Chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP: Mở rộng thị trường, nâng cao giá trị

Từ sự chủ động của các chủ thể sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét.

Khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP của huyện Chi Lăng thông qua điện thoại thông minh

Khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm OCOP của huyện Chi Lăng thông qua điện thoại thông minh

Đến nay, toàn tỉnh có 153 sản phẩm OCOP. Trong những năm qua, song song với việc xây dựng và nâng cao chất lượng sản phẩm, các chủ thể OCOP còn chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Bà Chu Thị Hạnh, chủ cơ sở sản xuất Thạch Chu Hạnh, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng cho biết: Năm 2020, sau khi sản phẩm được chứng nhận là sản phẩm OCOP, tôi đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm như đưa sản phẩm thạch lên sàn thương mại điện tử Postmart; quảng bá qua các trang mạng xã hội facebook, zalo... Nhờ đó, sản phẩm của cơ sở được nhiều khách hàng biết đến, việc tiêu thụ sản phẩm diễn ra thuận lợi hơn. Đến nay, bình quân mỗi ngày gia đình tiêu thụ từ 240-280 kg thạch thành phẩm, tăng gấp 6-7 lần so với trước năm 2020. Trong đó phần lớn sản phẩm được bán theo hình thức trực tuyến, thị trường tiêu thụ sản phẩm của đơn vị được mở rộng ra 10 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Một chủ thể sản phẩm OCOP khác là Trà diếp cá Lụa Vy cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Bà Vi Thị Lụa, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Chế biến nông sản Lụa Vy cho biết: Năm 2022, sản phẩm trà diếp cá của HTX được công nhận OCOP. Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, HTX đã xây dựng kênh Tiktok và liên kết với các nhà sáng tạo nội dung số, các sàn thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm. Đến nay, bình quân mỗi ngày, đơn vị liên kết tiêu thụ khoảng 1.000 sản phẩm trà diếp cá với doanh thu khoảng 30 triệu đồng, tăng khoảng 3 lần so với năm 2022.

Bên cạnh 2 chủ thể sản phẩm OCOP nêu trên, trong những năm qua, nhiều chủ thể sản phẩm OCOP khác đã chủ động trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Trong đó phổ biến nhất là các đơn vị đã chủ động tìm tòi, xây dựng các kênh trên mạng xã hội để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử…

Cùng với sự chủ động của các chủ thể sản phẩm OCOP, các cấp, ngành liên quan cũng triển khai các giải pháp hỗ trợ các chủ thể sản phẩm OCOP áp dụng chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngay khi triển khai chương trình OCOP, sở đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện chương trình OCOP, trong đó có lồng ghép việc áp dụng chuyển đổi số trong các khâu từ sản xuất đến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Cụ thể từ năm 2019 đến nay, các cấp, ngành chuyên môn đã tổ chức chuyên đề, lồng ghép được 850 hội nghị tuyên truyền với gần 37.000 lượt người tham gia với các nội dung liên quan đến phát triển sản phẩm OCOP, trong đó có lồng ghép nội dung liên quan đến chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn đã phối hợp tổ chức được 115 lớp tập huấn với khoảng 6.000 lượt người tham gia với nội dung liên quan đến xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP, trong đó có các nội dung liên quan trực tiếp đến ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khâu tiêu thụ sản phẩm OCOP; xây dựng website: nongsanlangson.com để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin OCOP và nông đặc sản của tỉnh…

Ngoài ra, từ năm 2019 đến nay, các cấp, ngành liên quan đã hỗ trợ trên 16 tỷ đồng cho các chủ thể OCOP để đầu tư tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, hỗ trợ thiết kế logo, xây dựng câu chuyện sản phẩm... Nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước góp phần giúp chủ thể OCOP vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa có thêm nguồn lực để đầu tư vào việc chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, 100% các chủ thể sản phẩm OCOP đã thực hiện quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội như zalo, tiktok, facebook, youtube; trên 80% chủ thể đã quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại postmart.vn, voso.vn… Thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đã góp phần gia tăng giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh thêm từ 15-20%.

Với sự chủ động của các chủ thể và sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, việc chuyển đổi số trong khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ nét. Từ đó, tạo bước đệm quan trọng để các chủ thể sản phẩm OCOP sẽ áp dụng chuyển đổi số toàn diện ở các khâu sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

TÂN AN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chuyen-doi-so-trong-quang-ba-tieu-thu-san-pham-ocop-mo-rong-thi-truong-nang-cao-gia-tri-5010148.html