Chuyển động tích cực
Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2021, Việt Nam có 155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo hơn 45 nghìn lưu học sinh đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong đó, 26,6% lưu học sinh diện Hiệp định ký kết và 73,4% ngoài Hiệp định. Như vậy, trung bình mỗi năm có từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận mới vào Việt Nam.
Quốc tế hóa giáo dục đại học đã trở thành chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, trong đó thu hút sinh viên quốc tế được xem là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần xây dựng danh tiếng của nhà trường, tác động đến thứ hạng của cơ sở giáo dục đại học trên các bảng xếp hạng của thế giới. Không chỉ góp phần cải thiện nguồn thu của cơ sở đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, sinh viên quốc tế còn trở thành những đại sứ văn hóa, cầu nối của tình hữu nghị.
Những năm gần đây các trường đại học Việt Nam có những chuyển động tích cực để thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài. Không chỉ các đại học công lập có bề dày như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, khối đại học tư thục như FPT, Hồng Bàng, VinUni… cũng nỗ lực đầu tư nguồn lực với khát vọng xuất khẩu giáo dục. Ở một số trường, nguồn thu từ sinh viên quốc tế là những con số ấn tượng, như Trường ĐH Hà Nội, 5% sinh viên quốc tế đã mang lại 8% nguồn thu của nhà trường.
Dù đạt được tín hiệu khả quan, nhưng trên tổng thể, đến nay số lượng lưu học sinh tại Việt Nam vẫn khiêm tốn, gần 80% đến từ Lào và Campuchia, đa số học trình độ đại học và các khóa ngắn hạn. Số lưu học sinh học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ còn ít.
Việt Nam nằm trong nhóm các nước đang phát triển nên số lượng du học sinh đi nhiều hơn đến là chuyện bình thường. Tuy vậy, số liệu của UNESCO cho thấy đang có xu hướng thu hút sinh viên quốc tế về các nước Đông Á, Đông Nam Á. Theo đó, trong giai đoạn 2010 - 2017, sinh viên quốc tế ở khu vực này tăng cao, chiếm khoảng 12% số sinh viên quốc tế trên toàn cầu.
Khi tìm hiểu về xu hướng này, nhóm nghiên cứu về quốc tế hóa giáo dục đại học ở Trường ĐH Phú Xuân cho biết, những con số tăng trưởng nêu trên là kết quả của chính sách quốc tế hóa giáo dục đại học mạnh mẽ mà các nước áp dụng.
Chẳng hạn, năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã trao học bổng cho gần 59.000 sinh viên quốc tế từ 180 quốc gia. Số trường đại học Trung Quốc cung cấp các khóa học giảng dạy bằng tiếng Anh tăng từ 34 vào năm 2010 lên hơn 100 vào năm 2018. Trung Quốc hiện có chi nhánh của 38 trường đại học quốc tế, trở thành một trong những điểm thu hút giáo dục xuyên biên giới lớn nhất thế giới.
Nằm trong khu vực trở thành trung tâm mới về du học, Việt Nam đã và đang nỗ lực đặt ra mục tiêu thu hút sinh viên quốc tế. Theo Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn 2022 - 2030, giáo dục đại học cần đẩy mạnh công tác thu hút sinh viên quốc tế, nâng cao số lượng và chất lượng chương trình đào tạo quốc tế. Bộ sẽ rà soát và hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút, đào tạo, quản lý người nước ngoài học tập tại Việt Nam, tăng cường ký kết các văn bản thỏa thuận, điều ước quốc tế liên quan đến việc trao đổi học sinh, sinh viên…
Đường hướng, chính sách tầm vĩ mô rất quan trọng, tạo nền tảng để thu hút sinh viên quốc tế, nhưng thực tế xuất khẩu được giáo dục hay không trong bối cảnh tự chủ đại học, thì then chốt vẫn là sự nỗ lực của mỗi trường.
Nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, phát triển thêm nhiều chương trình chất lượng cao và chương trình đào tạo liên kết, phù hợp với nhu cầu người học, đa dạng ngôn ngữ giảng dạy, trong đó ưu tiên chương trình bằng tiếng Anh, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập, học bổng và sinh hoạt tốt nhất cho lưu học sinh nước ngoài… là những chính sách trụ cột các trường cần đặc biệt quan tâm đầu tư trong thời gian tới.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-dong-tich-cuc-post605438.html