Chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục
Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số giáo dục là sự thay đổi về phương pháp giảng dạy, cải thiện thiết bị, dụng cụ hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, giảng dạy, học tập của học sinh, giáo viên. Qua đó, tạo môi trường kết nối mở, nâng cao trải nghiệm học tập và tăng cường sự tương tác của học sinh và giáo viên.
Tại Trường THCS Ngọc Hà (thành phố Hà Giang) đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số vào công tác quản lý, giảng dạy và học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Sự thay đổi này không chỉ thể hiện qua việc cải thiện cơ sở vật chất mà còn tạo ra những phương pháp dạy học mới, hiệu quả hơn, thu hẹp khoảng cách giữa giáo viên và học sinh, mang lại môi trường học tập cởi mở và tương tác tốt hơn.
Một trong những đổi mới mà trường THCS Ngọc Hà đạt được trong chuyển đổi số là ứng dụng CNTT vào việc giảng dạy. Cô giáo Ma Thị Liễu, dạy môn Ngữ Văn chia sẻ: “Với sự hỗ trợ từ CNTT, giáo viên có thể điều chỉnh nội dung bài giảng phù hợp hơn với học sinh, thêm vào nhiều dẫn chứng cụ thể từ các nguồn tài liệu trên mạng. Đồng thời, có thời gian theo dõi được cảm xúc và phản ứng của học sinh trong lớp để đánh giá mức độ tiếp thu của các em”. Em Trần Hồng Giang, học sinh lớp 8A1 cho biết: “Tham gia các môn học tại trường có ứng dụng CNTT, chúng em được tiếp cận với cách học mới, có nhiều thông tin và hình ảnh sinh động, giúp học sinh dễ tiếp thu bài hơn. Em cảm thấy cách học này rất hay, hấp dẫn và thú vị”.
Để phục vụ cho chuyển đổi số, nhà trường đã trang bị đường truyền Internet ổn định, hệ thống máy vi tính và thiết bị trình chiếu tại 12/14 phòng học, đảm bảo phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và quản lý. Đặc biệt, trường đã ứng dụng nền tảng số OLM trong quản lý hồ sơ, khai thác kho bài giảng số hóa và tổ chức các bài kiểm tra trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh và giáo viên trong quá trình học tập.
Đồng thời, trường luôn chỉ đạo ứng dụng CNTT vào đổi mới phương pháp dạy học và công tác quản lý giáo dục nhằm thực hiện thành công nhiệm vụ năm học. Không chỉ dừng lại ở mức động viên, khuyến khích mà còn xây dựng những quy định cụ thể để nâng dần kiến thức, kỹ năng CNTT của giáo viên và yêu cầu mỗi người phải tích cực tham gia vào phong trào ứng dụng CNTT nhằm đổi mới phương pháp dạy học. Qua đó, 100% giáo viên toàn trường sử dụng thành thạo CNTT; tham gia đóng góp, chia sẻ học liệu vào kho học liệu số của nhà trường và của ngành Giáo dục; xây dựng bài giảng điện tử có chất lượng, tham gia xây dựng ngân hàng đề, câu hỏi trắc nghiệm… góp phần xây dựng xã hội học tập và đẩy mạnh việc học tập suốt đời.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trường vẫn gặp phải một số khó khăn như có đến 50% học sinh không có thiết bị kết nối Internet tại nhà, gây trở ngại trong việc tham gia học tập trực tuyến và làm bài tập. Nguồn ngân sách còn hạn hẹp nên khó mở rộng và phát triển các ứng dụng CNTT trong giáo dục. Hơn nữa, một số giáo viên còn ngại thay đổi, chưa thật sự sẵn sàng tiếp cận và sử dụng CNTT trong giảng dạy.
Bất chấp những khó khăn đó, nhà trường vẫn nỗ lực không ngừng trong việc bồi dưỡng kiến thức CNTT cho giáo viên và học sinh. Hiệu trưởng Trường THCS Ngọc Hà, Bùi Thị Minh Thùy cho biết: “Việc ứng dụng CNTT đã giúp giáo viên giảm bớt thời gian chuẩn bị bài giảng, nâng cao chất lượng giờ dạy. Trong khi học sinh có thể tiếp thu bài học dễ dàng hơn, giảm bớt áp lực học tập tại nhà và có thời gian tham gia các hoạt động phát triển kỹ năng cá nhân”. Công tác chuyển đổi số tại Trường THCS Ngọc Hà đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Để có thể ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục cải thiện cơ sở hạ tầng CNTT và nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên để đáp ứng tốt hơn nhu cầu dạy và học trong thời đại số hóa.