Chuyển đổi vùng trồng mía không hiệu quả
Những niên vụ gần đây, ngành mía đường nước ta gặp nhiều khó khăn do giá đường xuống thấp, diện tích, năng suất, chất lượng mía có xu hướng giảm. Ở nhiều địa phương, vùng mía nguyên liệu đang có nguy cơ bị 'xóa sổ' do hiệu quả không cao khiến người trồng mía gặp nhiều khó khăn.
Những niên vụ gần đây, ngành mía đường nước ta gặp nhiều khó khăn do giá đường xuống thấp, diện tích, năng suất, chất lượng mía có xu hướng giảm. Ở nhiều địa phương, vùng mía nguyên liệu đang có nguy cơ bị "xóa sổ" do hiệu quả không cao khiến người trồng mía gặp nhiều khó khăn.
Thực tế sau 25 năm xây dựng và thực hiện chương trình "Một triệu tấn đường", ngành mía đường Việt Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp tạo việc làm cho hơn 350.000 hộ nông dân, chủ động được nguồn đường sản xuất trong nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, thời gian qua do phải đối mặt với những khó khăn nêu trên nhiều nhà máy đường đã phải đóng cửa, vùng nguyên liệu sụt giảm.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ mía đường 2019-2020, cả nước chỉ còn khoảng 160.000 ha trồng mía, giảm 100.000 ha so với niên vụ trước. Ðặc biệt, trong niên vụ này có tới 12 nhà máy đường phải đóng cửa, ngừng hoạt động do đường tồn kho không bán được và thiếu vốn để trang trải các chi phí sản xuất, trả lương cho người lao động. Qua thống kê, sản lượng ép niên vụ này đạt hơn bảy triệu tấn mía và sản xuất được 750.000 tấn đường. Ðây là năm có diện tích mía và sản lượng đường thấp nhất trong 19 năm gần đây.
Ngày 1-1-2020, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực. Ðây là thời cơ cũng là thách thức không nhỏ cho ngành mía đường Việt Nam bước vào hội nhập. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng ngành mía đường nước ta vẫn đang đối diện rất nhiều thách thức như tổ chức sản xuất chưa theo kịp yêu cầu của thị trường; giá thành sản xuất đường cao nên khó cạnh tranh với đường nước ngoài; các nhà máy đường chậm ứng dụng khoa học công nghệ và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng, diện tích trồng mía bị thu hẹp.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới. Theo đó, ngành mía đường cần chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế quốc tế một cách bình đẳng với tinh thần độc lập, tự cường; chấp nhận chuyển đổi một số vùng sản xuất mía không hiệu quả và cơ cấu lại các nhà máy đường thua lỗ, yếu kém; hình thành vùng nguyên liệu mía gắn với nhà máy sản xuất đường bảo đảm hoạt động hiệu quả, đủ sức cạnh tranh và phát triển bền vững; tổ chức lại sản xuất, nâng cao hiệu quả trồng mía, giảm giá thành sản xuất đường…
Để giúp ngành mía đường trong nước đứng vững trên thị trường, khắc phục những tồn tại, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần quan tâm ưu tiên bố trí nguồn kinh phí cho công tác nghiên cứu để tạo ra những giống mía mới có năng suất, chất lượng. Các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất điện, phân bón, ethanol, thức ăn chăn nuôi từ các phụ phẩm mía đường; áp dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất đường nhằm nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm; xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn, tập trung nhằm tạo điều kiện áp dụng công nghệ vào sản xuất, cơ giới hóa, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, giảm giá thành sản phẩm. Mặt khác, các địa phương cần rà soát, xây dựng vùng sản xuất mía đường tập trung, có chính sách khuyến khích áp dụng cơ giới hóa, cải thiện giống mía. Ðặc biệt, cần hướng dẫn, hỗ trợ nông dân trồng mía chuyển đổi sang cây trồng khác tại những vùng trồng mía không hiệu quả.
Trên thực tế, nhiều địa phương đã có những chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người trồng mía chuyển đổi sang cây trồng khác như: mít, sầu riêng, chanh không hạt, nhãn, ổi, bưởi da xanh, thanh long, dứa, rau màu… mang lại lợi nhuận từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí có nơi lên đến vài trăm triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với trồng mía. Tuy nhiên, để chuyển đổi diện tích trồng mía nguyên liệu sang cây trồng khác, các địa phương cần có quy hoạch tổng thể trong việc phát triển cây trồng có lợi thế, giá trị kinh tế cao phù hợp điều kiện thổ nhưỡng từng vùng; tránh việc nhiều địa phương cùng sản xuất một loại cây trồng dẫn đến cung cao hơn cầu khiến giá sản phẩm nông sản thấp, lợi nhuận không cao. Ðồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tham gia liên kết với người nông dân, bảo đảm đầu ra ổn định.