'Chuyển đổi xanh' từ chiếc bút bi viết nên sự bền vững

Nhắc đến Tập đoàn Thiên Long, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh chiếc bút bi nhựa gắn liền với biết bao thế hệ con người Việt Nam và gần đây nhất, đơn vị này cũng đang theo đuổi xu hướng phát triển bền vững gắn liền với 'chuyển đổi xanh'.

Trong một buổi chiều cuối năm, phóng viên báo Nhà báo & Công luận đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Phương Nga - CEO Tập đoàn Thiên Long và lắng nghe câu chuyện về sự thay đổi đầy thách thức của công ty nhằm cho ra đời những chiếc bút bi thân thiện với môi trường.

Có thể nói, nhựa là một trong những nguyên liệu được sử dụng rất phổ biến trong văn phòng phẩm và các sản phẩm truyền thống của Thiên Long cũng không phải là ngoại lệ. Từ những chiếc cốc đựng bút, bảng viết hay phổ biến nhất là chiếc bút bi được sử dụng từ công sở tới trường học. Trăn trở với mục tiêu “phát triển bền vững”, đội ngũ lãnh đạo của Thiên Long đã đặt mục tiêu nghiên cứu và cho ra đời dòng sản phẩm Eco-Friendly bao gồm các sản phẩm văn phòng phẩm truyền thống nhưng thay thế nhựa bằng các nguyên liệu thân thiện với môi trường khác như vỏ trấu, bã mía, rơm rạ…

 Những chiếc bút bi được làm từ vỏ trấu, bã mía thân thiện với môi trường.

Những chiếc bút bi được làm từ vỏ trấu, bã mía thân thiện với môi trường.

Theo bà Trần Phương Nga chia sẻ: “Chiến lược kinh doanh mà Thiên Long theo đuổi luôn chú trọng tới sự phát triển bền vững từ cả khía cạnh sản xuất, nghiên cứu lẫn kinh doanh. Để làm ra những chiếc bút bi thân thiện môi trường, chúng tôi đã sử dụng cả những vật liệu hữu cơ vốn là phế phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, bã mía, rơm rạ… Tỷ lệ nguyên liệu thân thiện môi trường trong mỗi chiếc bút bi rất cao giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường”.

Thoạt nghe thì đây chỉ là vấn đề thay đổi nguyên liệu cho một vài sản phẩm nhưng câu chuyện nghiên cứu đằng sau nó lại không hề đơn giản chút nào. Bởi vốn dĩ việc thu gom phế phẩm nông nghiệp để làm vật liệu mới tiêu tốn chi phí rất lớn trong khi lượng nhựa sử dụng tạo nên một chiếc bút bi vốn chỉ tiêu tốn vài trăm đồng. Thêm vào đó, để xử lý cho nguyên liệu mới tạo ra có độ bền tốt, tính thẩm mỹ cao cũng tiêu tốn rất nhiều nguồn lực nghiên cứu.

Những vấn đề trên đều khiến cho giá thành của một chiếc bút bi thân thiện môi trường cao hơn từ 25 - 30% so với bút bi truyền thống. Dù vậy thì theo bà Nga, đây không phải là vấn đề đáng ngại bởi trong tương lai, khi mà ý thức bảo vệ môi trường của người dân tăng cao, lượng tiêu thụ dòng sản phẩm Eco gia tăng, chi phí sản xuất cũng có thể được cắt giảm tương ứng.

Khó khăn trong việc chuyển đổi chiếc bút bi nhựa thành một sản phẩm thân thiện môi trường không chỉ nằm ở khâu nghiên cứu mà còn cả trong góc độ kinh doanh. Các đại lý trong nước ban đầu đều có tâm lý thận trọng khi tiếp nhận các sản phẩm mới, nhất là với sản phẩm thân thiện môi trường có mức giá cao hơn sản phẩm truyền thống. Do đó công ty đã phải tìm cách thuyết phục các đại lý để đưa sản phẩm Eco dần thay thế một vài sản phẩm nhựa sẵn có. Đi kèm với đó là các chiến dịch quảng bá, những chương trình giáo dục nhằm cải thiện nhận thức bảo vệ môi trường cho học sinh sinh viên trong nhà trường.

 CEO Trần Phương Nga.

CEO Trần Phương Nga.

Không chỉ hướng tới thay thế dần các sản phẩm nhựa, công cuộc “chuyển đổi xanh” của Thiên Long đã bắt đầu từ nhiều năm trước bằng những hành động vô cùng thiết thực. Theo Thiên Long chia sẻ thì những chiếc bảng viết dành cho học sinh cách đây 15 năm đã được công ty làm từ nhựa tái chế nhằm giảm rác thải nhựa ra môi trường.

Hay như các nhà máy, phân xưởng mới được xây dựng của Thiên Long cũng đều lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái nhằm tiết kiệm lượng điện năng tiêu thụ. Theo lãnh đạo của Thiên Long, thì việc tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu cũng là một mục tiêu trong chiến lược phát triển bền vững, bảo vệ môi trường của công ty.

Bà Trần Phương Nga - CEO của Tập đoàn Thiên Long chia sẻ thêm dưới góc độ kinh doanh thì công cuộc chuyển đổi xanh là một bước chuẩn bị cho tương lai phát triển của Thiên Long. Có thể lấy ví dụ như tại một số thị trường Châu Âu, các sản phẩm nhựa đều đang dần bị hạn chế. Thậm chí một số quốc gia đã đặt ra tiêu chuẩn hạn chế về lượng nguyên liệu nhựa cho các sản phẩm nhập khẩu. Như vậy, để có thể dần thâm nhập vào các thị trường này, việc phát triển dòng sản phẩm thân thiện với môi trường, cắt giảm lượng nguyên liệu nhựa và tái sử dụng là điều cần thiết. Với những chiếc bút Eco-Friendly nhỏ bé này, công ty hy vọng có thể giúp các thế hệ người Việt viết nên hy vọng, viết nên sự bền vững trong tương lai.

Thế Anh - Lê Phong

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-doi-xanh-tu-chiec-but-bi-viet-nen-su-ben-vung-post282032.html