Chuyển đổi xanh sẽ bế tắc nếu thế giới thiếu đồng

Nhu cầu sử dụng đồng để sản xuất hầu hết các thiết bị điện cần thiết trong lĩnh vực xây dựng, xe điện, năng lượng tái tạo của thế giới sẽ vượt quá nguồn cung trong thập niên tới. Các mục tiêu về chuyển đổi xanh để chống biến đổi khí hậu sẽ bị cản trở, trừ khi hàng chục mỏ đồng mới có công suất lớn được phát triển, các giám đốc điều hành và nhà phân tích cho biết tại Hội nghị Đồng thế giới ở Santiago, Chile diễn ra từ ngày 17 đến 19-4.

Đồng tấm cathode ở mỏ đồng Escondida của Tập đoàn khai khoáng BHP tại Chile. Ảnh: Reuters

Đồng tấm cathode ở mỏ đồng Escondida của Tập đoàn khai khoáng BHP tại Chile. Ảnh: Reuters

Nhu cầu đồng hàng năm của toàn cầu sẽ tăng lên 36,6 triệu tấn vào năm 2031, nhưng nguồn cung dự kiến chỉ khoảng 30,1 triệu tấn, dẫn đến mức hụt 6,5 triệu tấn vào đầu thập niên tới, theo hãng tư vấn quản lý McKinsey & Co.

Đồng được sử dụng trong hệ thống dây điện và công trình xây dựng cũng như xe điện, tấm pin mặt trời và các công nghệ xanh khác.

“Nếu chúng ta không có đủ đồng, quá trình chuyển đổi năng lượng có thể bị gián đoạn nghiêm trọng”, Jeremy Weir, Giám đốc điều hành của Công ty kinh doanh hàng hóa AG, nói tại Hội nghị Đồng thế giới.

Trong năm 2021, nhu cầu đồng tinh chế của thế giới ở mức 25,3 triệu tấn, theo Nhóm nghiên cứu đồng quốc tế (ICSG). Trong khi đó, sản lượng đồng khai thác trên toàn cầu trong năm 2022 là 21,8 triệu tấn, chỉ tăng 1 triệu tấn so với ba năm trước.

“Thị trường đồng nhìn chung khá khan hiếm nguồn cung. Về lâu dài, tình trạng khan hiếm này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ chuyển đổi xanh liên quan đến xe điện và năng lượng tái tạo cũng như mạng lưới điện. Khoảng trống nguồn cung đồng sẽ nới rộng trong 10 năm tới”, Robert Edwards, nhà phân tích thị trường đồng của hãng tư vấn CRU, cho biết.

Joshua Meyer, Chủ tịch bộ phận dịch vụ kinh doanh toàn cầu của FLSmidth, nhà sản xuất thiết bị khai mỏ, cảnh báo thế giới sẽ không đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận khí hậu Paris nếu không tăng nguồn cung đồng và các kim loại khác.

Các nhà phân tích dự báo tăng trưởng sản lượng đồng ở Peru và Chile, hai nước chiếm 40% nguồn cung đồng của thế giới, sẽ chậm lại do thiếu nhân công cũng như xung đột với cộng đồng người dân địa phương. Hãng nghiên cứu Fitch Solutions ước tính sản lượng khai thác đồng ở Chile vào năm 2023 có thể đạt khoảng 5,7 triệu tấn, bằng với sản lượng của năm 2020.

Các nguồn cung mới tiềm năng có thể đến từ các vỉa quặng đồng ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Zambia thuộc châu Phi. Tuy nhiên, trữ lượng đồng lớn nhất vẫn ở Nam Mỹ. Xuất khẩu đồng của Congo đạt tổng cộng 2,3 triệu tấn trong năm 2022, chưa bằng một nửa sản lượng của Chile.

Guy Wolf, người đứng đầu bộ phận phân tích thị trường của Công ty dịch vụ tài chính Marex (Anh), cho biết đồng là kim loại duy nhất có nhu cầu tăng trưởng ổn định, nhưng giá đồng cần tăng lên 15.000 đô la/tấn để thu hút đầu tư vào các mỏ mới. Hiện nay, giá đồng tương lai trên Sàn giao dịch kim loại London dao động quan mức 9.000 đô la/tấn.

Các công ty khai thác đồng đã trở thành tâm điểm của hoạt động mua bán và sáp nhập trong thời gian gần đây. Hôm 19-4, Tập đoàn kinh doanh hàng hóa Glencore (Thụy Sĩ) cho biết sẵn sàng nâng giá thêm sau khi đề nghị mua lại Teck Resources, công ty khai thác khoáng sản bao gồm đồng của Canada, với giá 23 tỉ đô la. Các nhà phân tích của ngân hàng JP.Morgan dự đoán Glencore có thể trả tới 27,2 tỉ đô la. Nếu thương vụ này thành công, Glencore sẽ trở thành nhà sản xuất đồng lớn thứ ba trên thế giới.

Tập đoàn khai khoáng BHP (Úc) cũng đang lên kế hoạch thâu tóm OZ Minerals, nhà khai thác đồng và vàng ở Úc, trong một thỏa thuận trị giá 6,34 tỉ đô la.

Theo Aditi Rai, nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs, nhu cầu sử dụng đồng cho các công nghệ xanh chiếm 4% lượng tiêu thụ đồng vào năm 2020, nhưng con số này dự kiến sẽ tăng lên 17% vào năm 2030. Ông dự báo nhu cầu đồng thậm chí còn lớn hơn nếu các nước tăng tốc hướng đến mục tiêu đưa phát thải carbon về mức zero ròng.

Những thay đổi trong công nghệ sẽ giảm bớt một số áp lực về nhu cầu đồng. Nhà phân tích Edwards chỉ ra những thay đổi trong bộ pin đã giúp cắt giảm sử dụng đồng trong xe điện. Ông cũng lưu ý thêm hoạt động xây dựng của Trung Quốc không có khả năng duy trì tốc độ như trong 20 năm qua, giúp giải tòa bớt nguồn cung cho nhu cầu tăng trưởng xanh.

Theo WSJ, Mining.com

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuyen-doi-xanh-se-be-tac-neu-the-gioi-thieu-dong/