Chuyện đời thường của đồng tác giả trận đánh BUÔN MA THUỘT

Tháng 4 về, tôi lại nhớ vị thủ trưởng cũ - Thượng tướng Hoàng Minh Thảo - nguyên Tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên.

Ông là đồng tác giả trận đánh mở màn Buôn Ma Thuột.

Trong lịch sử quân sự Việt Nam thời chống Mỹ, trận Buôn Ma Thuột được xem là điển hình của nghệ thuật "đột phá chiến thuật", tạo đột biến chiến dịch, phá vỡ thế chiến lược của địch ở mặt trận Tây Nguyên. Thắng lợi của chiến dịch này có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

GẦN GŨI, TRÌU MẾN

Những năm tháng thập niên 90 của thế kỷ XX, đất nước còn thực hiện chế độ bao cấp rồi mới dần chuyển sang cơ chế thị trường, đời sống mọi người còn gặp rất nhiều khó khăn, ai nấy đều phải chi tiêu tiết kiệm. Cuộc sống của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo và gia đình cũng giản dị, đơn sơ lắm. Với tôi, sĩ quan trẻ, tận mắt thấy công việc ông làm, những điều ông sẻ chia, chỉ bảo là sự may mắn, nhân duyên cho tôi trưởng thành.

Trước mỗi chuyến công tác xa, nhất là qua miền Trung - cung đường nhiều đèo, núi, có những đoạn đường xấu, xuống cấp, đang phải sửa chữa khó đi, ông thường nhắc tôi chuẩn bị chút tiền lẻ, mệnh giá một vài ngàn; chuẩn bị vài bao thuốc lá (lúc ấy nhiều người thích thuốc lá Thăng Long nên được gọi vui là "Thăng Long đệ nhất kiếm"), ít bánh kẹo...

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Ảnh: TƯ LIỆU

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Ảnh: TƯ LIỆU

Xe chạy vào phía Nam hay trở ra Bắc, mỗi khi qua đoạn đường đang sửa phải đi chậm, ông bảo lái xe chọn chỗ nào có đông công nhân sửa đường nhất thì dừng lại. Những người làm đường mặt mũi đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại, người đội mũ, người đội nón lá, mặt trùm kín tấm khăn dày nhúng nước để chống chọi với nắng gắt chói chang. Từ trên chiếc xe mang biển số quân đội, một vị tướng bước xuống, vẫy tay chào hỏi mọi người thật tươi.

Ngay sau đó, những công nhân làm đường đã đứng quanh vị tướng quân đội có khuôn mặt hiền từ và đôi lông mày đen rậm, quắc thước. Ông nhắc tôi chia kẹo bánh cho mọi người, chia thuốc lá cho cánh đàn ông. Mọi người cùng uống nước chè tươi, nước vối, ăn bánh kẹo, hút thuốc lá, chuyện trò thật vui vẻ, rôm rả… Chút trà mạn Thái Nguyên mà chúng tôi pha sẵn trong chiếc bi-đông quân đội được rót ra nắp bình cho mấy người hút thuốc lá thưởng thức. Dù chỉ là ngụm trà nhỏ, uống xong, ai nấy đều chép miệng khen ngon! Thấy vị tướng oai phong mà cử chỉ gần gũi, trìu mến, ai ai cũng cảm thấy xúc động, vây quanh, nhìn ông bằng ánh mắt kính trọng và thoáng chút ngạc nhiên.

Không ít lần, xe chạy đến chân đèo, dù lên hay xuống, từ xa chúng tôi đã nhìn thấy mấy cụ già, các cháu nhỏ tay cầm nón lá, mũ lật ngửa, đội nắng, cúi lạy xin quà của người trên những chuyến xe qua. Ông nhắc lái xe chạy chậm đến gần họ thì dừng lại, tấp vào lề đường, rồi giục tôi cho mỗi người chút tiền, có ưu tiên người già. Đôi khi, ông còn xuống xe chia sẻ, dặn dò, khuyên nhủ họ không nên ra đường để xin giúp đỡ kiểu này; phải cẩn thận kẻo ốm vì mưa nắng, chớ chạy theo hoặc chặn đầu khi xe đang xuống dốc. Nhìn cảnh có người ngồi trên xe thả tiền qua cửa xe, tiền bay theo gió, già trẻ đuổi theo chen nhau nhặt thật tội và nguy hiểm. Thấy vậy, ông căn dặn chúng tôi, cách cho rất quan trọng - không khéo lại mắc tội với họ vì mình đi rồi họ cãi nhau, đánh nhau chỉ vì mấy đồng tiền nhỏ, không những thế còn gây tai nạn cho người già, trẻ nhỏ.

Những lần đến công tác tại các đơn vị không xa TP Hà Nội, ông thường dặn chúng tôi tính toán thời gian hợp lý để hạn chế việc đơn vị mình đến công tác phải tiếp đón đoàn mất thời gian chỉ vì bữa cơm. Thế là, thầy trò tôi luôn chuẩn bị cơm nắm gói mo cau, kèm chút muối vừng lạc, sang hơn thì thêm chút sườn băm, thịt lợn rang mắm gói trong lá chuối… Khi gần đến đơn vị công tác, chọn chỗ vắng vẻ, yên tĩnh, nhiều bóng cây mát mẻ, cả đoàn rải báo, ni-lông, dọn đồ ăn thức uống thưởng thức bữa cơm đạm bạc không khác gì cách ăn uống của người lính hành quân ra trận. Không ít lần, đơn vị mà chúng tôi đến làm việc cứ băn khoăn tại sao thủ trưởng không đến sớm hơn, ăn bữa trưa rồi nghỉ ngơi thoải mái để tăng thêm sức khỏe cho buổi làm việc chiều. Nghe thế, ông chỉ cười xòa, giải thích rất thật, nghĩ sao nói vậy.

NẶNG NGHĨA TÌNH ĐỒNG ĐỘi

Sau mỗi chuyến công tác trở về, đơn vị thường cho quà, dù cho quà riêng hay chung, nhiều hay ít nhưng nguyên tắc bất di bất dịch ông nhắc tôi là phải chia đều cho anh em trong đoàn. Chỉ là cân lạc, thùng nước mắm, cân đường, hộp sữa, gói kẹo… đặc sản vùng miền nhưng đấy là cả tấm lòng trân quý. Ông cho rằng ai cũng góp phần cho chuyến công tác thành công nên đều được hưởng.

Hầu hết các chuyến công tác, ông nói đơn vị bố trí thêm giường để tôi ngủ cùng phòng với ông nhằm tiện chăm sóc và giúp công việc chuyên môn, tiếp khách. Ở phòng tiếp khách, đơn vị luôn chuẩn bị trà, thuốc lá để ông dùng và tiếp khách. Câu chuyện làm tôi nhớ mãi đó là chuyến công tác đến một địa phương ở miền Bắc là H.P, khi kết thúc chuyến công tác, mọi người đã ra xe chờ ông nhưng ông cứ đăm chiêu, chau mày đi lại trước phòng khách rồi gọi tôi vào, bảo: "Chú xem lại, bao thuốc lá đơn vị để cho tôi tiếp khách hình như không mấy người dùng? Tôi và chú đều mang thuốc lá của riêng mình. Chú xem ai cầm bao thuốc ấy thì trả lại, mình không nên làm thế. Xong rồi thì ta mới về".

Bộ Chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên họp bàn kế hoạch tác chiến. Đồng chí Hoàng Minh Thảo - ngoài cùng bên phải. Ảnh: TƯ LIỆU

Bộ Chỉ huy chiến dịch Bắc Tây Nguyên họp bàn kế hoạch tác chiến. Đồng chí Hoàng Minh Thảo - ngoài cùng bên phải. Ảnh: TƯ LIỆU

Tôi kiểm tra lại quả nhiên không thấy bao thuốc lá. Hỏi một lượt, ai cũng bảo không cầm. Quá căng thẳng! Tôi truyền đạt ý kiến của thủ trưởng, bảo nếu không tìm thấy bao thuốc lá thì đoàn chưa về. Mọi người đừng ngại vì thủ trưởng không mắng đâu. May quá, ít phút sau, một người trong đoàn mang bao thuốc lá gần như còn nguyên đến và thanh minh với thủ trưởng rằng mình không biết hút thuốc nhưng thấy bao thuốc ngon lại gần như còn nguyên nên xin mang về làm quà cho anh em trong phòng. Hú vía! Nghe xong, nét mặt ông dịu hẳn, đôi lông mày giãn ra, khuôn mặt hiền từ cùng lời nhắc nhở nhẹ nhàng: "Trả bao thuốc lá về chỗ cũ. Xe nổ máy trở về!".

Mỗi kỳ phát quân trang, ông nhắc tôi giữ lại mấy bộ để ở tủ nơi làm việc. Tiền nhuận bút từ viết báo, viết sách, tham luận khoa học, công trình khoa học hay giảng dạy…, ông luôn để ra một khoản riêng. Mỗi khi thấy cán bộ, đồng đội mình gặp khó khăn, thiếu thốn, ốm đau, bệnh tật là ông lấy nguồn tiền ấy chia sẻ, động viên họ - khi thì chiếc áo, chiếc quần mới, khi thì chút tiền nhỏ… Những việc làm nặng tình nghĩa đồng đội, tình người ấy đôi khi ông giao tôi hoặc bảo tôi đi cùng.

Trải qua những năm giúp việc cho ông, tôi càng thấu cảm với nhận xét: Tướng Hoàng Minh Thảo là một trong những vị tướng hội đủ 3 phẩm chất: Nhân tướng, trí tướng và dũng tướng. Những câu chuyện nhỏ mà tôi nhớ và kể lại như phần nào khắc họa phẩm chất nhân tướng của ông.

Một đời cống hiến

Thượng tướng Hoàng Minh Thảo (tên khai sinh là Tạ Thái An), sinh ngày 25-10-1921, quê ở thôn Cao, xã Bảo Khê, huyện Kim Động (nay thuộc TP Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo được phân công giữ chức Tư lệnh Chiến khu 3, Phó Tư lệnh Liên khu 3, Tư lệnh Liên khu 4, Tư lệnh Sư đoàn 304... Sau khi đất nước thống nhất, non sông về một mối, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo lần lượt giữ các chức vụ: Viện trưởng Học viện Lục quân Đà Lạt, Viện trưởng Học viện Quân sự cấp cao (nay là Học viện Quốc phòng), Viện trưởng Viện Chiến lược Quân sự - Bộ Quốc phòng.

Ông được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình về nghệ thuật quân sự Việt Nam (năm 2005); Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (2023); tên ông được đặt cho một con đường thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội (2022). Ông từ trần vào ngày 8-9-2008, hưởng thọ 87 tuổi.

VĂN HÙNG - nguyên Thư ký Thượng tướng Hoàng Minh Thảo

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-doi-thuong-cua-dong-tac-gia-tran-danh-buon-ma-thuot-196250428210828583.htm