Chuyện dưới rừng lim cổ thụ
'Ăn của rừng rưng rưng nước mắt' là câu mà bao thế hệ người dân An Lạc (Chí Linh) truyền cho con cháu. Họ luôn nhắn nhủ với các thành viên trong gia đình phải bảo vệ bằng được rừng lim cổ thụ.
Đền Cao An Lạc - nơi khởi nguồn câu chuyện mang đậm chất sử thi về 5 anh em họ Vương phò vua Lê Đại Hành đánh giặc, hàng trăm năm qua khoác trên mình tấm áo tươi xanh của rừng lim cổ thụ. Một khu rừng lim bao bọc quần thể khu di tích nghìn năm tuổi, thực là cảnh tượng hiếm nơi nào có được.
Nơi phát tích 12 dòng họ
"Ăn của rừng rưng rưng nước mắt" là câu mà bao thế hệ người dân An Lạc (Chí Linh) truyền cho con cháu. Họ luôn nhắn nhủ với các thành viên trong gia đình không được xâm phạm mà phải bảo vệ bằng được rừng lim cổ thụ.
Với người dân ở đây, rừng lim không chỉ là thắng cảnh, là lá phổi xanh mà còn là một điều gì đó linh thiêng và kỳ bí. Vì thế, có những cây lim già đổ rạp hay những tay lim bằng một người ôm rụng xuống nhưng vẫn trơ trơ mưa gió, không một ai đụng đến.
Thuở nhỏ, cụ Dương Thị Phu cùng đám trẻ làng Đại thường dong trâu lên rừng lim cổ thụ. Ở đó là các trò bày quân đánh trận giả, là trốn tìm hay bịt mắt bắt dê, nhưng tuyệt nhiên không đứa trẻ nào dám đu cành, bẻ lá. "Từ thời cụ kỵ, ông bà đã kể là thấy rừng lim ở đây. Lạ lùng là rừng lim chỉ mọc trên núi mà không lan sang nơi khác", cụ Phu kể lại.
Cụ Phu còn nhớ, năm 1954 Pháp ném bom làng Đại nhưng lạ thay không quả nào rơi xuống rừng lim. Cánh rừng này được dân làng bảo vệ và nó cũng bảo vệ dân làng. Có những cây già đổ gục hay cành cây to bất ngờ rụng xuống nhưng không làm hại đến người.
An Lạc là một phường miền núi của TP Chí Linh, diện tích tự nhiên chỉ 4 km2 nhưng có đến 99 ngọn núi, đồi lớn nhỏ. Người xưa ví 99 núi, đồi ấy như một đàn chim nhạn tìm được đất lành nên sà xuống an hưởng cuộc sống thái bình, no đủ. Bầy chim nhạn này vốn đủ 100 nhưng một con đã tách đàn sang bên kia sông Kinh Thầy, nên mới có câu ca đầy trách móc: "Chín mươi chín con theo mẹ dòng dòng/ Một cô con gái phải lòng bên kia".
Chuyện kể rằng, xa xưa An Lạc là Dược Đậu trang, nơi phát tích 12 dòng họ của An Lạc hiện nay, gồm: Dương, Nguyễn, Mạc, Đỗ, Phạm, Hoàng, Đào, Bùi, Cao, Lê, Lỗ, Tạ. Tổ tiên của 12 dòng họ ấy được thờ phụng tại những ban thờ phủ dày bụi thời gian giữa rừng lim cổ thụ. Vào năm 981, quân và dân Đại Việt ta từ đại bản doanh của Thập đạo tướng quân Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) ở Dược Đậu trang đã đẩy lùi đại quân của giặc Tống. Trong cuộc trường chinh đó, 5 anh em nhà họ Vương ở Dược Đậu trang là Vương Đức Minh, Vương Đức Hồng, Vương Đức Xuân, Vương Thị Đào và Vương Thị Liễu đã đầu quân đánh giặc. Sau khi vang khúc khải hoàn, 5 vị tướng họ Vương đã hóa và được dân làng lập đền thờ cúng. Trong quần thể di tích quốc gia An Lạc bây giờ, đền Bến Cả thờ 2 nữ tướng Vương Thị Đào, Vương Thị Liễu; đền Cao thờ trưởng nam còn đền Bến Tràng thờ các thứ nam. Vậy mới có chuyện nói rằng, tiếc rằng Dược Đậu trang chỉ có 99 ngọn đồi, núi nên chỉ là đất sinh tướng, nếu có đủ 100 ngọn thì ắt sinh vương!?
Còn về rừng lim cổ thụ thì đã có nhiều nghiên cứu nhưng không ai chỉ ra được rằng tại sao rừng núi Chí Linh thì chỉ mỗi đền Cao An Lạc có lim và tại sao lim chỉ mọc ở núi Thiên Bồng nơi có đền Cao mà không mọc lan sang nơi khác. Bên kia là núi Bàn Cung có đền thờ vua Lê Đại Hành thì lim chỉ xuất hiện khi được người dân ươm giống và đem trồng.
Vào năm 2010, khi Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam ra quyết định công nhận 54 cây lim ở đây là "Cây di sản Việt Nam", các nhà khoa học đã xác định có những cây khoảng 800 năm tuổi. Theo một số bô lão của làng Đại bây giờ, có thể rừng lim còn có sớm hơn khoảng thời gian vua Lê Đại Hành lập đại bản doanh tại đây vào năm 981. Chính vì có địa thế đó thì vua Lê Đại Hành mới lệnh hạ trại đóng đại bản doanh. Còn vì sao rừng lim chỉ mọc ở núi Thiên Bồng, các bô lão lại cho rằng do mạch nước ngầm tươi tốt. Ở chân núi có giếng Chùa Tháp, là nguồn nước sinh hoạt của các thế hệ người làng Đại cả trăm năm qua. Sau này có nước máy thì giếng Chùa Tháp chỉ còn là di tích nhưng nguồn nước mát lành vẫn còn ở đó. Những năm tuyệt hạn thì giếng Chùa Tháp cũng chưa bao giờ vơi nước.
Theo các cán bộ Ban Quản lý di tích TP Chí Linh, rừng lim mang nhiều huyền tích, tô điểm cho khu di tích quốc gia đền Cao thêm phần linh thiêng và tạo cảnh quan ấn tượng. Ngoài cảnh quan trầm mặc của các công trình kiến trúc, du khách thập phương đến đây luôn tỏ ra thích thú khi được đắm mình trong không gian xanh mát của những tán lim cổ thụ. Đây là cảnh quan hiếm nơi nào có được. Rừng trên núi Thiên Bồng có nhiều loài cây như thông, sến, táu, nhưng hơn 90% là lim và hầu hết là lim cổ thụ.
Còn cây thì mới còn người
Cụ Nguyễn Công Văn năm nay 75 tuổi, sinh ra và lớn lên ở thôn Bờ Chùa. Cụ Văn kể, để có rừng lim như bây giờ là công sức của bao nhiêu thế hệ người dân An Lạc. Rừng lim đã là niềm hãnh diện, là báu vật của làng.
Thế nhưng vào khoảng năm 1960, rừng lim đã từng bị chặt mất 4-5 cây. Khi đó, để xây dựng trường học, xã bỗng dưng chỉ đạo chặt hạ một số cây to. Khi hạ được vài cây thì dân làng biết được, ùn ùn kéo đến. Mỗi người ôm một gốc cây với quyết tâm "còn cây thì mới còn người". Người dân còn mang đơn đến khắp nơi đề nghị không được phá rừng. Việc chặt cây phải dừng lại và từ đó đến nay thì rừng lim tuyệt nhiên không còn ai đụng đến. Thời trước, có người dùng gỗ lim đóng đồ dùng nhưng đều bí mật mang trả lại về rừng. Có người lại gặp chuyện không may mắn. Những câu chuyện huyền bí như thế cứ được truyền tai nhau khiến rừng lim thêm phần linh thiêng. Và vì thế mỗi cây lim đã được coi như thân thể con người. Những cây chết già bán người dân cũng không dám động vào.
Rừng lim trên núi Thiên Bồng mọc đều tứ phía của đền Cao và đều là giống lim xanh. Cây già đổ xuống thì cây non lại mọc lên, lớp sau đè lớp trước. Rễ lim ăn sâu vào lòng đất chứ không ăn nổi như một số loài cây khác nên không phá hỏng các công trình. Hiện rừng lim cổ còn khoảng 300 cây và tiếp tục dày thêm. Lim là giống sinh trưởng cực kỳ chậm rãi. Cả đời người cũng ít chứng kiến được sự thay đổi về kích thước của cây. Đối với 54 cây di sản Việt Nam thuộc diện tích 1,2 ha đã được quy vào rừng đặc dụng, rừng bảo tồn thiên nhiên và được kiểm lâm bảo vệ. Năm 2000, người dân và các ngành đã mở rộng diện tích rừng lim lên 12 ha với mật độ 300 cây/ha tiếp giáp với rừng lim cổ.
Ở núi Thiên Bồng hiện có một số cây lim được người dân trọng vọng gọi là "cụ". "Cụ" to nhất được đo đường kính gốc khoảng 1,3 m. Có "cụ" già quá đã thông tâm, người lớn có thể chui vào. Phía bên phải đền, cây di sản Việt Nam già nhất tại đây đã nổi u, nổi cục, được người dân gọi là "mặt cáo". Theo ngọc phả đền Cao, thời giặc Hán xâm lược, chúng “sát phu, hiếp phụ” hòng tận diệt nòi giống dân ta. Chúng giết sạch đàn ông, con trai, nhưng ở An Lạc có một người đàn ông thoát được vào rừng. Giặc băm nát bụi cây làm người đàn ông đứt một cánh tay. Bỗng nhiên một con cáo lao ra, giặc tưởng bên trong không có người nên mới chịu bỏ đi. Người đàn ông này sau đó cưới 12 cô gái, con mang họ mẹ nên sinh ra 12 dòng họ trong vùng. Vì thế, dân chúng tin rằng u "mặt cáo" ở thân cây lim cổ thụ là hiện thân của ân nhân đã cứu sống vị tổ 12 dòng họ.
Cụ Dương Thị Phu năm nay đã 81 tuổi và gắn bó cả đời ở mảnh đất này nên có nhiều câu chuyện về rừng lim cổ thụ. Cụ Phu cho biết hạt lim rụng xuống nhưng rất hiếm cây non được mọc lên, thành thử rừng lim càng quý. Để nhân giống, cụ Phu thường nhặt hạt căng mẩy về ngâm nước 3 sôi, 2 lạnh khoảng một tuần rồi mới ươm xuống đất. Bên núi Bàn Cung bây giờ có nhiều cây lim do chính tay cụ Phu nhân giống. Không biết bao nhiêu đời người nữa rừng lim ấy mới phát triển như rừng lim bên núi Thiên Bồng, nhưng chắc chắn chúng đã bén rễ và sinh sôi để tạo ra những cánh rừng lim mới.
Tháng 2 âm lịch, mùa hoa lim sắp bắt đầu. Hoa lim trắng muốt tinh khôi thấp thoáng trên những tàng cây rậm rạp luôn thu hút được du khách các nơi tìm đến. Đây cũng là lúc người dân mang ong đến hút mật hoa để làm ra loại mật ong hoa lim đắt đỏ.
Ở đền Cao có luật của cung cấm, đó là "biết không nói, không biết không hỏi". Nghĩa là người đã làm quan đám, đã được đặt chân vào cung cấm thì không được tiết lộ cho người khác những gì phía sau cánh cửa để giữ gìn một pho huyền sử của quê hương. Còn người không biết thì không tò mò, không cố tìm hiểu bí mật trong cung cấm. Thế nhưng, với rừng lim cổ thụ, những người lớn tuổi ở An Lạc sẵn sàng ngồi dưới gốc cây kể cho con cháu hoặc cho du khách thập phương về lai lịch. Bởi với họ, rừng lim là một niềm hãnh diện, là lịch sử, là nơi phát tiết 12 dòng họ của Dược Đậu trang, nay là An Lạc!
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/di-tich/chuyen-duoi-rung-lim-co-thu-197919