Một startup tái chế pin mặt trời rót 90 triệu USD xây nhà máy ở Florida

OnePlanet sử dụng một quy trình mới lạ để thu hồi đồng, silicon và nhôm từ các tấm pin năng lượng mặt trời đã hỏng. Nhà máy này dự định hoạt động vào năm 2027.

Florida là thị trường năng lượng mặt trời lớn thứ hai của Mỹ. Thế nhưng, mỗi khi một cơn bão càn quét qua, những tấm pin năng lượng mặt trời bị hỏng lại chất đống tại các bãi rác.

OnePlanet Solar Recycling có kế hoạch giải quyết vấn đề đó. Startup này có trụ sở tại Jacksonville, Florida, do một cựu giám đốc ngành thép điều hành, vừa huy động được 7 triệu USD để phát triển nhà máy tái chế pin năng lượng mặt trời đầu tiên của công ty.

Đặc biệt, trong bối cảnh thuế quan có thể làm tăng giá các vật liệu nhập khẩu, biến rác thải thành nguồn cung kim loại nội địa như đồng và nhôm.

Theo đó, công ty dự định rót 90 triệu USD để xây dựng cơ sở tái chế River City, tại Green Cove Springs, ngay phía nam Jacksonville, thành phố đông dân nhất của Florida. Dự án được chia làm 3 giai đoạn.

OnePlanet dự kiến năm 2027 sẽ hoàn thành giai đoạn đầu xây dựng nhà máy và khai trương dây chuyền tháo dỡ đầu tiên có khả năng xử lý 2 triệu mô-đun năng lượng mặt trời mỗi năm.

Pin năng lượng mặt trời được sử dụng nhiều tại Florida. Ảnh: sarasotamagazine

Pin năng lượng mặt trời được sử dụng nhiều tại Florida. Ảnh: sarasotamagazine

Đồng thời, OnePlanet cũng đặt đặt mục tiêu tăng công suất lên gấp ba lần, lên 6 triệu tấm pin mặt trời vào năm 2030. Ở công suất đỉnh, cơ sở này sẽ nằm trong số các nhà máy tái chế pin năng lượng mặt trời lớn nhất tại Mỹ.

Kế hoạch đầy tham vọng của OnePlanet dựa trên quy trình tái chế pin năng lượng mặt trời độc đáo của mình.

"Chúng tôi thực hiện rất nhiều công việc trước khi thực sự đưa các tấm pin vào dây chuyền tái chế", André Pujadas - Giám đốc điều hành của OnePlanet, chia sẻ.

Đáng chú ý, nhờ ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các cảm biến công nghệ cao, OnePlanet không chỉ có khả năng thu hồi kính, nhựa và silicon từ các tấm pin mặt trời, mà còn tái chế được tới 97% lượng kim loại nhôm và đồng trong đó, ông Pujadas nhấn mạnh.

Pujadas từng làm việc tại Nucor, một nhà sản xuất thép lớn. Đây là công ty đi đầu trong việc sử dụng lò hồ quang điện tại Mỹ. Công nghệ này biến phế liệu kim loại thành thép mới bằng điện, cung cấp một giải pháp thay thế carbon thấp hơn cho thép mới được tạo ra từ quặng sắt trong lò luyện kim sử dụng than đá.

Kinh nghiệm đó đã dạy Pujadas về những nơi chi phí có thể tăng trong chuỗi cung ứng và giá trị doanh nghiệp có thể tạo ra bằng cách thu hồi nguyên liệu thô từ các vật liệu bị ô nhiễm.

So với cách tiếp cận của các công ty tái chế khác, phương pháp của OnePlanet sẽ tiết kiệm chi phí bảo trì. Bởi, quá trình tách biệt trước khi tháo dỡ tránh được sự hao mòn không cần thiết đối với máy móc.

Theo ông Pujadas, vòng tài trợ được công bố vào thứ Ba sẽ được sử dụng cho các bước kỹ thuật cuối cùng, xin cấp phép về môi trường, ký kết các thỏa thuận tái chế tổng thể cũng như chuẩn bị cho những hạng mục cần thời gian triển khai dài hạn.

Khoản đầu tư này “phản ánh niềm tin của chúng tôi rằng việc tái chế các mô-đun năng lượng mặt trời không chỉ là điều tất yếu mà còn có thể thực hiện ở quy mô lớn, với động lực bền vững đến từ các yếu tố pháp lý, kinh tế và an ninh tài nguyên", bà Ashlynn Horras, đối tác tại Khasma Capital - quỹ đầu tư khí hậu dẫn đầu vòng gọi vốn hạt giống của OnePlanet, cho biết trong một tuyên bố.

OnePlanet cũng đang nhận được một số hỗ trợ từ Đạo luật Giảm lạm phát. Công ty sẽ được tài trợ một phần bởi khoản đầu tư 14,5 triệu USD từ tín dụng thuế cạnh tranh 48C của Bộ Năng lượng được trao vào năm ngoái.

Theo Canary Media

Các tấm pin năng lượng mặt trời bị hỏng chất đống tại các bãi rác. Ảnh: Getty Images

Các tấm pin năng lượng mặt trời bị hỏng chất đống tại các bãi rác. Ảnh: Getty Images

Tâm An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/mot-startup-tai-che-pin-mat-troi-rot-90-trieu-usd-xay-nha-may-o-florida-2397009.html