 9 đều rất tốt. Tăng trưởng tiền lương rất mạnh mẽ. Sức mua của các gia đình lao động được cải thiện”.
Tin tốt về thị trường việc làm được công bố trong chặng cuối của cuộc bầu cử tổng thống và hai ứng viên đang cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực kinh tế.
Tại các buổi vận động tranh cử ở những bang chiến địa, bà Harris và ông Trump đưa ra những phát biểu rất khác nhau về thị trường lao động. Ông Trump tuyên bố tại buổi vận động ở Michigan hôm 3/10: “Cơn ác mộng kinh hoàng đối với người lao động Mỹ sẽ kết thúc vào ngày tôi tuyên thệ nhậm chức”.
Ngược lại, trong cuộc phỏng vấn với đài CBS chiếu hôm 7/10, bà Harris khẳng định: “Mọi chỉ số vĩ mô đều cho thấy nền kinh tế Mỹ đang phát triển mạnh mẽ”. Bà đặc biệt nhấn mạnh vào “tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục” của mọi nhóm dân số.
Vài tuần gần đây, Mỹ cũng đón nhận một loạt dữ liệu kinh tế khả quan khác. Khi xem xét tổng thể, những số liệu này có thể vẽ nên bức tranh kinh tế tốt nhất trong hàng thập kỷ.
Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's, viết trên mạng xã hội vào tháng 9: “Trong thời gian qua, tôi đã ngần ngại viết nhận xét như thế này vì sợ tỏ vẻ cường điệu. Đây là một trong những nền kinh tế hoạt động tốt nhất tôi từng chứng kiến trong sự nghiệp hơn 35 năm”.
Hồi giữa tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã hạ lãi suất lần đầu tiên trong vòng 4 năm, đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc phục hồi hậu COVID của nền kinh tế. Lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đạt 2,5% trong tháng 8, rất gần với mục tiêu 2% của Fed.
Trong khi đó, năng suất của Mỹ lại đang trên đà tăng, GDP tăng trưởng 3% trong quý 2 tính theo tốc độ đã chuẩn hóa theo năm.
Justin Wolfers, Giáo sư chính sách công tại Đại học Michigan, bình luận: “Nền kinh tế Mỹ đang phát triển theo hướng tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng của các chuyên gia”.
Trong vài tháng qua, thị trường chứng khoán Mỹ cũng thường xuyên lập kỷ lục mới. Sau báo cáo việc làm tháng 9, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones kết tuần ở mức cao kỷ lục 42.352,75 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng tăng điểm trong phiên đó.
Kết quả là các chuyên gia lo ngại về suy thoái đã ngừng lên tiếng cảnh báo. Một số doanh nghiệp tăng dự báo doanh thu và lợi nhuận, bao gồm nhà sản xuất chip Micron Techonology và công ty điện toán đám mây Oracle.
Chỉ số Khốn khổ - được tính toán bằng cách kết hợp tỷ lệ lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp - đang ở gần mức thấp nhất trong mọi nhiệm kỳ tổng thống trong 50 năm qua, theo phân tích của Giáo sư Wolfers.