Phố ông đồ TP HCM ngập tràn sắc xuân, nhiều bạn trẻ hào hứng 'check-in'
Không gian phố ông đồ 2025 được trang trí rực rỡ, bắt mắt, đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, thu hút người dân đến vui Xuân, chụp ảnh cùng bạn bè và người thân.
Phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM (quận 1, TP HCM) đã chính thức đón khách đến tham quan. Không gian lễ hội được trang trí rực rỡ, bắt mắt, đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, thu hút người dân đến vui Xuân, chụp ảnh cùng bạn bè và người thân.
Điểm nhấn đặc biệt tại phố ông đồ năm nay là “ngôi nhà ngày xuân” được xây dựng mô phỏng hình ảnh ngôi nhà sàn ở An Giang gắn với gian bếp, sân vườn đầy hoa cỏ mùa xuân mang đến những ngày Tết yên bình.
Diện bộ áo dài nhẹ nhàng, bạn Thảo My (ngụ quận 3, TP HCM) không khó để tìm được một góc đẹp trên đường đầy hoa mai để chụp hình kỷ niệm. "Mình thấy bối cảnh năm nay được trang trí kỳ công và đẹp, người đông đúc hơn. Mình tranh thủ đi từ sớm trong ngày đầu tiên để có nhiều bức ảnh đẹp", Thảo My chia sẻ.
Trong khi đó, chị Lê Thị Phương Anh (ngụ quận Bình Thạnh) cho biết, mỗi năm chị đều đến phố ông đồ để chụp ảnh. “Năm nay tôi tranh thủ đến sớm hơn mọi năm và cũng đã chuẩn bị áo dài để lựa chọn cho mình nhiều góc chụp ưng ý”, chị Phương Anh nói.
Tình cờ đi chụp hình Tết ngang khu vực này, chị Bảo Nhi (ngụ quận 7) cho biết, chị bị thu hút bởi không gian Tết ở phố ông đồ nên đã ghé lại chụp ảnh. “Đây là lần đầu tiên tôi đến phố ông đồ, thật sự ở đây có rất nhiều góc đẹp, chắc chắn tôi sẽ rủ thêm bạn bè để quay lại đây chụp ảnh”, chị Uyên hào hứng chia sẻ.
Nhằm lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống, lễ hội năm nay còn tái hiện vẻ đẹp độc đáo của làng gốm Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương), làng chiếu Định Yên (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), làng nghề đan lát Mỹ An (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), gian bếp và mái ngói đỏ Nam Bộ.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM, cho biết lễ hội luôn trung thành với việc tôn vinh nghệ thuật, các giá trị làng nghề truyền thống. Không gian hoa mai kết hợp nghệ thuật tre làm từ hơn 5.000 cây tre phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch.
“Du khách sẽ được thưởng thức các chương trình nghệ thuật từ diễn xướng dân gian Nam Bộ, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, đến biểu diễn Lân sư Rồng, thời trang truyền thống và các ban nhạc trẻ. Đây cũng là cơ hội để giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam được UNESCO công nhận.
Phố ông đồ sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày đến ngày 2/2 (nhằm ngày mùng 5 Tết) tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP HCM.