Chuyển đổi số trong giáo dục: Hướng tới mô hình trường học điện tử
Ngành Giáo dục Hà Nội xác định công cụ để quản lý tốt nhất chính là ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Những khoảng trống trong chuyển đổi số đang dần được 'lấp đầy' để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Là một trong những đơn vị chủ động đi đầu trong chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, dạy và học, huyện Thanh Trì đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở tất cả các cấp học.
Mô hình “trường học số”
Đến với Trường Tiểu học Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) hôm nay, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng nhận ra nơi đây đã là một “trường học số” với đầy đủ trang thiết bị công nghệ thông tin (CNTT) theo hướng hiện đại. Trước tiên, phải kể đến hệ thống mạng internet, mỗi lớp, mỗi phòng chức năng, phòng hành chính đều có 1 bộ router wifi. Nhà trường sử dụng bài giảng điện tử ở tất cả các môn học. Bên cạnh đó, trường còn có thư viện điện tử với hàng nghìn đầu sách.
Nhận thấy chuyển đổi số là xu thế tất yếu, năm học 2022 - 2023, nhà trường đã quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ vào công tác giảng dạy. Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chuyển đổi số tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học.
Do đó, trong công tác quản lý, nhà trường đã xây dựng, sử dụng hiệu quả cổng thông tin điện tử, kho học liệu số; kiện toàn tổ chức bộ phận phụ trách CNTT, chuyển đổi số và duy trì hoạt động một cách thường xuyên, hiệu quả. Bên cạnh đó, nhà trường bảo đảm nguồn lực triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, ưu tiên việc bồi dưỡng CNTT cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tại cổng thông tin điện tử của trường, các danh mục được phân loại theo cây chuyên mục, sắp xếp một cách khoa học, rõ ràng, dễ truy cập, thông tin phong phú nên học sinh, phụ huynh và cả giáo viên đều theo dõi cổng thông tin thường xuyên.
Đối với thư viện điện tử, nhà trường đã đầu tư mua phần mềm quản lý thư viện liên thông với cơ sở dữ liệu ngành. Đồng thời phân công cán bộ thư viện và các tổ chuyên môn sưu tầm sách trên các website chính thống rồi số hóa; sưu tầm, xây dựng video giảng dạy, video giới thiệu sách, xây dựng bài giảng điện tử.
Đặc biệt, đối với việc xây dựng kho học liệu, giáo viên nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học, bài giảng điện tử ở tất cả các môn học và lưu trữ trên Drive theo từng khối lớp. Đồng thời, nhà trường cũng thường xuyên rà soát, thanh lọc, bổ sung các tài nguyên, học liệu số bảo đảm nguồn chính thống và phù hợp với hoạt động giáo dục. Với những kết quả đạt được, năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Tứ Hiệp được đánh giá là trường dẫn đầu cấp tiểu học của huyện Thanh Trì về ứng dụng CNTT - chuyển đổi số.
Cô giáo Nguyễn Thị Sinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tứ Hiệp cho biết: Nhà trường quan tâm đến phương pháp giảng dạy, thường xuyên thay đổi phương pháp và hình thức giảng dạy để khuyến khích học sinh học tập. Vì vậy, nhà trường cũng thường xuyên nâng cấp cơ sở vật chất, tin học hóa để nâng cao chất lượng dạy và học.
Thực hiện nhiệm vụ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì đã triển khai đồng bộ hệ thống thông tin quản lý GD&ĐT kết nối với cơ sở dữ liệu của thành phố Hà Nội, đáp ứng yêu cầu liên thông, tích hợp từ huyện tới cơ sở và sở, bộ. Khai thác sử dụng hiệu quả Trung tâm điều hành giáo dục thông minh Thành phố.
Việc chuyển đổi số trong GD&ĐT huyện Thanh Trì tập trung vào hai nội dung chủ đạo là chuyển đổi số trong quản lý giáo dục và chuyển đổi số trong dạy, học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học. Các nhà trường trên địa bàn huyện Thanh Trì đều có kết nối internet chất lượng tốt, sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý, phần mềm dạy học. 100% nhà trường đều xây dựng kế hoạch truyền thông phù hợp, nội dung phong phú. Trang website của các trường hoạt động thường xuyên, cập nhật những thông tin cần thiết đến phụ huynh, cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Huyền Trang - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Tựu Liệt chia sẻ: “Nhờ có CNTT, chúng tôi đã luôn đổi mới phương pháp dạy và học để làm sao chăm sóc và giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao nhất. Cũng thông qua công nghệ, chúng tôi có thể dễ dàng phối kết hợp với phụ huynh học sinh tổ chức các lớp kiến tập mà phụ huynh có thể tham gia trực tiếp hoặc trực tuyến. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức lớp kỹ năng sống được phát trực tiếp và cập nhật kịp thời trên website và nhóm mạng xã hội của nhà trường để phụ huynh tiện theo dõi”.
Đến các trường học trên địa bàn huyện Thanh Trì hôm nay có thể thấy, hầu hết các trường hướng tới mục tiêu xây dựng và thực hiện mô hình trường học điện tử. Ban Giám hiệu quản lý hồ sơ, kiểm tra hồ sơ giáo viên trên Google Drive khoa học, tiện lợi. Việc ứng dụng CNTT trong quản lý được một số nhà trường thực hiện rất hiệu quả: Sử dụng phần mềm VnEdu để quản lý học sinh, sổ điểm điện tử, thời khóa biểu, sổ liên lạc điện tử, học bạ; giáo viên sử dụng thành thạo các phầm mềm trình chiếu power point, phần mềm e-learning,… Hiện nay, 70% các đầu sổ, hồ sơ quản lý trong các cơ sở giáo dục được số hóa. Bên cạnh đó, các trường đã triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Huyện Thanh Trì đang tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng chương trình chuyển đổi số ứng dụng công nghệ thông tin vào các trường học thông qua việc đầu tư xây dựng phòng học thông minh tại các trường học trên địa bàn huyện. Toàn huyện hiện có 14 phòng học thông minh; trong đó cấp tiểu học 7 phòng, cấp trung học cơ sở có 7 phòng.
Vượt thách thức để chuyển đổi số thành công
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNTT - chuyển đối số trong GD&ĐT ở huyện Thanh Trì vẫn còn một số khó khăn, hạn chế do điều kiện cơ sở vật chất ở một số trường học còn chưa đáp ứng; trình độ, độ tuổi của một số giáo viên chưa theo kịp yêu cầu về chuyển đổi số… Đây là những vấn đề đặt ra cho ngành giáo dục nói riêng, các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội nói chung. Giải quyết những tồn tại, hạn chế nêu trên sẽ là cơ hội để ngành giáo dục và đào tạo từng bước thực hiện các nội dung chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập.
Hà Nội là địa phương có tỷ lệ cao nhất về kết nối thông tin của học sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt 97% số học sinh (cả nước là 95%). Hà Nội cũng đã triển khai tốt các dịch vụ công trực tuyến, duy trì hiệu quả hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các lớp đầu cấp, tạo thuận lợi cho phụ huynh, học sinh.
Đánh giá về công tác chuyển đổi số trong giáo dục tại các trường trên địa bàn huyện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì Phạm Văn Ngát nhận định: Các nhà trường đã thực hiện tốt các giải pháp tăng cường điều kiện, đảm bảo chất lượng, sử dụng hiệu quả CNTT trong quản lý, giảng dạy.
Năm học 2023 - 2024, Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì sẽ tiếp tục triển khai, xây dựng mô hình trường học điện tử, giáo dục thông minh. Đồng thời xây dựng và thường xuyên cập nhật kho học liệu số dùng chung phục vụ giảng dạy trong nhà trường và toàn huyện, gồm bài giảng điện tử, học liệu số đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử và các học liệu khác.
Tiếp tục xây dựng, thường xuyên cập nhật hệ thống ngân hàng câu hỏi trực tuyến của các môn học và phần mềm kiểm tra, đánh giá tập trung qua mạng phục vụ học sinh, giáo viên trong trường. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cổng thư viện số nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu. Ứng dụng có hiệu quả các phần mềm trong quản lý, điều hành và dạy học trực tuyến. Đặc biệt là việc bổ sung kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Đồng thời, đẩy mạnh giáo dục STEM trong giáo dục phổ thông.
Chuyển đổi số đang trở thành một xu hướng cần thiết trong công tác quản lý và giảng dạy, học tập trong ngành giáo dục, tạo ra nội dung học tập đa dạng và hấp dẫn hơn, giúp học sinh tiếp cận với nhiều nguồn tài nguyên học tập trực tuyến. Để thành công trong việc áp dụng công nghệ số trong giáo dục, cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong ngành GD&ĐT huyện Thanh Trì cần không ngừng nâng cao kiến thức về công nghệ số, để có thể sử dụng và áp dụng vào quá trình quản lý và giảng dạy.
Đồng thời, học sinh và phụ huynh cũng cần được hướng dẫn và hỗ trợ để sử dụng các công nghệ số một cách hiệu quả trong quá trình học tập. Đạt được những mục tiêu trên sẽ giúp cho quá trình chuyển đổi số trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, từ đó giúp cho ngành giáo dục ngày càng phát triển và đáp ứng được nhu cầu và nhiệm vụ đặt ra trong công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay.
Trong tương lai không xa, việc dạy và học trên môi trường số sẽ trở thành hoạt động hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học, nâng cao chất lượng và hiệu quả quản lý giáo dục huyện Thanh Trì và Thủ đô Hà Nội.
Ngày 30/12/2022, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quyết định số 4725/QĐ-BGDĐT về bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên với mục tiêu thúc đẩy công tác chuyển đổi số toàn ngành. Việc ban hành bộ chỉ số nhằm thực hiện hiệu quả “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ, cũng là căn cứ để các nhà trường rà soát, đánh giá và hoàn thiện các điều kiện thực hiện chuyển đổi số.