Chuyển đổi vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế bền vững
Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa chủ động chuyển đổi vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, đồng thời tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, mô hình chăn nuôi dê và thỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Sáu, ở thôn Tân Trung, xã Tân Lập là một điển hình.
Trước đây, gia đình chị Sáu chủ yếu nuôi gà và ngan thả vườn. Tuy nhiên, do chăn nuôi theo phương thức truyền thống và chuồng trại đầu tư đơn giản, đầu ra sản phẩm không ổn định nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Nhận thấy địa phương có nguồn cỏ dồi dào, nhiều loại lá cây, phụ phẩm nông nghiệp phù hợp để chăn nuôi thỏ, dê, chị Sáu dành thời gian nghiên cứu các tài liệu kỹ thuật chăn nuôi dê nhốt chuồng, thỏ thịt và sinh sản trên mạng internet, học hỏi kinh nghiệm thực tế từ các mô hình chăn nuôi hiệu quả ở các vùng lân cận và quyết tâm chuyển đổi mô hình sản xuất.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi qua kênh Hội Nông dân xã cùng với số tiền tích cóp được, năm 2020, tận dụng vườn nhà rộng lớn, gia đình chị dành 500 m2 đất đầu tư khoảng 300 triệu đồng xây dựng mô hình chăn nuôi thỏ và dê bằng chuồng trại khép kín, cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát. Thời gian đầu, chị nuôi thử nghiệm 50 con dê, 50 con thỏ giống bản địa.
Trong chuồng trại, chị trang bị đầy đủ tủ thuốc thú y, hệ thống phun nước làm mát, điện sáng, máy quạt, hệ thống máng ăn, nước uống tự động, máy cán cỏ... đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như phòng dịch bệnh cho gia súc.
Nhờ chủ động được kiến thức cũng như kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, sau một thời gian, đàn dê, thỏ của gia đình chị phát triển nhanh, mỗi lứa chị chăn nuôi từ 150 - 250 con dê, trên 300 con thỏ. Chị trồng cỏ voi, tận dụng thêm các loại lá cỏ tự nhiên, lá và thân cây chuối trong vườn nhà làm thức ăn cho gia súc nên tiết kiệm đáng kể chi phí.
Hiện nay, chị đã chủ động được nguồn giống tại chỗ vừa phục vụ nhu cầu chăn nuôi của gia đình vừa cung cấp cho những hộ dân có nhu cầu trên địa bàn, đồng thời tránh nguy cơ dịch bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào khu vực chăn nuôi của gia đình.
Qua 3 năm chuyển đổi chăn nuôi, nhờ chăm sóc tốt, mô hình của gia đình chị Sáu phát triển rất thuận lợi, không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, thị trường tiêu thụ ổn định. Với mô hình này, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi năm gia đình chị Sáu thu nhập gần 200 triệu đồng. Ngoài chăn nuôi, gia đình chị Sáu còn trồng hơn 1 ha tràm, chuẩn bị thu hoạch.
“Sau khi chuyển qua nuôi dê và thỏ, tôi thấy rất phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương. Đây là những con vật dễ nuôi, sinh sản và phát triển nhanh, nguồn thức ăn phần lớn có sẵn, tận dụng được thời gian nông nhàn, đầu ra sản phẩm cũng ổn định hơn nuôi gà, ngan theo phương thức truyền thống. Do đó, thời gian tới chúng tôi sẽ xây dựng thêm chuồng trại để mở rộng chăn nuôi nhằm tăng thêm thu nhập, phát triển kinh tế bền vững”, chị Sáu chia sẻ.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập Nguyễn Trung Hiếu cho biết: “Gia đình chị Sáu là một trong những gia đình hội viên nông dân trẻ, chịu khó tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi trong việc chuyển đổi phương thức sản xuất. Với mô hình chăn nuôi dê, thỏ, gia đình chị đã phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay, áp dụng tốt kiến thức khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động hội viên trên địa bàn xã học tập, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả”.