Chuyển đổi số trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật: hướng tới phục vụ người dân
Chuyển đổi phương thức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) từ truyền thống sang môi trường số, đáp ứng hiệu quả nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân.
Đó là một trong những mục tiêu hướng tới của Dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” đang được Bộ Tư pháp xây dựng.
Theo Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc, việc xây dựng Đề án “Chuyển đổi số trong công tác PBGDPL” nhằm thực hiện chức năng của Hội Đồng PBGDPL Trung ương về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Bộ Tư pháp được giao làm đầu mối chủ trì triển khai.
Đề án tập trung làm rõ 2 vấn đề chính, thứ nhất, những giải pháp trong công tác PBGDPL trong giai đoạn hiện nay và tương lai trên cơ sở đáp ứng các yêu cầu của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước theo định hướng đưa công tác PBGDPL đi vào thực chất, bảo đảm thông tin pháp luật đến với người dân chính xác, kịp thời, thuận lợi nhất; thứ hai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL.
Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên cho biết, trong thời gian qua, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm triển khai thực hiện, có nhiều chuyển biến tích cực cả về nhận thức, lãnh đạo, chỉ đạo.
Hiện tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, đoàn thể và 63/63 địa phương đã có Cổng/Trang thông tin điện tử có tin, bài, hỏi đáp pháp luật, trong đó có 7 bộ, ngành và 46 địa phương đã vận hành Cổng/Trang thông tin điện tử PBGDPL; 17 địa phương còn lại đang vận hành chuyên mục PBGDPL thuộc Cổng/Trang thông tin điện tử của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể.
Song, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL vẫn còn những tồn tại, hạn chế: một số địa phương, cơ quan, đơn vị vận hành Cổng/Trang thông tin PBGDPL còn mang tính hình thức, chưa thực chất, hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn.
Theo đó, Đề án nhằm đổi mới, đa dạng hóa hình thức PBGDPL, tiếp cận pháp luật của người dân, DN. Chuyển đổi phương thức thực hiện PBGDPL cho người dân và DN từ truyền thống sang môi trường số, bảo đảm thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời, thuận tiện; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL và hỗ trợ pháp lý cho DN nhỏ và vừa; đáp ứng hiệu quả nhu cầu tìm hiểu, học tập pháp luật của người dân.
Dự thảo Đề án đã đưa ra các giải pháp cụ thể như: tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành về vị trí, vai trò của việc chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; chuyển đổi số trong PBGDPL; hỗ trợ một số địa phương thực hiện chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong công tác PBGDPL; tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai chuyển đổi số trong công tác PBGDPL…
Theo bà Trịnh Thị Trang - Bộ Thông tin và Truyền thông, các hoạt động của người dân, DN đang có xu hướng chuyển đổi từ môi trường truyền thống sang môi trường số, vì vậy việc xây dựng Đề án là phù hợp. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo cần bổ sung thêm số liệu để phản ánh thực trạng, cách thức thực hiện và đánh giá tính hiệu quả, chất lượng công tác PBGDPL hiện nay. Công tác chuyển đổi số trong PBGDPL không chỉ là nhiệm vụ của riêng Bộ Tư pháp mà còn là của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Do đó, cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ hơn nữa trách nhiệm, nhiệm vụ của mỗi bộ, ngành, địa phương trong công tác này tại Dự thảo Đề án.
Vừa qua, Cục PBGDPL- Bộ Tư pháp đã tổ chức tọa đàm Góp ý Dự thảo Đề án “Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật” và nhận được góp ý của các đại biểu về nhiều nội dung cụ thể của Đề án. Cục trưởng Cục PBGDPL Lê Vệ Quốc đánh giá cao các ý kiến góp ý của các đại biểu, trên cơ sở các ý kiến góp ý, ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Đề án.