Chuyển động để bắt kịp đổi mới

Trước những đổi mới về chương trình, SGK cũng như quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT thì việc truyền tải kiến thức của GD truyền thống sẽ trở nên lạc hậu và kìm hãm sự phát triển sáng tạo của học sinh (HS). Điều đó đòi hỏi đội ngũ giáo viên (GV) cần được đào tạo, bồi dưỡng với những chương trình, hình thức và phương pháp mới để theo kịp yêu cầu.

Xây dựng mối liên kết giữa các trường ĐH sư phạm và phổ thông để SV nhận được hỗ trợ hiệu quả trong quá trình thực tập. Ảnh: Thanh Long

Xây dựng mối liên kết giữa các trường ĐH sư phạm và phổ thông để SV nhận được hỗ trợ hiệu quả trong quá trình thực tập. Ảnh: Thanh Long

Đổi mới trong đào tạo SV sư phạm

Với những chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về GD-ĐT, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới GDPT, yêu cầu tự đổi mới với các trường ĐH sư phạm là tất yếu, khách quan. Trong đó, đổi mới chương trình, hình thức và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí GD có ý nghĩa quan trọng.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Trường ĐHSP Hà Nội, trên thế giới, việc đổi mới đào tạo GV hiện nay được thực hiện theo mô hình đổi mới đồng bộ. Đó là đổi mới từ mục tiêu đào tạo cho đến phương thức đào tạo. Theo đó, về cơ bản mục tiêu đào tạo là trang bị cho người GV năng lực GD và năng lực dạy học. Trong đó năng lực GD được nhấn mạnh hơn. Với năng lực dạy học cần được lưu ý thêm khả năng sử dụng CNTT trong dạy học. Phương thức đào tạo cũng được triển khai đa dạng…

Tại Việt Nam, với những đổi mới trong chương trình GDPT đòi hỏi người GV phải được trang bị nhiều năng lực mới. Do đó, trước hết chương trình đào tạo cũng cần được đổi mới để có thể đào tạo ra các thế hệ GV đáp ứng yêu cầu mới. Trên cơ sở đó, PGS.TS Nguyễn Văn Minh đưa ra đề xuất về đổi mới chương trình, hình thức và phương pháp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ GV, cán bộ quản lý GD tại Trường ĐHSP Hà Nội với 2 nhóm đào tạo. Nhóm 1 là các ngành đào tạo GV có khả năng dạy kiến thức tích hợp và phân hóa; Nhóm 2 là các ngành đào tạo GV dạy các môn chuyên biệt.

Trước yêu cầu đổi mới GD với trọng tâm chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cho HS, người GV luôn cần tự cập nhật, được đào tạo và bồi dưỡng với các phương pháp đổi mới, phù hợp để làm tốt vai trò của mình.

Đáng chú ý, việc thiết kế chương trình đào tạo phù hợp là quan trọng, song việc tổ chức thực hiện chương trình còn ý nghĩa quyết định hơn nữa. Trường ĐHSP Hà Nội đổi mới hình thức và phương pháp đào tạo cử nhân sư phạm theo quan điểm: Mô hình đào tạo dạng tích hợp với tổng thời gian là 4 năm. Kĩ năng tâm lí GD, GD học, nghiệp vụ sư phạm sẽ được rèn luyện và hình thành cho SV dần đều, trải dài qua 4 năm học. Hình thức đào tạo trực tiếp theo mô hình trường lớp, sử dụng cả tiếp cận dạy học kết hợp nhằm tăng yếu tố công nghệ, kĩ thuật trong đào tạo. Thực hiện việc đào tạo tác động đồng hướng. Giáo viên bộ môn cơ bản và bộ môn phương pháp dạy học đều làm mẫu việc sử dụng các phương pháp..

PGS. TS Nguyễn Kim Hồng - Trường ĐHSP TPHCM cũng khẳng định: Cần một thay đổi trong thực hành, thực tập của SV các trường sư phạm. Xây dựng mối liên hệ giữa các trường sư phạm và trường phổ thông. Cần thay đổi cách thức thực hành, thực tập cho SV các trường sư phạm theo hướng tăng số giờ thực hành và thực tập nhiều hơn. SV có thể thực hành ngay từ năm thứ nhất và thực tập từ năm thứ ba. Để có thể tăng giờ thực hành của SV các trường sư phạm cần có một cơ chế phối hợp giữa các trường sư phạm và các trường phổ thông. Các trường sư phạm và phổ thông cần phải được “ràng buộc” nghĩa vụ hướng dẫn SV thực tập…

PGS. TS Nguyễn Kim Hồng đã chỉ ra sự khó khăn: Hệ thống trường thực hành của các trường ĐH sư phạm ở Việt Nam còn hạn chế, nhiều trường phổ thông không muốn tham gia vào hệ thống các trường thực hành sư phạm. Khi đặt vấn đề hệ thống các trường thực hành, ít được sự đồng tình của lãnh đạo cũng như GV các trường phổ thông…

 Bồi dưỡng giáo viên. Ảnh minh họa

Bồi dưỡng giáo viên. Ảnh minh họa

Bồi dưỡng GV phổ thông

Theo GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, bồi dưỡng phải luôn hướng đến phát triển nâng cao năng lực nghề nghiệp GV. Mục tiêu bồi dưỡng được xác định dựa vào phát triển các năng lực được quy định bởi đặc điểm lao động của người GV và chuẩn nghề nghiệp GV. Đó là mục tiêu chiến lược, mục tiêu phát triển nghề nghiệp. Quá trình phát triển nghề nghiệp thực chất là quá trình làm cho GV chủ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển GD các cấp học, bậc học…

Bồi dưỡng GV đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và SGK thì mục tiêu cụ thể phải vừa đáp ứng được đổi mới chương trình, SGK vừa phát triển nâng cao tiềm lực vì những tình huống khó khăn khi thực hiện chương trình mới mà GV gặp phải cũng là những tình huống điển hình liên quan trực tiếp đến những tiêu chí cơ bản trong năng lực nghề nghiệp GV.

Với quan niệm đó, mục tiêu bồi dưỡng thay sách phải được xác định sao cho kết quả bồi dưỡng phát triển tiềm lực GV, tiến tới GV luôn chủ động nghề nghiệp. Giải pháp “mì ăn liền” trong bồi dưỡng GV dần dần được khắc phục, thay bằng giải pháp có mục tiêu căn cơ, bền vững. Bồi dưỡng cho mỗi lần đổi mới chương trình SGK có mục tiêu hướng đến triệt tiêu cách bồi dưỡng mang tính giải pháp tình huống.

Dạy học phân hóa, dạy học cá biệt, dạy học tích hợp là những năng lực còn yếu kém ở đại bộ phận GV hiện nay nên bồi dưỡng GV ưu tiên các kiến thức, kĩ năng về năng lực đó. Bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng phát triển chương trình dạy học, GD.

Bồi dưỡng GV kiến thức, kĩ năng kiểm tra - đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá chất lượng học tập, GD của HS để điều chỉnh hoạt động dạy học, GD. Bồi dưỡng phương pháp và kĩ năng nghiên cứu khoa học, phát hiện và giải quyết các tình huống sư phạm.

Bồi dưỡng năng lực quản lý lớp học, đặc biệt kĩ năng quản lý lớp học có sự phân hóa đa dạng về đặc điểm nhận thức tính cách, phong cách học tập của HS, kĩ năng quản lý và duy trì sự ổn định trật tự lớp học khi tổ chức các phương pháp dạy học thực hành, dạy học theo nhóm nhỏ…

Theo GS Đinh Quang Báo, nội dung bồi dưỡng thường xuyên GV phổ thông cần: Bồi dưỡng năng lực nghiệp vụ sư phạm ưu tiên hơn kiến thức khoa học chuyên ngành. Trong năng lực nghiệp vụ sư phạm thì ưu tiên bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng hoạt động GD HS. Trong năng lực GD và dạy học thì ưu tiên bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng tìm hiểu HS để có phương pháp dạy học GD phân hóa, sát đối tượng.

Theo

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/chuyen-dong-de-bat-kip-doi-moi-3985291-b.html