Chuyển đổi số từ bệnh viện ra ruộng đồng
Kể từ ngày có căn cước công dân gắn chip (CCCD), bà Nguyễn Thị Thu Anh (quê Kiên Giang) đến Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM thăm khám, không cần mang giấy tờ theo, chỉ cần dùng CCCD quét vào máy là có đầy đủ thông tin bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Việc thanh toán chi phí khám cũng thuận tiện hơn khi không phải trả tiền mặt, chỉ cần quẹt thẻ hoặc quét mã thanh toán qua ví điện tử.
“Người dân các tỉnh không cần mang nhiều tiền mặt như trước, tránh tình trạng bị móc túi hoặc đánh rơi”, bà Thu Anh chia sẻ.
Hiện diện từ những điều nhỏ nhất
Sự tiện lợi đó đã “có mặt” tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM, và việc đồng bộ dữ liệu giúp người dân thuận lợi hơn khi đến thăm khám, không cần mang theo nhiều giấy tờ và tiết kiệm được thời gian. Thêm một bước tiến nữa là các bệnh viện triển khai hình thức đăng ký khám chữa bệnh bằng tài khoản định danh điện tử VNeID do Bộ Công an cung cấp. Người dân chỉ cần đăng ký tài khoản trên ứng dụng và hoàn thành các bước đăng ký sẽ sử dụng ngay, không cần mang theo CCCD.
Không chỉ là câu chuyện khám chữa bệnh, ngành điện - nước tại TPHCM cũng đẩy mạnh thanh toán hóa đơn nước qua điện thoại, internet; ký hợp đồng cấp nước điện tử thay cho hợp đồng giấy; chăm sóc khách hàng qua mạng xã hội… Ông Trần Đức Huân (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, hàng tháng ông không còn phải xem thùng thư trong chung cư để biết hóa đơn thanh toán điện nước như trước. Ông cũng chỉ cần dùng ví điện tử, cài thanh toán tiền điện, nước tự động hàng tháng vừa tiện lợi, vừa không sợ thanh toán trễ hạn, thay vì mất thời gian đến cửa hàng trả tiền.
Trong khi đó, ở lĩnh vực tư pháp, ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM, cho biết, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch: sổ đăng ký kết hôn, sổ đăng ký khai sinh, sổ đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, với tổng số khoảng 12 triệu hồ sơ. Tất cả dữ liệu số hóa sổ hộ tịch của TPHCM đã được đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp.
Hiện TPHCM cấp bản sao trích lục kết hôn, bản sao giấy khai sinh, bản sao trích lục khai tử và bản sao trích lục đăng ký nhận cha, mẹ, con từ Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại Kho dữ liệu dùng chung TPHCM cho cá nhân. Người dân sẽ không phải mất thời gian về nơi cư trú trước đây hoặc nơi đăng ký hộ tịch để trích lục mà có thể đến bất cứ phường xã nào tại thành phố để được trích lục, cơ quan nhà nước không yêu cầu người dân nộp các loại giấy tờ hộ tịch (đã có trong Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch của TPHCM) khi làm các thủ tục hành chính có liên quan.
Nông dân 4.0
Bắt đầu sử dụng ứng dụng (app) Canh tác lúa thông minh, ông Lưu Hồng Thanh (ngụ TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) không còn mang theo giấy bút ghi chép nhật ký từng kỹ thuật chăm sóc, mà thay vào đó là mang theo điện thoại. Ông chỉ cần nhập số lượng phân, tưới nước trong app như ghi nhật ký canh tác, ứng dụng giúp truy xuất nguồn gốc nông sản. App còn cung cấp quy trình canh tác nông nghiệp tiên tiến và thông minh, giúp tối ưu hóa năng suất và giảm thiểu chi phí; dịch vụ tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp, giúp khách hàng giải đáp các thắc mắc và giải quyết các vấn đề liên quan đến canh tác nông nghiệp. App còn có thể cập nhật các tin tức nông nghiệp, thời vụ, giá cả nông sản và phân bón, tiện lợi cho các nông dân 4.0 lướt web từ đồng ruộng.
Ông Phan Văn Tâm, Giám đốc Marketing Công ty CP Phân bón Bình Điền, nhận xét, từ khi áp dụng công nghệ, anh nông dân chỉ cần mở phần mềm ra “chọt chọt” ghi lại dữ liệu sản xuất trong ngày để viết nhật ký đồng ruộng và được sao lưu trên hệ thống dữ liệu đám mây; hết mùa vụ, xuất file cho công ty thu mua để truy xuất nguồn gốc. App còn có thể hỗ trợ nông dân tính toán được lợi nhuận bao nhiêu để điều chỉnh chế độ phun thuốc, tưới nước cho phù hợp. Cơ quan quản lý nhà nước có thể quản lý diện tích, sản lượng mà không cần đi đến tận ruộng.
Cũng nhờ chuyển đổi số, Tập đoàn Thủy sản Việt Úc triển khai chương trình tự động hóa trong sản xuất và nhờ công nghệ số hóa, đơn vị làm chủ nguồn tôm bố mẹ. Ứng dụng công nghệ (như cấy chip, di truyền phân tử, di truyền số lượng và phân tích dữ liệu) còn giúp tập đoàn phân tích được tình trạng tôm để cải thiện qua từng thế hệ. Đến quy trình sản xuất tôm giống gồm tối đa hóa quản trị bằng app điện thoại như đếm tảo, artemia, có sản lượng cho ăn chính xác… Trong tương lai, việc hỗ trợ người nuôi theo đúng quy trình, truy xuất nguồn gốc dễ dàng hơn thông qua ứng dụng công nghệ số hóa sẽ là định hướng để hỗ trợ bà con nuôi tốt hơn cho đầu ra khi sản phẩm đảm bảo đạt chất lượng xuất khẩu.
Từ bệnh viện - ra ruộng đồng, chuyển đổi số đang từng bước hiển hiện như một lẽ tự nhiên trong xu thế hội nhập.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuyen-doi-so-tu-benh-vien-ra-ruong-dong-post687658.html