Chuyện đổi thay ở Lũng Vài
Lũng Vài là thôn xa và nằm biệt lập của xã Côn Lôn, huyện Na Hang, được bao bọc bởi những dãy núi trùng điệp phủ kín bằng màu xanh ngắt của những cánh rừng đặc dụng. Bất kỳ ai đến Lũng Vài cũng có cảm giác hoang hoải rất khó tả, giữa những cái tưởng chừng 'khó' lại đang có những hạt giống mới đang nẩy mầm, khiến 'bãi chăn thả trâu' (nghĩa tên Lũng Vài) ngày nào từng bước đổi thay.
Có một A Lầu như thế
Chuyến công tác đầu năm ở vùng cao thật nhiều cảm xúc trong cái lạnh thấu da, trời âm u mây mù giăng kín lối đi. Con đường bê tông vào thôn Lũng Vài phẳng lỳ, thẳng tít, cách tuyến đường liên xã đi Sinh Long chừng 1 cây số. Người dân nơi đây kể, Lũng Vài hôm nay khá hơn xưa rất nhiều.
Căn nhà của Bí thư Chi bộ Sùng A Lầu nằm ở giữa thôn, ấn tượng đầu tiên là hình ảnh cán bộ thôn đang làm việc nhoay nhoáy bên chiếc laptop mới cáu cạnh. Dù cập kê tuổi tứ tuần nhưng A Lầu trông trẻ lắm, anh nhẹ nhàng mời nước và giới thiệu những câu chuyện đổi mới về quê hương Lũng Vài.
A Lầu tự nhận là người “ngoại lai” bởi quê hương anh ở Thuận Châu, Sơn La, theo vợ về đây lập nghiệp từ năm 2006 sau khi đã tốt nghiệp 2 trường Trung cấp về ngành Nông nghiệp và Cơ khí. Vốn sinh ra ở vùng núi cao Tây Bắc, đầy sự gian nan có lẽ vậy nên đã tôi luyện cho anh một ý chí sắt đá, không cam chịu trước thử thách của thiên nhiên.
A Lầu bảo, Lũng Vài ngày xưa nghèo lắm, địa hình đất đai bằng phẳng nhưng quanh năm thiếu nước. Là thôn ghép, hợp lại theo chính sách hạ sơn nên người dân có lẽ không quen canh tác nhiều vụ, bao năm Lũng Vài chỉ canh tác 1 vụ lúa, hoặc 1 vụ ngô. Toàn thôn có 78 hộ dân thì có tới 52 hộ là người Mông còn lại là người Dao và người Tày. Anh nhớ lại, ngày mới về quê vợ, vốn có kiến thức về nông nghiệp, anh đi đầu trong cải tạo đất, lên rừng chặt tre kéo nước từ nguồn trên núi về canh tác. Năm 2007, A Lầu làm thử 250 m2 đất lúa, cách làm sáng tạo, anh thu được 5 bao thóc, đó cũng là năm cả gia đình anh không bị đói lúc giáp hạt.
Sẵn khí thế xông lên, năm 2008, A Lầu làm lớn, anh trồng lúa với gần 3.000 m2, năm đó, gia đình anh thắng lớn. Người dân Lũng Vài thấy chàng rể Tây Bắc làm được điều bao năm họ chưa nghĩ tới, cũng từ đó, diện tích đất trồng lúa tại thôn được nâng lên từ 8 ha năm 2008 lên tận 15 ha vào năm 2013. Cây lúa 2 vụ dần được triển khai, người dân Lũng Vài cũng không còn bị đói như trước.
Năm 2009, cả vợ chồng A Lầu được kết nạp Đảng, anh còn được tuyển dụng làm cán bộ khuyến nông bán chuyên trách tại xã Sinh Long. Thời gian làm cán bộ khuyến nông, được tiếp cận nhiều chính sách mới về cây, con giống đã bồi đắp thêm cho A Lầu nhiều kiến thức mới. Trăn trở với cái nghèo của người dân, cuối năm 2011, anh xin nghỉ và quyết tâm đưa người dân trong thôn “bứt tốc” làm giàu. Người dân họ quý anh lắm, họ đồng lòng bầu anh làm Trưởng thôn rồi Bí thư Chi bộ vào năm 2013 đến tận hôm nay.
Lũng Vài tuy nằm ở thung lũng, nhưng chỉ có 15 ha đất có thể trồng lúa, còn lại đất cằn dành cho trồng ngô 1 vụ. Tình cờ năm 2014, Bí thư Lầu được tham quan mô hình khảo nghiệm giống ngô lai NK 4300, anh mạnh dạn đứng ra xin làm thử nghiệm, để người dân tin, anh cùng 2 người trong thôn đứng ra thành lập “Tổ hợp tác trồng ngô” với 3 thành viên, trồng trên diện tích gần 10 ha. Năm đó, cây ngô lai đạt năng suất 4 tấn/ha, gấp 3 lần ngô bản địa. Từ năm 2015, cây ngô phủ xanh diện tích đất hoang, vấn đề lương thực của Lũng Vài cũng giải quyết dứt điểm. A Lầu tự hào, anh còn sáng tạo cách bảo quản ngô lai bằng tách hạt, cho túi bóng buộc kín, bảo quản gấp đôi thời gian so với bình thường và chống được mối mọt.
Tận dụng đất, năm 2018 A Lầu còn đi đầu trong nuôi lợn đen, anh kể, có lúc anh có trong tay gần 50 con lợn đen, nhớ mãi năm 2019, từ đàn lợn, anh có thu nhập 150 triệu đồng. Căn nhà vách nứa ngày nào đã được thay thế bằng căn nhà khang trang hiện tại. Rồi những câu chuyện vận động người dân chăn nuôi đại gia súc, xóa bỏ hủ tục lạc hậu về tảo hôn, vận động Nhân dân tham gia giữ gìn những nét văn hóa truyền thống được anh say sưa kể như những câu chuyện cổ tích giữa đời thực.
Đổi thay
Nằm cách nhà A Lầu chừng gần 1 cây số, 9X Ngô Văn Thành đang khệ nệ ôm từng bó ngô để vỗ béo cho đàn bò. Nhìn cơ ngơi của chàng trai sinh năm 1997, không ai nghĩ, chỉ cách đây chừng 4 năm, Thành là gia đình nghèo nhất thôn Lũng Vài. Anh kể, gia đình có 6 nhân khẩu, bố mẹ già mất khả năng lao động, bố anh lại ốm đau liên miên, 2 vợ chồng vô cùng chật vật để lo chữa bệnh cho bố, và duy trì cuộc sống. Năm 2018, sau khi bố anh qua đời, anh Thành mạnh dạn vay vốn tổ tiết kiệm của thôn số tiền 30 triệu đồng để chăn nuôi bò. Anh kể, cá nhân anh được Bí thư Lầu luôn đồng hành từ những ngày đầu khởi nghiệp, từ chọn con giống, kỹ thuật chăn nuôi, đến công tác phòng bệnh. Có lẽ trời thương, từ 5 con bò ban đầu, và lối tư duy nhạy bén của người trẻ trong buôn bán, đến năm 2023 đàn bò của anh Thành có trên 30 con, từ hộ nghèo nhất của thôn, anh từng bước vươn lên hộ cận nghèo, số tiền nợ ngân hàng qua tổ tiết kiệm cũng được hoàn trả đúng kỳ hạn. Giữa năm 2024, anh Thành mới hoàn thành căn nhà ở giữa thôn với số tiền trên 150 triệu đồng. Dự kiến năm nay, anh Thành sẽ cải tạo thêm đất, trồng thêm cỏ, làm chuồng trại nuôi bò vỗ béo để gia tăng thu nhập cho gia đình.
Nằm ở đầu thôn, căn nhà mới xây dựng trị giá gần 600 triệu đồng của gia đình anh Ngô Văn Sinh khiến nhiều người ngưỡng mộ. Đôi vợ chồng trẻ sau 4 năm lao động dưới Khu công nghiệp ở Bắc Ninh đã tích góp được số vốn kha khá và quyết tâm về lập nghiệp tại quê hương. Tuy vậy, anh Sinh phấn khởi bật mí, để ổn định cuộc sống lâu dài, anh đang làm đơn xin đi lao động ngắn hạn ở Hàn Quốc trong năm nay, nếu được chấp thuận, sau khi trở về anh sẽ tập trung vào chăn nuôi và cải tạo đất trồng cây ăn quả. Anh bảo, đó là câu chuyện dài và để hoàn thành vẫn phải từng bước cố gắng.
Trên đường đi, Bí thư Lầu còn đưa vài địa điểm để đốc thúc công nhân hoàn thành những hạng mục xây dựng theo đúng thiết kế. Anh bảo, năm nay Lũng Vài nhiều cái mới, thôn xóa được 2 nhà tạm cho 2 hộ dân trong thôn, toàn thôn có 78 hộ dân thì chỉ còn 4 hộ nghèo, nhiều mô hình cây rau vụ đông, mô hình nuôi bò nhốt vỗ béo đang dần được người dân áp dụng. Thu nhập bình quân đầu người hiện đang đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm.
Lũng Vài thiệt thòi hơn nhiều địa phương là không có đất rừng, đất đai bằng phẳng nhưng nghèo dinh dưỡng, thiếu nước thường xuyên, diện tích đất có thể trồng cây ăn quả chỉ tập trung vào vài hộ ở đầu thôn. Để nâng cao thu nhập, toàn thôn hiện có 50 lao động trẻ đã tự thoát ly đi làm tại các khu công nghiệp, có 5/7 lao động xuất khẩu của xã Côn Lôn là người dân ở Lũng Vài.
Trước khi chia tay, Bí thư Sùng A Lầu lấy cây sáo Mông gia truyền thổi tặng phóng viên bài “Xuân về trên bản Mông”, tiếng sáo du dương, tha thiết, rộn rã, bừng sáng như chính quê hương Lũng Vài hôm nay.
Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/chuyen-doi-thay-o-lung-vai-205127.html