Chuyển động Vĩnh Phúc

Nhiều năm gần đây, Vĩnh Phúc được cả nước biết đến như một tỉnh vươn lên làm giàu trong nhóm các tỉnh tốp đầu khu vực phía Bắc, nổi bật là tư duy năng động, linh hoạt, sáng tạo trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường cùng một số lĩnh vực quan trọng khác. Dù vậy, Vĩnh Phúc vẫn còn không ít khó khăn, chính vì vậy, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh đã nghiên cứu kỹ tình hình thực tiễn để đưa những vấn đề cần giải quyết nhất vào nghị quyết, sau đó đặt mục tiêu đưa nghị quyết vào cuộc sống bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Chỉ sau non nửa nhiệm kỳ, Vĩnh Phúc đã chứng minh một cách sinh động rằng, nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh không chỉ nằm trên giấy…

Tự hào trong gian khó

Nửa đầu năm 2020, sau một thời kỳ dài có tỷ lệ tăng trưởng cao, kinh tế Vĩnh Phúc có dấu hiệu chững lại, nhiều chỉ số còn tụt lùi nghiêm trọng. Thực trạng ấy bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như suy thoái kinh tế chung, dịch bệnh tấn công gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến sản xuất trong nước và trên địa bàn bị đình trệ, làm phát sinh nhiều điểm nghẽn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp…

Nhờ chủ trương tập trung thu hút đầu tư những ngành nghề sản xuất công nghệ cao, thân thiện với môi trường, kinh tế Vĩnh Phúc đang phát triển mạnh theo hướng bền vững. Ảnh: Quang Nam

Nhờ chủ trương tập trung thu hút đầu tư những ngành nghề sản xuất công nghệ cao, thân thiện với môi trường, kinh tế Vĩnh Phúc đang phát triển mạnh theo hướng bền vững. Ảnh: Quang Nam

Đúng lúc này, dịch Covid-19 lại “chọn” Vĩnh Phúc làm điểm tấn công đầu tiên trong hành trình hơn 2 năm hoành hành dữ dội khắp đất nước. “Gian nan tỏ mặt anh hùng”, trước tình thế chưa có tiền lệ và trước khi Chính phủ ra Nghị quyết số 128 về thực hiện "mục tiêu kép", Vĩnh Phúc đã kiên trì, nỗ lực, linh hoạt, sáng tạo, đưa ra nhiều giải pháp khắc phục.

Trước hết, dựa trên điều kiện thực tế của 1 tỉnh công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng, do vậy, nền kinh tế địa phương phụ thuộc rất lớn vào các hoạt động sản xuất công nghiệp, Vĩnh Phúc đã tìm mọi cách để vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất công nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội với tinh thần quyết không bỏ ai lại phía sau.

Nổi bật là hành động quyết đoán “cách ly xã hội toàn xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên” để nâng cao hiệu quả chống dịch. Cách làm dũng cảm này của Vĩnh Phúc đã mở ra một hướng đi mang tính đột phá trong công tác chống dịch của cả nước.

Liên tiếp trong thời điểm "nước sôi lửa bỏng" nhất của cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, tỉnh đã tổ chức thành công và tuyệt đối an toàn 2 sự kiện đặc biệt quan trọng, đó là bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Còn nhớ, Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII của Vĩnh Phúc đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá rất cao tại buổi duyệt văn kiện và phương án nhân sự đại hội.

Khi đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã nhấn mạnh: “Các văn kiện được tỉnh chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, công phu, trí tuệ, theo đúng quy định Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị; vận dụng sáng tạo quan điểm lãnh đạo của Đảng vào thực tiễn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Dự thảo nghị quyết đại hội cũng thể hiện tinh thần đổi mới, quyết tâm bứt phá, xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng phồn thịnh...”.

Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư Trung ương Đảng có mặt tại buổi làm việc cũng khẳng định, Dự thảo Báo cáo chính trị của Vĩnh Phúc trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là sản phẩm của “người thật, việc thật”, được đúc kết từ thực tế xã hội sống động của địa phương nên mang tính thực tiễn sâu sắc.

Dự thảo Báo cáo chính trị của Vĩnh Phúc có điểm nhấn bởi cách tiếp cận thẳng thắn, mới mẻ, sáng tạo, từ đó tạo ấn tượng và niềm tin trong nhân dân.

Báo cáo thực sự đã có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cơ sở lý luận với thực tế của tỉnh nhiệm kỳ qua; sự kết hợp chặt chẽ giữa kế thừa và đổi mới. Việc đánh giá đảm bảo tính khách quan, toàn diện, cụ thể trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là những hạn chế, nguyên nhân. Đánh giá rất kỹ việc đổi mới phương thức lãnh đạo, đổi mới tư duy, tầm nhìn và cách thức tổ chức thực hiện của cấp ủy, tổ chức Đảng trong cả nhiệm kỳ…

Với sự đánh giá cao của Trung ương, sự đồng tình ủng hộ, nhất trí cao của nhân dân các dân tộc trên địa bàn về cách nghĩ, cách làm của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngay từ thời điểm này, nhiều người đã mường tượng ra rằng, Vĩnh Phúc chắc chắn sẽ có nhiều đột phá quan trọng trong thời gian tới, dù hiện tại và trước mắt còn muôn vàn khó khăn.

Chuyển mình đi lên

Không phải ngẫu nhiên mà Dự thảo Báo cáo chính trị của Vĩnh Phúc trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII được các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, thành viên Ban Bí thư Trung ương Đảng có mặt tại buổi làm việc đánh giá là sản phẩm của “người thật, việc thật”, được đúc kết từ thực tế xã hội sống động của địa phương nên mang tính thực tiễn sâu sắc. Hơn ai hết, Vĩnh Phúc tự biết mình đang đứng ở đâu, làm được việc gì và chưa làm được việc gì để mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, đối diện với khó khăn và cương quyết tìm giải pháp khắc phục.

Hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Khánh Linh

Hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc ngày càng phát triển đồng bộ, hiện đại. Ảnh: Khánh Linh

Những ngày đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII thực sự là một giai đoạn đầy chông gai, gian khó. Bởi nghị quyết vốn được xây dựng từ thực tiễn nên khi đưa nghị quyết trở lại cuộc sống, mọi người nhìn đâu cũng thấy việc, thậm chí nhiều việc tưởng như không thể vượt qua.

Trước tình hình đó, một mặt, tỉnh tìm mọi cách tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực để tập trung phát triển kinh tế. Mặt kia, nghĩ cách triển khai các biện pháp đảm bảo công tác an sinh xã hội, chú trọng phát triển lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục để đảm bảo không bỏ ai, không bỏ bất cứ cái gì lại phía sau.

Đã thế, nhiều yêu cầu vừa cấp thiết, vừa lâu dài lại được đặt ra song song như nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu hút đầu tư, nâng cao các chỉ số PCI, PAR Index... Cùng với đó là các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất như bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự ATXH, tiếp tục chống dịch Covid-19, phòng chống thiên tai, diễn tập PCLB và CHCN…

Có thể nói, sau khi vừa cơ bản khống chế được dịch Covid-19, Vĩnh Phúc như một cơ thể còn yếu, rất cần thời gian hồi phục, nhưng vẫn phải dàn đều thực hiện nhiệm vụ trên tất cả các lĩnh vực, do đó đòi hỏi phải có một ý chí, nghị lực to lớn cùng những quyết sách đúng đắn, tinh thần kiên trì, dũng cảm, dám nghĩ, dám làm của toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp và nhân dân, của cả hệ thống chính trị trên địa bàn.

Để đồng thời làm tốt những nhiệm vụ trên, bên cạnh việc quán triệt thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá được đưa vào nghị quyết, Vĩnh Phúc tập trung hướng đến những nhiệm vụ mang tính bản lề như công tác cán bộ và cải cách hành chính; xây dựng các cơ chế chính sách nhằm tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, tham nhũng…

Quá trình thực hiện, cùng với phân công, phân nhiệm, phân quyền, giao nhiệm vụ rõ ràng, minh bạch; đồng thời, kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên những đơn vị, tập thể, cá nhân làm tốt yêu cầu nhiệm vụ được giao, Vĩnh Phúc không ngại đưa ra những hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc như cảnh cáo, khiển trách, đình chỉ, miễn nhiệm, khai trừ Đảng hoặc buộc thôi việc những cán bộ cố tình vi phạm pháp luật, vi phạm quy định những điều cán bộ, đảng viên không được làm, dù người đó là ai, đã hay đang đảm nhiệm chức vụ gì, kể cả trong lĩnh vực tôn giáo để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Nhìn lại gần nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cho thấy, tỉnh đã tập trung triển khai các biện pháp phục hồi phát triển kinh tế-xã hội; đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, xây dựng hoàn thiện, đồng bộ thể chế phát triển.

Cụ thể, tiến hành thu hút đầu tư có chọn lọc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, hiệu quả, nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài, thiên tai, dịch bệnh (dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp song tăng trưởng, thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt khá và nằm trong top 10 của cả nước).

Song song là hoàn thiện chính sách đặc thù về thu hút đầu tư trong và ngoài nước, chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực; khơi thông các điểm nghẽn, tạo đột phá thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế-xã hội.

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước và nằm trong Top 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước, đây là mức tăng khá cao so với tốc độ tăng trưởng của 6 tháng đầu năm tính từ năm 2015 đến năm 2020 và tăng cao hơn so với kịch bản đã đề ra tại Chương trình hành động của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 01 của Chính phủ (kịch bản tăng khoảng 8,3%).

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục đều có sự phát triển vượt bậc, an ninh chính trị được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng-an ninh được củng cố…

Cổ nhân từng nói, tư duy là tồn tại, hành động là phát triển. Vĩnh Phúc trước nay không ngừng tư duy để triển khai bằng những hành động cụ thể và thiết thực. Như thế, Vĩnh Phúc chuyển mình đi lên là điều tất yếu không thể khác!.

Quang Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/82462/chuyen-dong-vinh-phuc.html