Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục: Cuộc tổng diễn tập

Vì dịch Covid-19, lần đầu tiên cả hệ thống Giáo dục từ phổ thông đến ĐH đồng loạt triển khai dạy học trực tuyến. Qua khảo sát, có 80% HSSV được tiếp cận hình thức dạy học qua Internet và truyền hình, riêng khu vực thành phố trên 90%.

HS Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) học trực tuyến tại nhà trong quá trình nghỉ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

HS Trường THPT Hoa Lư A (Ninh Bình) học trực tuyến tại nhà trong quá trình nghỉ phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Sự chuyển động này mang đến cơ hội, nền tảng vững vàng để ngành Giáo dục xây dựng môi trường học tập hiện đại, đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Chuyển đổi mạnh mẽ

Kỹ năng về công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số của học sinh, giáo viên được nâng cao, chất lượng dạy và học bảo đảm sau thời gian áp dụng mô hình dạy online, trên truyền hình. Cũng nhờ ứng dụng CNTT, việc tập huấn trực tuyến giáo viên lớp 1 cho Chương trình GDPT mới kịp tiến độ dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp… Tới đây, phương thức dạy học qua Internet, truyền hình sẽ tiếp tục được triển khai. Đây không phải là giải pháp tình thế mà trở thành hình thức dạy học song song với trực tiếp.

Theo chia sẻ của nhiều nhà giáo, nỗ lực của ngành Giáo dục triển khai ứng dụng CNTT, thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là việc thực hiện dạy học trực tuyến, qua truyền hình trong thời gian dịch bệnh Covid-19 là đợt tổng diễn tập quy mô lớn. Dù khởi đầu gặp không ít khó khăn nhưng cũng là cơ hội tốt để ứng dụng công nghệ trong dạy và học. Qua đó có thể đánh giá ưu, nhược điểm cũng như những tồn tại, thách thức để chuyển đổi số trong ngành hiệu quả.

Theo thầy Lê Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ), ngành Giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ vào dạy học. Hiện Bộ GD&ĐT lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo Quy chế dạy học trực tuyến. “Nội dung dự thảo đề cập đến việc cần làm để chuyển đổi số trong ngành Giáo dục đạt hiệu quả: Nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; Xây dựng kho học liệu số ngành Giáo dục; Tập huấn cho giáo viên; Nâng cao tính tự giác và kỹ năng sử dụng mạng cho học sinh…”, thầy Dũng cho biết.

Tại tỉnh Cà Mau, 100% các đơn vị, trường học kết nối Internet phục vụ yêu cầu ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học. Quản lý các loại hồ sơ, sổ sách trên hệ thống bảo đảm chính xác và khoa học, cụ thể như sổ điểm và học bạ. Đối với công tác quản lý, 75% các cuộc họp của Sở GD&ĐT với các đơn vị, trường học được áp dụng hình thức trực tuyến. Việc tăng cường ứng dụng CNTT trong nhà trường, nhất là phần mềm quản lý giúp nhà trường tăng hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành, tiết kiệm thời gian, ngân sách, chính xác trong công việc. Đối hoạt động dạy học, một số trường đã đầu tư hạ tầng CNTT, giúp giáo viên nâng cao tính sáng tạo và trở nên linh hoạt hơn trong quá trình giảng dạy. HS dù ở vùng không thuận lợi cũng được tiếp cận thành tựu của công nghệ.

GV Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình) dạy học trực tuyến cho HS. Ảnh: NVCC

GV Trường THPT Nho Quan A (Ninh Bình) dạy học trực tuyến cho HS. Ảnh: NVCC

Nền tảng nâng cao chất lượng

Thầy Nguyễn Minh Thuận – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) khẳng định: Ứng dụng CNTT vào các hoạt động dạy học trong nhà trường có ý nghĩa then chốt góp phần thúc đẩy nhanh lộ trình chuyển đổi số toàn ngành Giáo dục.

Tại Trường THPT chuyên Lào Cai, nhiều năm qua đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng CNTT, chú trọng cải thiện đường truyền Internet tốc độ cao, phối hợp với nhà cung cấp hệ thống phần mềm trong quản lý dạy học, kiểm tra và đánh giá. Trường đã lắp đặt thử nghiệm hệ thống quẹt thẻ thông minh; Triển khai mô hình lớp học đảo ngược; Nâng cao trình độ, kỹ năng về tin học, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học… Công nghệ thông tin đã góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục; GV và HS được tiếp cận và ứng dụng thành thạo công nghệ số vào thực tiễn.

Cô Nguyễn Thị Tuyết Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quyền (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ: Giai đoạn HS phải nghỉ học kéo dài để phòng, chống dịch Covid-19, dạy học trực tuyến thể hiện được nhiều ưu điểm vượt trội. Trên nền tảng công nghệ, các trường học tổ chức lớp học trực tuyến với chất lượng và hiệu quả cao, từ việc dạy bài mới, giao nhiệm vụ học tập, quản lý lớp học đến kiểm tra, đánh giá kết quả học tập. Đây là cơ hội để nhà trường và ngành Giáo dục đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số trong hoạt động dạy và học.

Theo đánh giá của chuyên gia giáo dục, các trường học tại Việt Nam đã và đang trong lộ trình chuyển đổi số cần tập trung tháo gỡ hàng loạt vấn đề cơ bản. Đó là tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và dạy học; Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá; Đẩy mạnh bồi dưỡng GV theo hình thức trực tuyến… Đặc biệt, tập trung nâng cao cơ sở hạ tầng CNTT; nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng sử dụng, ứng dụng CNTT của đội ngũ cán bộ quản lý, GV, nhân viên trong quá trình thực hiện sứ mệnh đổi mới.

Cô Đinh Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Lương Yên (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Dạy học trực tuyến được nhà trường triển khai sau khi HS nghỉ học giãn cách. Dù có khó khăn, vướng mắc ban đầu song đội ngũ GV đã tích cực học hỏi, nâng cao khả năng ứng dụng dạy học trực tuyến, HS thích nghi với cách học mới.

“Dạy học trực tuyếnhỗ trợ tích cực vào công tác ôn luyện cho HS khối 9 đạt kết quả cao tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021. Theo thống kê,HS khối 9 của trường xếp thứ 3/18 trường với tỷ lệ 91,15 % HS khối 9 đỗ vào lớp 10 các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố. Xếp thứ 6/18 trường trong toàn quận Hai Bà Trưng. Tổng điểm bình quân 38,57 điểm, trung bình đạt 7,714 điểm/3 môn Văn, Toán, Anh. Môn Văn xếp thứ 2/18 trường trong quận Hai Bà Trưng (trung bình đạt 7,75 điểm)… 3 HS đạt 45 điểm trở lên… Đây là kết quả đáng tự hào trong bối cảnh dạy học, ôn tập của GV và HS bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19” – cô Đinh Thị Phương Anh cho biết.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuyen-doi-so-trong-nganh-giao-duc-cuoc-tong-dien-tap-HwR9LMDMR.html