Chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Bằng những bước chuyển mình mạnh mẽ, tỉnh Thái Nguyên đã gặt hái được những thành tựu ấn tượng trong công tác chuyển đổi số.

Đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng đã và đang tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận dịch vụ công mọi lúc, mọi nơi. Qua đó, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định các nhiệm vụ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đảm bảo đúng quy định; thực hiện đưa 100% thủ tục hành chính ngành dọc ra tiếp nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã theo đúng danh mục thủ tục hành chính được quy định tại Quyết định số 1291/QĐ-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thái Nguyên.

Trong năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt phương án đơn giản hóa đối với 38 thủ tục hành chính (TTHC), bãi bỏ 633 TTHC không cần thiết, ban hành 72 quyết định công bố danh mục TTHC, đang thực hiện cung cấp 1.650 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia (932 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 718 dịch vụ công trực tuyến một phần); tỷ lệ hồ sơ TTHC số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết đạt 76,02%, tỉnh Thái Nguyên đạt tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 79,24%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt 78,05%; triển khai thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi và giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp: Tỷ lệ TTHC có giao dịch thanh toán trực tuyến là 178 TTHC (đạt 71,77%), tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 78,13%.

Đến thời điểm hiện tại, tổng số TTHC đang có hiệu lực là 1.839 TTHC (trong đó cấp tỉnh là 1.440 TTHC, cấp huyện là 279 TTHC, cấp xã là 120 TTHC); số TTHC liên thông cùng cấp là 73 thủ tục, số TTHC liên thông giữa cấc cấp chính quyền là 59 thủ tục; số TTHC được phê duyệt quy trình nội bộ là 1.839 TTHC (tỷ lệ 100%).

Trong thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tỉnh đẩy mạnh đổi mới thực hiện theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, 100% bộ phận một cửa cấp huyện (09 huyện, thành phố), cấp xã (177 xã, phường, thị trấn) được đầu tư phòng làm việc, trang thiết bị hiện đại, ứng dụng phần mềm một cửa điện tử kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận tổng số 318.621 hồ sơ; đã giải quyết 307.370 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt 99,76%.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc niêm yết, công khai nội dung hướng dẫn thực hiện phản ánh, kiến nghị của các cá nhân, tổ chức về quy định hành chính; thực hiện quản lý, vận hành, duy trì kết nối, đảm bảo thông suốt, liên tục hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của Cổng Dịch vụ công Quốc gia với Cổng thông tin điện tử và Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Hiện nay, UBND tỉnh đang chỉ đạo một số sở, ban, ngành thực hiện thí điểm giao doanh nghiệp bưu chính công ích tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh. Chất lượng hoạt động tại Trung tâm Phục vụ hành chính công đã đóng góp vào thực hiện hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, đến nay, Trung tâm đã khẳng định vai trò là đầu mối tập trung tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC, tạo bước đột phá trong công tác cải cách TTHC, hiện đại hóa nền hành chính và trở thành điểm đến tin cậy cho người dân, doanh nghiệp.

Việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sẽ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội... Thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đẩy mạnh việc tiếp nhận, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử và thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 để áp dụng hiệu quả trong giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp.

Theo TT (Trang thông tin điện tử chuyển đổi số Thái Nguyên)

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-doi-so-trong-giai-quyet-thu-tuc-hanh-chinh-tren-moi-truong-dien-tu-2300327.html