Chuyển đổi, tăng tốc, bứt phá: Doanh nghiệp vững bền – Quốc gia thịnh vượng
Ngày 1/12, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) đã tổ chức phiên toàn thể Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2022 với chủ đề 'Chuyển đổi, tăng tốc, bứt phá: Doanh nghiệp vững bền – Quốc gia thịnh vượng'.
Tham dự trực tiếp tại Diễn đàn còn có hơn 300 đại biểu từ các cơ quan Bộ, ban, ngành TW, các đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức trong nước và quốc tế, các cơ quan truyền thông cùng hàng nghìn lượt theo dõi trên các nền tảng trực tuyến của VBCSD-VCCI.
Năm 2022 được kỳ vọng là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, hồi phục, tích lũy và tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bức tranh kinh tế Việt Nam trong năm qua đã có nhiều gam màu sáng, đặc biệt là sức bật sản xuất, kinh doanh của cả doanh nghiệp trong nước và FDI.
Tuy nhiên, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong thời gian tới đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, do những tác động không nhỏ từ thế giới, đặc biệt các vấn đề kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỉ giá, tăng lãi suất, các vấn đề về an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu… sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế các nước đang phát triển.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu. Những doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi và vận hành theo phương châm sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với môi trường đang chứng tỏ là những doanh nghiệp có khả năng thích ứng và chống chịu cao, bền vững đối với các biến đổi tiêu cực từ bên ngoài.
Khảo sát của VCCI thực hiện với trên 10.000 doanh nghiệp trong cả nước cho thấy, 56% doanh nghiệp nhận thấy cơ hội từ biến đổi khí hậu, trong đó, khoảng 30% nhận định đã đến lúc tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất, 17% cho rằng đây là cơ hội để tạo ra sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới, đồng thời, phát triển thêm thị trường cho sản phẩm đang có.
Cũng theo ông Phạm Tấn Công, các giá trị của phát triển doanh nghiệp bền vững cần phải được định hình và xây dựng dựa trên một hệ giá trị cốt lõi của doanh nhân, doanh nghiệp. Đó chính là đạo đức doanh nhân, văn hóa kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, về bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường đang được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển.
Trong đó, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Nguyễn Tuấn Quang, Cục phó Cục Biến đổi khí hậu cho biết để đạt các mục tiêu theo lộ trình về phát thải ròng bằng “0” và thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam phải đối diện với ba thách thức lớn, đó là: nhu cầu tài chính cho việc thực hiện các mục tiêu là rất hơn, đến năm 2050 Việt Nam cần trên 380 tỷ USD trong khi nguồn lực hạn chế; trình độ kỹ thuật và năng lực công nghệ của Việt Nam, đặc biệt là công nghệ năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn hạn chế; cần xem xét, cân nhắc vấn đề quản trị, quản lý và đảm bảo công ăn việc làm và ổn định xã hội khi thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.
Ông Quang cũng nhấn mạnh doanh nghiệp biết tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu sẽ tiếp nhận được các mô hình kinh tế, tài chính mới; có cơ hội tham gia thị trường carbon, cũng như tạo ra sự đổi mới về công nghệ, phát triển sản xuất, kinh doanh từ các nguồn năng lượng tái tạo để tăng tính cạnh tranh, tạo ra lợi nhuận bền vững.
Bên cạnh các chia sẻ từ đại diện Bộ, ngành, đối tác phát triển quốc tế, Diễn đàn VCSF cũng mang đến tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp thông qua bài trình bày về "Thúc đẩy kinh doanh bền vững hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia”.
Bà Hà Thị Thu Thanh, Phó Chủ tịch VBCSD, Chủ tịch HĐTV công ty Deloitte Việt Nam cho biết xu hướng thực hành ESG đang ngày càng nhận được sự quan tâm nhiều hơn của cộng đồng doanh nghiệp, bởi ESG giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp từ việc giúp doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội “đại dương xanh”, giảm thiểu chi phí và rủi ro, cũng như nâng cao hình ảnh doanh nghiệp.
Cũng theo bà Thanh, từ khi thành lập vào năm 2010, VBCSD đã nỗ lực bền bỉ để thúc đẩy kinh doanh bền vững tại Việt Nam. Trong thời gian tới đây, VBCSD sẽ tập trung vào việc xây dựng năng lực triển khai ESG cho khu vực tư nhân, áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững vào quản trị doanh nghiệp, cũng như phát triển mạng lưới đối tác nhằm lan tỏa và củng cố các thực hành kinh doanh bền vững, chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn.
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh sự phát triển của doanh nghiệp cũng chính là sự phồn vinh của quốc gia. Ở cấp độ quốc gia, địa phương, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật, nâng cao năng lực quản trị quốc gia, địa phương, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy hợp tác công tư, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi và nguồn lực cho phát triển bền vững.
Ở cấp độ doanh nghiệp, đó là sự đổi mới tư duy, đảm bảo sự liêm chính trong kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, gia tăng giá trị doanh nghiệp thông qua thực hành quản trị kinh doanh bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thực hiện tốt Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững do VCCI xây dựng.
Diễn đàn VCSF 2022 đã mang đến cho các đại biểu nhiều thông tin cập nhật, hữu ích từ đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường về “Xây dựng nền kinh tế trung hòa các-bon và thích ứng với biến đổi khí hậu - Định hướng đến năm 2050 của Việt Nam”, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư về “Triển khai tăng trưởng xanh trong bối cảnh trong nước và quốc tế mới hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, đại diện Ngân hàng Thế giới về “Phát triển Thương mại xanh tại Việt Nam”.