Chuyển đổi số - Vấn đề sống còn của báo chí

Sáng nay (22/11), tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Bắc.

Chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu

Tại hội nghị, Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Văn kiện Đại hội 13 của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chính trị của báo chí: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tính chuyên nghiệp và hiện đại theo yêu cầu của Đảng có nghĩa là báo chí cách mạng Việt Nam cũng phải phấn đấu, bắt kịp với các xu hướng phát triển chung của thế giới. Một trong số đó chính là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số".

Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Bắc

Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số khu vực phía Bắc

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng, mang tầm chiến lược: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”.

“Trong giai đoạn quan trọng này, khi đất nước đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá, báo chí cũng phải vươn mình thay đổi, đồng hành cùng đất nước. Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại, công cuộc chuyển đổi số của đất nước. Các giải pháp nâng cao chất lượng báo chí, hỗ trợ cho các phóng viên, nhà báo thực hiện nhiệm vụ của mình là rất cần thiết trong giai đoạn này, để các nhà báo có thể cho ra đời nhiều tác phẩm hay, góp phần vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước, phụng sự nhân dân”, nhà báo Nguyễn Đức Lợi nhấn mạnh.

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cũng cho biết, công nghệ số đã ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ và sâu rộng tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí.

Để kịp thời cập nhật những xu thế mới trong cách làm báo, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh vừa ký Quyết định số 50/QĐ-HĐGBCQG ngày 21/6/2024 về việc Ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia (sửa đổi). Theo đó, bổ sung thêm Giải Sản phẩm báo chí đa phương tiện và Dự án báo chí truyền thông sáng tạo. Trong đó, sản phẩm báo chí đa phương tiện gồm những tác phẩm, sản phẩm báo chí sử dụng dữ liệu đa phương tiện và áp dụng quy trình sản xuất, kỹ thuật, công nghệ truyền thông số trong quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, có định dạng độc lập như: Infographic, Video clips, Podcast, gói tin tức đa phương tiện, sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí tương tác…

Hội nghị được tổ chức với mục đích tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện và chia sẻ kinh nghiệm áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí trong quá trình triển khai Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao cũng như những nội dung cần thiết để đẩy mạnh tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Bắc. Đây còn là diễn đàn để lãnh đạo các cơ quan báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh trao đổi, đề xuất các giải pháp chuyển đổi số báo chí, phát triển đa dạng sản phẩm báo chí số đáp ứng nhu cầu thông tin trong tình hình mới, đồng thời, bàn giải pháp để có những tác phẩm báo chí chất lượng cao đáp ứng điều lệ Giải Báo chí quốc gia…

Các cơ quan báo chí “chuyển mình” để hội nhập

Tại hội nghị, PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là hoạt động mới và cũng khá khó trong tổ chức thực hiện. Trong bối cảnh chuyển đổi số, hiện nay, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số; 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng AI.

Tuy nhiên, hiện, báo chí cũng chịu 4 tác động lớn của chuyển đối số toàn cầu, đó là nguy cơ bị tấn công mạng với quy mô lớn; Ảnh hưởng đến thông tin từ mạng xã hội, tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng; Xu hướng cá nhân hóa trong tiếp nhận thông tin cũng ngày càng cao; Sự thay đổi vai trò, vị thế của công chúng, đang từ thế bị động chuyển sang chủ động…

Ông Lợi cho rằng, trước sự cạnh tranh gay gắt, đòi hỏi báo chí phải có sự thay đổi về công nghệ, tổ chức bộ máy.

PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị

PGS. TS. Nguyễn Thành Lợi - Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị

Ông Lợi chia sẻ, tháng 11/2023, Báo Kinh tế và Đô thị chính thức nâng cấp hệ thống quản trị nội dung, tiến thẳng lên hiện đại; Tháng 11/2024, báo chỉ có 1 hệ thống CMS, báo đã xuất bản cả báo in, báo điện tử và các chuyên trang điện tử với hệ sinh thái 9 sản phẩm báo chí. Xuất bản đa nền tảng và sử dụng trợ lý AI.

Để đổi mới cả về nội dung và hình thức, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi nêu rõ, mục tiêu mà Báo đưa ra là: “Nội dung là Vua, công nghệ là Nữ hoàng”. Để làm sao có được các nội dung hay, cạnh tranh được với các cơ quan báo chí, kể cả mạng xã hội là điều không dễ.

Nhằm khắc phục những khó khăn hiện hữu, báo Kinh tế và Đô thị đã chú trọng vào phát triển bạn đọc - nâng cao thương hiệu - thu hút quảng cáo số; Thuê đối tác cùng phối hợp với bộ phận nội dung tổ chức đào tạo SEO; Tối ưu hệ thống kỹ thuật cho báo điện tử trên các công cụ tìm kiếm; “Hội tụ” tất cả: Xuất bản đa nền tảng - Nhiều tính năng sử dụng AI…Theo dõi tiến độ, trao đổi ý tưởng và phối hợp trong sản xuất tin bài...

Cùng với đó là đổi mới nội dung và hình thức: các tin tức chính trị, kinh tế, xã hội, báo chí tập trung vào các chủ đề chuyên sâu như văn hóa, giáo dục, môi trường, khởi nghiệp... để đáp ứng nhu cầu đa dạng của độc giả. Sử dụng đa phương tiện: Kết hợp văn bản, hình ảnh, video, infographic, podcast để tăng tính hấp dẫn và tương tác; Tăng cường các bài viết điều tra, phân tích: Đưa ra những góc nhìn sâu sắc về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị của thành phố; Tổ chức các cuộc thi, sự kiện: Tạo ra các sân chơi để độc giả tham gia, chia sẻ ý kiến, góp phần xây dựng cộng đồng.

TS. Tạ Bích Loan - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng ban VTV3 cho hay, nhiều năm qua, VTV đã sử dụng các kênh truyền tải khác nhau để mở rộng độ tiếp cận với khán giả, lan tỏa các thông thiệp trên diện rộng. Ví dụ như Tuần phim Tài liệu về Hà Nội trên VTVgo: Khắc họa sống động, toàn diện thủ đô trong 70 năm.

TS. Tạ Bích Loan - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng ban VTV3

TS. Tạ Bích Loan - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội nhà báo Đài Truyền hình Việt Nam, Trưởng ban VTV3

Đây là một mô hình phân phối nội dung mới, khác biệt so với cách thức trước đây của VTV. VTV thực hiện việc khai thác và làm sống dậy kho tài nguyên sẵn có trong hệ thống lưu trữ của VTV và của Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, tạo một sức sống mới, được chiếu rộng rãi trên nền tảng số và chiếu trực tiếp cho khán giả. Đó là một góc nhìn đa chiều về Hà Nội, về văn hóa, con người suốt chiều dài lịch sử. Hoặc Chương trình “Điểm tựa Việt Nam” – Thực hiện ngay sau khi cơn bão Yagi đi qua, đã lan tỏa thông điệp của thủ tướng trên kênh truyền thông mạng xã hội về 6 “Điểm tựa Việt Nam”. Chương trình đã nhận được 35.000 lượt like video bài phát biểu của Thủ tướng được trích từ chương trình “Điểm tựa Việt Nam”.

Ngoài ra, VTV sử dụng AI vẽ lại chân dung liệt sĩ & mẹ Việt Nam anh hùng: Xóm Chín Chủ, xã Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam từng là căn cứ địa cách mạng, người dân ở đây một lòng kiên trung nuôi giấu, che chở và bảo vệ cách mạng. Nơi đây có tới 17 liệt sĩ hy sinh, 7 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 7 thương bệnh binh trong thời kỳ kháng chiến. Chiến tranh đã qua đi, nhưng còn rất nhiều gia đình đến tận bây giờ vẫn chưa có một bức tấm ảnh thờ dành cho người thân của mình. Qua dự án, dùng AI để tái tạo ảnh của anh Nguyễn Văn Khánh, những người liệt sĩ, người Mẹ Việt Nam anh hùng đã có cơ hội trở về đoàn tụ bên mái ấm gia đình…

Hội nghị cũng được nghe những chia sẻ kinh nghiệm, góp ý của các cơ quan báo chí về chuyển đổi số, về áp dụng thành tựu của công nghệ số trong sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của báo chí hiện đại, nâng cao năng lực tuyên truyền. Từ đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nhiều ý kiến phát biểu, thảo luận tại hội nghị đều thống nhất nhận định rằng, Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao tuy với nguồn kinh phí còn hạn chế nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc động viên, khích lệ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam; giúp hội viên - nhà báo có thêm điều kiện tìm tòi, phát hiện và xây dựng các tác phẩm báo chí chất lượng cao phục vụ công chúng.

Qua đó tạo sự đoàn kết, gắn bó, thu hút hội viên tích cực tham gia các hoạt động xây dựng tổ chức Hội. Trong bối cảnh tất yếu của chuyển đối số báo chí hiện nay, Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao càng có ý nghĩa định hướng, nâng cao năng lực cho đội ngũ phóng viên, khuyến khích phóng viên trải nghiệm đa dạng các sản phẩm báo chí với công nghệ hiện đại, phức tạp trên môi trường số.

Chung Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-doi-so-van-de-song-con-cua-bao-chi-post1137289.vov