Chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách

Chuyển đổi số không còn là xu hướng mà là nhiệm vụ bắt buộc, cơ hội để bứt phá và phát triển, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tập trung triển khai chuyển đổi số trong hoạt động cho vay tín dụng chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng và đảm bảo an toàn hệ thống thanh toán.

Cán bộ Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh hướng dẫn khách hàng về các dịch vụ qua điện thoại di động.

Cán bộ Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh hướng dẫn khách hàng về các dịch vụ qua điện thoại di động.

Ông Quàng Văn Trọng, bản Tông, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La được vay hơn 400 triệu đồng theo Chương trình cho vay nhà ở xã hội từ năm 2018. Ông Trọng cho biết: Trước đây, muốn tìm hiểu về số kỳ đóng gốc, lãi đối với khoản vay của gia đình hoặc các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, tôi đều phải trực tiếp tới điểm giao dịch hoặc gặp cán bộ tín dụng để đối chiếu. Nhưng từ khi ngân hàng triển khai ứng dụng VBSP smartbanking, tôi có thể giao dịch với Ngân hàng CSXH mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến điểm hay phòng giao dịch.

Còn bà Đào Thị Dịnh, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn bản Thồng Phiêng, xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, cho biết: Tổ hiện có 37 thành viên, vay vốn trên 1,5 tỷ đồng, với 4 chương trình tín dụng: Hộ nghèo; nước sạch và vệ sinh môi trường; hộ cận nghèo; vốn vay tạo việc làm. Trước đây theo dõi vốn đều phải xem sổ. Nhưng Chỉ cần 1 chiếc điện thoại thông minh có cài đặt internet, chúng tôi có thể tra cứu về hộ vay vốn, quy trình từng chương trình cho vay; nắm bắt được chi tiết thông tin trả lãi, gốc hàng tháng và gửi thông báo cụ thể cho từng hộ vay vốn. Thậm chí khi không nhớ hết chương trình mình đang cho vay hay thủ tục, hồ sơ, số tiền... chúng tôi chỉ cần trực tiếp vào ứng dụng để kiểm tra là rõ. Việc triển khai ứng dụng công nghệ số của Ngân hàng CSXH giúp rất nhiều trong công tác quản lý của chúng tôi.

Ứng dụng VPSB smartbanking được Ngân hàng CSXH triển khai tới khách hàng từ tháng 3/2023, cung cấp nhiều tiện ích, với các dịch vụ tài chính và phi tài chính, gồm: Chuyển tiền nội bộ VBSP, chuyển tiền nhanh ngoài VBSP, chuyển tiền thường ngoài VBSP; thanh toán tiền điện, tiền nước, internet, điện thoại cố định, vé tàu, vé máy bay, học phí, phí bảo hiểm, khoản vay tài chính; thanh toán bằng mã QRPay. Nhóm dịch vụ phi tài chính, gồm: Kiểm tra thông tin tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi, tiền vay, tra cứu lịch sử giao dịch; tiện ích tra soát... Khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi như giao dịch tại quầy, có thể sử dụng ở bất kỳ nơi nào, chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet. Điều này rất phù hợp với bà con thuộc đối tượng khách hàng nơi vùng sâu, vùng xa.

Theo thống kê của Ngân hàng CSXH chi nhánh tỉnh, đến thời điểm này, tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH tỉnh là trên 5.943 tỷ đồng với gần 124.000 khách hàng đang vay vốn. Thực hiện chương trình chuyển đổi số, đến nay, 100% các xã, phường, thị trấn đã triển khai chương trình và sử dụng các tiện ích giao dịch smartbanking; có trên 6.235 khách hàng vay vốn chính sách đang thực hiện các giao dịch qua ứng dụng của ngân hàng trên thiết bị di động.

Bên cạnh ứng dụng VPSB smartbanking, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh còn trang bị công nghệ, hệ thống phần mềm hiện đại có tính bảo mật cao tới các bộ phận. Triển khai phần mềm ứng dụng camera trực tuyến liên thông trong hệ thống ngân hàng chính sách, giám sát, chỉ đạo điều hành từ xa đối với hoạt động tại cơ sở; xây dựng phần mềm giám sát trạng thái mạng; tự động rà soát lỗi logic của hệ thống dữ liệu. Qua đó, góp phần thực hiện kế hoạch chuyển đổi số và phát triển các giao dịch tài chính, phi tài chính của đơn vị, đảm bảo an ninh, an toàn trong giao dịch.

Ông Tạ Văn Toàn, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, cho biết: Để tăng số lượng khách hàng và người làm công tác tín dụng chính sách sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đang tập trung phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể ủy thác các cấp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khách hàng về các dịch vụ qua điện thoại di động. Định kỳ tại điểm giao dịch xã, tại các cuộc họp giao ban, tiếp tục tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa các ứng dụng số của Ngân hàng CSXH.

Hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo thuận lợi, tiện ích cho người nghèo và các đối tượng trong diện thụ hưởng, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh tiếp tục triển khai các chức năng, tiện ích trên nền tảng công nghệ hiện đại; chủ động nắm bắt, nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn ngày càng hiệu quả, đóng góp tích cực trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương.

Bài, ảnh: Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/chuyen-doi-so-tinh-son-la-giai-doan-2021-2025-dinh-huong-den-nam-2030/chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-tin-dung-chinh-sach-UbuVcCiIR.html