Chuyện đồng bằng: An toàn cho du lịch ĐBSCL
Tính đến nay, ĐBSCL không có ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, các trường hợp mắc bệnh được cách ly ngay sau khi xuống sân bay Cần Thơ. Đây là một lợi thế cho vùng khi kéo du khách về đây.
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Chi nhánh Vietravel Cần Thơ, nhận định: "ĐBSCL được đánh giá là điểm đến an toàn khi vùng không có ca nhiễm hoặc ca mắc mới ngoài cộng đồng. Do đó, lượt khách đổ về ĐBSCL nhiều sau khi đợt dịch thứ 2 được khống chế. Đây là một trong những điểm đến được du khách lựa chọn, là tín hiệu đáng mừng". Với lợi thế trên, ĐBSCL sẽ tăng khả năng thu hút khách và hiện nay là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp, địa phương kích cầu du lịch trở lại.
TS Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng hiện nay du khách đi du lịch thì yêu cầu đầu tiên mà họ nhắm tới là điểm đến đó có an toàn hay không? Nhu cầu an toàn du lịch đang đặt ra các yêu cầu: Hợp lực tiếp cận, thực hiện theo chuỗi để chuyển đổi phương thức hoạt động du lịch phù hợp tình hình mới; an toàn du lịch phải có tiêu chí rõ ràng, dễ thực hiện; tiêu chí an toàn du lịch cần có công nghệ thực thi hiệu quả.
Tuy nhiên, điều mà du khách cần nhiều hơn, đó là sự an toàn cho tổng thể chuyến đi chứ không phải chỉ là vấn đề sức khỏe. Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt, đề xuất cần xây dựng tiêu chí an toàn cho 5 nhóm dịch vụ: điểm đến an toàn (không trộm cắp, không ô nhiễm môi trường), giao thông an toàn (hạ tầng, phương tiện đi lại, xử lý tai nạn), dịch vụ an toàn (tour, khách sạn, điểm tham quan), ẩm thực an toàn (bao gồm nguồn gốc nguyên liệu, chế biến, bảo quản, cơ sở phục vụ đủ chuẩn vệ sinh, cháy nổ, thoát hiểm và xử lý khi có sự cố từ ẩm thực), sức khỏe an toàn (khách đến nơi không có dịch bệnh; có phương án xử lý khi khách gặp vấn đề về sức khỏe, có cơ sở cấp cứu, điều trị được quốc tế công nhận dành cho khách nước ngoài).
Xây dựng quy trình bảo đảm an toàn không khó bằng việc duy trì áp dụng các tiêu chuẩn an toàn suốt các hoạt động bình thường. Việc thực hiện này cần có sự đồng bộ, đồng lòng từ các đơn vị, địa phương. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, ngành du lịch đã ban hành 50 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo và triển khai nhằm bảo đảm du lịch an toàn. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tự nguyện đăng ký tham gia các tiêu chuẩn an toàn còn ít.
Tính đến tháng 10-2020, đã có 36 cơ sở lưu trú, 20 doanh nghiệp lữ hành đăng ký về tiêu chí an toàn, còn nhiều điểm vườn, nhà hàng vẫn chưa đăng ký. Cần có chế tài những đơn vị không tham gia tiêu chí an toàn nhằm thực hiện đồng bộ, vì khi du khách đến họ không chỉ ở trong khách sạn mà còn di chuyển qua nhiều điểm tham quan, ăn uống. Trong việc này thì vai trò của đơn vị lữ hành rất quan trọng và đơn vị lữ hành nên có tiêu chí đánh giá, khảo sát, thẩm định để đưa những cơ sở an toàn vào trong tour của mình. Như vậy, mới có động lực để các điểm vườn, nhà hàng, các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch phấn đấu tham gia vào chuỗi an toàn để được các đơn vị lữ hành lựa chọn đưa du khách đến.