Chuyển đổi tư duy nghề nghiệp cho học sinh miền núi
Thời điểm này, học sinh cuối cấp đang đứng trước thử thách khó khăn nhất là lựa chọn ngành nghề, quyết định tương lai.
Không chỉ nhà trường, gia đình đồng hành giúp các em xác định hướng đi. Hiện nay, nhiều tổ chức, đơn vị liên quan cũng tổ chức đa dạng các hoạt động, giúp học sinh nhìn nhận đúng bản thân để có lựa chọn phù hợp.
“Gỡ vướng” tâm lý
Hơn 1 tháng vừa qua, Trung tâm Giới thiệu việc làm Điện Biên đã tổ chức 23 buổi nói chuyện chuyên đề, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT trên địa bàn 9/10 huyện, thị trong toàn tỉnh.
Sôi nổi, ấn tượng là hình ảnh được ghi nhận từ các buổi trò chuyện này. Tại Trường THCS và THPT Quài Tở (huyện Tuần Giáo), sau vài phút chào hỏi, làm quen hết sức cởi mở, nhiều học sinh đã bày tỏ nguyện vọng, dự định của bản thân. Đồng thời, không ngần ngại chia sẻ những băn khoăn, lo lắng khi sắp phải đưa ra quyết định cho tương lai.
Học sinh Cà Thị Thu Nhàn, lớp 12C3 tâm sự: Em đang có 2 định hướng là tiếp tục học chuyên nghiệp hoặc đi lao động nước ngoài. Nhàn băn khoăn, lực học em trung bình, kinh tế gia đình lại khó khăn nên em chưa biết lựa chọn sao cho phù hợp. Sau khi chia sẻ những suy nghĩ này, Nhàn đã được các thầy cô tư vấn, định hướng để có lựa chọn phù hợp.
“Thầy cô chỉ ra rằng, hiện nay không nhất thiết vào đại học mới có tương lai. Việc đi xuất khẩu lao động phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng, lực học và điều kiện gia đình nên em sẽ lựa chọn theo hướng này. Để em thêm tự tin, thầy cô cũng giới thiệu một số thị trường lao động mà em thấy khá phù hợp”, Nhàn chia sẻ.
Chia sẻ với những tâm tư của học sinh, trọng tâm các buổi trò chuyện, tư vấn, định hướng nghề nghiệp thường tập trung phân tích sâu về “điểm rơi” của nghề. Qua đó, giúp các em không chạy theo xu hướng mà nghiêm túc tìm hiểu, xác định ngành nghề phù hợp. Đồng thời có chiến lược chọn nghề đáp ứng nhu cầu xã hội, thị trường lao động trong tương lai.
Với em Lò Thị Hồng, lớp 12C1, ngay từ đầu đã xác định nguyện vọng tiếp tục học đại học, ngành sư phạm. Theo Hồng cho biết, sau khi tham gia các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp, em không thay đổi quyết định. Tuy nhiên, bằng những phân tích thực tế, em có thêm tự tin và quyết tâm với lựa chọn của mình.
“Em ước mơ làm cô giáo nên chọn học sư phạm. Tuy nhiên, trước đó thì vẫn băn khoăn lo lắng nhiều về tương lai. Em sợ sau khi ra trường sẽ khó tìm kiếm việc làm. Khi được thầy cô tư vấn, động viên, em thấy vững tin hơn. Theo dự báo thì trong vài năm tới, giáo viên Tiếng Anh vẫn còn thiếu rất nhiều nên em sẽ theo học chuyên ngành này”, Hồng cho hay.
Ông Nguyễn Quốc Toàn, Trưởng phòng Giới thiệu việc làm và Cung ứng thị trường lao động, Trung tâm Giới thiệu việc làm Điện Biên, cho biết: Học sinh các trường rất mạnh dạn, tích cực tương tác, đặt ra nhiều câu hỏi. Khi quyết định ngành nghề, các em thường băn khoăn nhiều về những áp lực từ gia đình, tài chính, mong muốn của bản thân khác với dòng họ, bạn bè... Nhiều em thì dự kiến theo 1 ngành chỉ vì thấy nó đang “hot”.
“Chúng tôi trao đổi để các em thấy được cơ hội, khả năng phát triển hay nguy cơ “bão hòa”, thừa lao động ngành nghề này trong tương lai. Qua đó, giúp học sinh có cái nhìn đa chiều hơn, định hình được ngành nghề, trường chuyên nghiệp. Song song với định hướng chọn ngành, chọn trường là chia sẻ tư vấn việc làm, học nghề sau tốt nghiệp phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, năng lực”, ông Toàn nói.
Trải nghiệm thực tế
Tham gia các buổi trò chuyện cùng với Trung tâm Giới thiệu việc làm Điện Biên còn có đại diện các trường chuyên nghiệp trên địa bàn (Trường Cao đẳng Nghề và Cao đẳng Y tế). Các đơn vị đều chú trọng giúp học sinh cuối cấp nhận thức và đánh giá được năng lực, sở trường. Đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin và thị trường lao động. Từ đó, các em có thể tự cân đối giữa thế mạnh bản thân và nhu cầu của thị trường lao động việc làm trong tương lai để đưa ra lựa chọn phù hợp.
Xác định đối tượng học sinh và điều kiện thực tế, 23 buổi trò chuyện do Trung tâm tổ chức chủ yếu diễn ra tại các địa bàn vùng khó. Cụ thể như: huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Mường Chà, Mường Nhé...
“Trung tâm tập trung hướng đến các trường huyện ngoài, đặc biệt là các khu vực còn nhiều khó khăn. Bởi ở những địa bàn này, các em có phần hạn chế hơn trong tiếp cận các nguồn thông tin để tìm hiểu, lựa chọn ngành nghề. Hơn nữa cũng bị tác động bởi nhiều yếu tố, nhất là về tài chính khi đưa ra quyết định”, ông Toàn cho biết thêm.
Mới đây, hàng loạt hoạt động giao lưu và tham quan, trải nghiệm nghề nghiệp đã liên tiếp được các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên tổ chức. Đây được xem là một trong những giải pháp hiệu quả giúp học sinh có cái nhìn cụ thể, rõ nét hơn về nghề nghiệp.
Cuối tháng 4 vừa qua, 121 cán bộ, giáo viên, học sinh khối 9, Trường PTDTBT THCS Chung Chải (huyện Mường Nhé) đã có hành trình giao lưu, tham quan đầy ý nghĩa tại Tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên. Vượt những cung đường đèo hiểm trở, những học sinh dân tộc thiểu số ở biên giới tỏ ra đầy thích thú khi được tiếp xúc trực tiếp với điều kiện học tập mới và hệ thống máy móc thực nghiệm nghề nghiệp.
Tại đây, các em được phổ biến thông tin về tuyển sinh, đào tạo nghề, chế độ chính sách và các cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Đồng thời trực tiếp tham quan trải nghiệm tại các khoa nghề, xưởng thực hành (Khoa Điện - Điện tử, Khoa Cơ Khí, Khoa Kinh tế - Xây dựng, Khoa Công nghệ thông tin…).
Để tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giúp học sinh có hứng thú hơn, 2 đơn vị nhà trường phối hợp tổ chức các chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao dân tộc đầy sôi nổi.
Em Mùa A Dũng bộc bạch: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia hoạt động này. Rất vui và hấp dẫn. Đặc biệt, khi tham quan trực tiếp tại Khoa Cơ khí, em thấy nghề này khá phù hợp với sở trường và điều kiện gia đình. Vì thế em quyết định sau khi tốt nghiệp THCS sẽ đăng ký học nghề này luôn để sớm có thu nhập”.