Chuyển đổi số trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật
Ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 766/QĐ-TTg phê duyệt Đề án 'Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025 - 2030'.
Giải đáp chính sách

Ảnh minh họa.
Hỏi: Tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025 - 2030", trong đó có nêu nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Xin quý báo cho biết, quy định về chuyển đổi số trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ người dân, DN?
(Trần Văn Quang, quận Ba Đình, Hà Nội)
Trả lời: Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:
Ngày 15/4/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 766/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2025 - 2030". Theo đó, một trong những nhiệm vụ, giải pháp là chuyển đổi số trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật phục vụ người dân, DN. Cụ thể:
a) Chuẩn hóa, xây dựng, cập nhật kho dữ liệu số phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung
- Xây dựng, chuẩn hóa cấu trúc dữ liệu phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Cập nhật, quản lý thông tin, dữ liệu thường xuyên, định kỳ hoặc khi phát sinh vào kho dữ liệu số phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung, bao gồm các thông tin, dữ liệu về dự thảo chính sách, văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực (trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ Pháp điển điện tử); tình huống pháp lý thực tiễn, hỏi - đáp pháp luật; vấn đề vướng mắc trong tổ chức thi hành pháp luật; văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền về vướng mắc, kiến nghị của người dân, DN; công trình nghiên cứu pháp lý; các bản án, quyết định của Tòa án, hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao; án lệ; quyết định của trọng tài thương mại; tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; tài liệu dành cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật và các tài liệu khác phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Quản lý, vận hành kho dữ liệu số phổ biến, giáo dục pháp luật dùng chung.
- Tái cấu trúc, nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật: chuẩn hóa, tái cấu trúc toàn bộ văn bản, dữ liệu hiện có trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng; phát triển thêm các tính năng quản lý, tra cứu văn bản bảo đảm dữ liệu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật “đúng, đủ, sạch, sống”, tra cứu thuận tiện, thông minh trên mọi nền tảng.
- Nâng cấp, phát triển Phần mềm hỗ trợ pháp điển trên nền tảng công nghệ mới đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; xây dựng Ứng dụng Bộ pháp điển (app) dùng trên các thiết bị di động.
b) Nâng cấp, phát triển Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia thành địa chỉ tập trung, chủ đạo trong cung cấp thông tin pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân, DN.
- Bổ sung chức năng tiếp nhận câu hỏi về thông tin chính sách, pháp luật của người dân, DN, tự động phân loại và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải đáp.
- Bổ sung các tính năng trên Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, bao gồm tính năng cho phép người dùng đánh giá mức độ hài lòng khi truy cập, sử dụng Cổng; tính năng thống kê, phân tích dữ liệu, theo dõi số lượt truy cập, mức độ tương tác với nội dung pháp luật trên từng chuyên mục theo từng khoảng thời gian cụ thể;…
- Tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia và Cổng/Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật của các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương, địa phương được xây dựng, vận hành theo Quyết định số 471/QĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tiếp tục số hóa, làm giàu dữ liệu, phát triển các tính năng tiện ích, tối ưu hóa trải nghiệm, giúp người dân, DN dễ dàng tìm kiếm, truy cập, sử dụng tài liệu pháp luật một cách nhanh chóng, thuận tiện trên Tủ sách pháp luật điện tử của Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia.
- Xây dựng tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật theo các phương thức hiện đại, đa dạng, bao gồm sách nói điện tử; tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật trực quan bằng hình ảnh, âm nhạc, tiếng dân tộc thiểu số; tạo hình các nhân vật hoạt hình được số hóa thông qua các tiểu phẩm, câu chuyện, tình huống pháp luật; video, file âm thanh; phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các trò chơi…, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng (học sinh, sinh viên, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật…) và đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, giúp việc tiếp cận thông tin pháp luật dễ dàng, hiệu quả.
c) Xây dựng, phát triển Cổng Thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý dành cho DN.
- Nâng cấp Trang Thông tin về hỗ trợ pháp lý dành cho DN thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp thành Cổng Thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý dành cho DN…
d) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
- Thí điểm xây dựng, triển khai ứng dụng AI trong cung cấp thông tin, phổ biến văn bản pháp luật mới ban hành; triển khai hệ thống hỏi đáp pháp luật tự động trong một số lĩnh vực và một số đối tượng cụ thể. Ưu tiên hỗ trợ các đối tượng đặc thù theo quy định của pháp luật, trong đó có tính năng hỗ trợ đa ngôn ngữ, bao gồm cả ngôn ngữ của một số dân tộc thiểu số, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thông tin pháp luật cho mọi người dân.
- Tích hợp, khai thác phù hợp các ứng dụng AI hiện có của các bộ, cơ quan, tổ chức trung ương, địa phương phục vụ việc tra cứu, tìm hiểu thông tin pháp luật của người dân, DN.
đ) Chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tăng cường tính tương tác giữa nhà nước và người dân, DN.
- Triển khai thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật trên ứng dụng mạng xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận, tương tác với người dân, DN.
- Triển khai thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật trên ứng dụng VNeID và các nền tảng số tại các bộ, cơ quan, tổ chức T.Ư, địa phương, mở rộng kênh tiếp cận thông tin pháp luật…
Về hỗ trợ một số địa phương thực hiện chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Cụ thể:
a) Tập huấn, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
b) Chuẩn hóa dữ liệu, số hóa tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng hệ thống tài liệu điện tử trên môi trường số, tăng cường khả năng tiếp cận, sử dụng của người dân, DN.
c) Nghiên cứu xây dựng, triển khai các mô hình mới, ứng dụng số về phổ biến, giáo dục pháp luật.