Chuyển đổi số trong ngành Hải quan: Rộng đường phát triển xuất nhập khẩu

Với nhiều hiệp định song phương, đa phương Việt Nam đã tham gia, hệ thống thương mại trở nên đa dạng ở rất nhiều quốc gia, hoạt động chuyển đổi số ở ngành Hải quan là vấn đề cấp thiết để đảm bảo tuân thủ với quy định và tiêu chuẩn được đưa ra bởi các thỏa thuận này nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Đặt trong bối cảnh quy mô thương mại của Việt Nam ngày càng lớn, chuyển đổi số là điều rất quan trọng của ngành Hải quan để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu. Tại cuộc tọa đàm với đại diện các doanh nghiệp (DN) Anh đang đầu tư tại Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuối tháng 6 vừa qua, ông Matt Ryland - Giám đốc Hiệp hội DN Anh (BritCham) tại Việt Nam, đánh giá mối quan hệ thương mại và đầu tư tiềm năng giữa Vương quốc Anh - Bắc Ireland và Việt Nam.

Số hóa thủ tục hải quan. Ảnh: Hoàng Dương

Số hóa thủ tục hải quan. Ảnh: Hoàng Dương

Song chính ông Ryland cũng cho biết, DN Anh vẫn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hải quan, nhất là tại Hải Phòng và Cát Lái. Việc thông quan thiếu nhất quán, quy trình phân loại hàng hóa chưa hiệu quả và kiểm tra chưa dựa trên mức độ rủi ro đang là rào cản lớn với dòng chảy thương mại.

Với nhiều hiệp định song phương, đa phương Việt Nam đã tham gia, hệ thống thương mại trở nên đa dạng ở rất nhiều quốc gia, hoạt động hải quan trở nên quan trọng. Chuyển đổi số ở ngành Hải quan là cấp thiết để đảm bảo tuân thủ với quy định và tiêu chuẩn được đưa ra bởi các thỏa thuận này, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Hơn thế nữa, chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan còn đảm bảo an ninh thương mại quốc gia bằng cách phát hiện và ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại bất hợp pháp.

Theo chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 đã được phê duyệt, Hải quan Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực hiện công nghệ thời kỳ 4.0, áp dụng hải quan số, hải quan thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý hải quan hiện đại.

Với năm 2025, ngành Hải quan đặt mục tiêu 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số (đến năm 2030 phấn đấu chỉ tiêu đạt 100%); 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được quản lý dưới dạng dữ liệu số; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, DN.

100% thủ tục hải quan cơ bản được tự động hóa

Ông Vũ Văn Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Thế Giới Xanh (DN thường xuyên làm thủ tục xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái) chia sẻ, các khâu khai báo hải quan, thông quan hàng hóa, nộp thuế 24/7, tra cứu luồng đi của tờ khai… đều được thực hiện trên hệ thống điện tử của cơ quan Hải quan. Nếu hệ thống đường truyền của cơ quan được cải thiện đồng bộ, việc thông quan hàng hóa chắc chắn sẽ nhanh hơn rất nhiều, tạo thuận lợi hơn nữa cho DN.

Cục trưởng Cục Hải quan Nguyễn Văn Thọ cho biết, để đạt được mục tiêu trên, bên cạnh nỗ lực nội tại của Hải quan Việt Nam, rất cần sự hợp tác từ các bộ, ngành liên quan; sự ủng hộ, phối hợp từ phía người dân, DN và sự chia sẻ kinh nghiệm từ Hải quan các nước cũng như các tổ chức quốc tế, các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghệ để có thể giúp cho Hải quan Việt Nam tiếp cận với các cách thức, giải pháp ứng dụng công nghệ hiệu quả, phù hợp; đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số, thực hiện hải quan số, hải quan thông minh của Việt Nam.

Đến nay, Cơ quan Hải quan đã hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E- payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Cục phục vụ công tác quản lý, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.

Cùng với sự phát triển nhanh của kinh tế đất nước, khối lượng công việc của cơ quan Hải quan tăng lên một cách nhanh chóng. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trung bình 23%/năm; số thuế xuất nhập khẩu thu được trung bình tăng 9,2%/năm. Nhưng, số lượng cán bộ, công chức Hải quan hàng năm đều giảm từ 1,5 - 1,7%.

Nhờ ứng dụng CNTT và chuyên đổi số, việc làm thủ tục hải quan của DN được diễn ra thuận lợi, liên tục, nhanh chóng. CNTT đã trở thành công cụ quan trọng để cơ quan hải quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị đề ra. Đến nay, 100% thủ tục hải quan cơ bản được tự động hóa; 98,4% tổng số thu ngân sách của cơ quan Hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử. Ngoài ra, công tác giám sát hải quan đã được thực hiện tự động; mở rộng hệ thống định vị điện tử GPS phục vụ giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container…

Đặc biệt, để xây dựng hải quan số, thời gian vừa qua, ngành Hải quan đã tập trung cao độ nguồn lực của toàn ngành thực hiện tái thiết tổng thể hệ thống CNTT thực hiện hải quan số.

Hoàng Dương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-doi-so-trong-nganh-hai-quan-rong-duong-phat-trien-xuat-nhap-khau-10311106.html