Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0: Động lực xây dựng nông thôn mới
Kinhtedothi – Sáng 22/9, Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với UBND huyện Thường Tín tổ chức Hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 góp phần xây dựng nông thôn mới. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong dự và chỉ đạo hội nghị.
Nâng cao năng suất, chất lượng ngành nông nghiệp
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch hội Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế hiện nay, khoa học công nghệ là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp, là tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Tại Hà Nội, Chương trình số 07-Ctr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025” đã đưa ra nhóm chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, trong đó có chỉ tiêu tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên tổng sản phẩm nông nghiệp đạt trên 70% (hiện nay, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, tỷ lệ đạt khoảng 40%). “Để đạt được mục tiêu của Chương trình số 07-Ctr/TU đặt ra, đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ, trong đó công tác ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng” – Chủ tịch hội Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội Lê Xuân Rao nhấn mạnh.
Chia sẻ về kết quả ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số tại địa phương, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND huyện Thường Tín Tạ Hữu Thọ cho biết, huyện luôn quan tâm nhiệm vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế nhanh bền vững. Các tiến bộ khoa học và công nghệ từng bước được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống của người dân và doanh nghiệp, bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung, cánh đồng lớn theo hướng công nghệ cao, có năng suất, chất lượng và sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường...
Toàn huyện có 1.745ha vùng sản xuất lúa chất lượng cao, 545ha vùng sản xuất rau an toàn, 130ha vùng sản xuất cây ăn quả chuyên canh giá trị kinh tế cao; 146,77ha vùng sản xuất hoa, cây cảnh; trong đó, có 15 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 14 chuỗi liên kết chăn nuôi, có 166 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP qua đó nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt từ 66-68 triệu đồng/người/năm.
Ứng dụng hoa học công nghệ phải dựa vào thực tế
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã… đã thảo luận vào nhóm giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như: định hướng chính sách chuyển đổi số góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội; cách mạng hóa trải nghiệm với công nghệ giọng nói nhân tạo tự nhiên như con người; giải pháp ứng dụng nhà kính, nhà lưới thông minh trong sản xuất hoa và rau tại Hà Nội.
Thông qua hội thảo, có nhiều đề xuất, kiến nghị của các nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân… gửi tới thành phố, nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, tại hội thảo, một số doanh nghiệp cung cấp giải pháp chuyển đổi số, giải pháp phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhà lưới, nhà kính, chiếu sáng, truy xuất nguồn gốc, IoT…) đã có những trao đổi về các khó khăn, thuận lợi trong quá trình triển khai.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao tính bổ ích, thiết thực của chương trình. Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đã lựa chọn được vấn đề các huyện cần, không mang tính hàn lâm, vừa là thông tin, giới thiệu đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ cao, kết nối tới đối tượng thụ hưởng.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, trước đây, lĩnh vực khoa học công nghệ chỉ nằm trong Chương trình công tác chung về văn hóa – xã hội. Nhưng hiện nay, Hà Nội đã xây dựng 1 chương trình riêng về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo. Qua đó cho thấy thành phố đánh giá rất cao vị trí vai trò của khoa học công nghệ. Trên thực tế, Hà Nội có nguồn lực rất lớn về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đó là hệ thống các trường đại học, viện nghiên cứu, đội ngũ trí thức đông đảo. Tuy nhiên, tất cả nguồn lực đó mới chỉ dừng ở dạng tiềm năng.
Đánh giá về thực trạng ngành nông nghiệp của Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho rằng, ngành nông nghiệp Thủ đô hội tụ tất cả điểm nghẽn của ngành nông nghiệp Việt Nam, đó là còn khá hậu so, có ít doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, ruộng đất manh mún, mặc dù đã dồn điền đổi thửa, thiếu mô hình nông nghiệp công nghệ cao...
Bên cạnh đó, Hà Nội được đánh giá là đang ngồi trên mỏ vàng lộ thiên - đó chính là hệ thống làng nghề phong phú, đa dạng, mỗi sản phẩm làng nghề là một câu chuyện văn hóa. Nhưng hiện nay làng nghề vẫn phát triển tự nhiên, sự can thiệp của các cơ quan quản lý còn rất hạn chế.
Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu. Vì vậy, ngành nông nghiệp Thủ đô cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, đồng thời giải quyết những điểm nghẽn cố hữu. Tuy nhiên, do đặc thù riêng, nên ngành nông nghiệp của Hà Nội không nên áp dụng máy móc, mà cần căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương để lựa chọn mô hình phù hợp. Trong đó cần chú ý tới nguồn nhân lực chất lượng cao, tính toán đa dạng các loại hình, như nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, tuần hoàn, nông nghiệp sạch để phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Thông qua hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cũng mong muốn Liên Hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội sẽ tiếp tục là cầu nối giữa nhà khoa học với các địa phương, doanh nghiệp. Tiếp tục nghiên cứu, gợi mở chủ trương chính sách cho Thành phố phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.