Chuyện gây rừng trên núi An Phụ
Núi rừng An Phụ (Kinh Môn) hiện nay gây ấn tượng bởi lớp lớp cây rừng xếp tầng, xanh mướt, ôm trọn di tích đền Cao An Phụ. Gần 30 năm trước, nơi đây chỉ là vùng núi đồi trơ sỏi đá...
Dày công gây rừng
Trong trí nhớ của ông Nguyễn Kim Thích ở khu dân cư Kim Xuyên, phường An Sinh (Kinh Môn), đầu những năm 90 của thế kỷ trước, dãy núi An Phụ án ngữ phía tây thị xã Kinh Môn trơ trọi, nham nhở những gốc cây bị chặt phá, để lộ ra đất đá khô cằn. Người dân đốt, đốn cây để lấy than củi, rồi trồng tạm bợ khoai, sắn qua ngày. Khu di tích đền Cao An Phụ linh thiêng, uy nghiêm song phong cảnh lại tiêu điều, thiếu sức sống. "Ngày ấy vì đói nghèo, túng thiếu nên không ai nghĩ xa xôi, đến khi cây rừng tự nhiên tàn lụi dần thì mọi người mới nhận ra sai lầm", ông Thích cho hay.
Rừng tự nhiên mất dần, ai nấy đều lắc đầu vì tiếc nuối, hoài niệm về cánh rừng xanh tốt một thời rồi thở dài vì nghĩ rằng không có cách cứu vãn. Và Chương trình 327 phủ xanh đất trống, đồi trọc của Nhà nước từ năm 1992 đã thổi làn gió mới, dần làm thay đổi nhận thức, hành động của người dân nơi đây. Dãy An Phụ trải dài khoảng 17 km song núi rừng lại manh mún, nhỏ lẻ khiến không ít người ái ngại về việc giao đất, giao rừng. Tuy nhiên, nhìn cánh rừng đang ngày suy kiệt, các hộ càng quyết tâm khôi phục cây rừng, trả lại màu xanh cho núi đồi.
Gần 30 năm nhận nhiệm vụ ở Trạm Quản lý rừng Kinh Môn cũng là từng đấy thời gian ông Nguyễn Hữu Thụ gắn bó với núi rừng An Phụ. Tận mắt chứng kiến những vạt rừng từ khi còn là cây giống ươm trồng trên đất cằn, nhờ sự dày công, tận tâm của các hộ nhận khoán mà dần lớn lên xanh tốt, rễ bám chặt vào đất đá, ông Thụ vừa tự hào, vừa cảm phục ý chí của người dân. Ông kể, năm 1995 khi mới bắt đầu trồng 20 ha keo, thông, lim gần đền Cao, người dân sống ven rừng được ưu tiên nhận khoán, ông cũng hăng hái làm. Vì thế mà chỉ trong 2 năm, mầm xanh đã phủ kín 1.000 ha đất rừng An Phụ. Trồng rừng đã khó khăn, việc chăm nom còn vất vả hơn nhiều nhưng không vì thế mà các hộ chểnh mảng. Ông Thụ cho biết gần 600 hộ nhận khoán, mỗi hộ một cách làm nhưng đều dành trọn tâm huyết cho cây rừng. Cây ngày một lớn còn cuốc chim, vật dụng chuyên dùng ở vùng đất sỏi đá ngày một mòn đi. Đến nay, núi rừng An Phụ đã hồi sinh bởi những nỗ lực lớn lao của các hộ nhận khoán.
Coi rừng như sinh mạng
Không còn là rừng tự nhiên song dưới bàn tay con người, núi rừng An Phụ đã tái sinh mạnh mẽ. Không chỉ có vai trò về sinh thái mà khu rừng này còn mang nhiều giá trị khi gắn với đền Cao An Phụ. Rừng An Phụ được hồi sinh như khoác tấm áo mới cho cảnh quan di tích. Mỗi cá thể thực vật ở đây dường như cũng mang trong mình hồn cốt của lịch sử, là minh chứng cho sức mạnh trường tồn của dân tộc. Ngoài gây rừng, vườn thực vật An Phụ cũng được xây dựng để bảo tồn nguồn gen quý. Hàng chục nghìn cá thể thực vật khắp mọi miền đã được gom góp, quy tụ về đây, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho ngôi nhà thực vật chung này.
Ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng Ban Quản lý di tích đền Cao An Phụ cho biết núi rừng là đặc ân của tự nhiên, gắn với di tích nên càng phải trân trọng, giữ gìn. Nhận thức được điều này, Ban Quản lý chưa khi nào lơ là việc bảo vệ, chăm sóc rừng. Tổ phòng cháy, chữa cháy rừng của ban gồm 15 thành viên ngoài việc phối hợp phòng chống cháy rừng còn tích cực vận động, tuyên truyền du khách nâng cao ý thức khi tham quan, chiêm bái di tích, không để xảy ra cháy rừng.
Người dân đã nhận ra sai lầm khi chặt phá rừng tự nhiên. Giờ đây, rừng tái sinh đã phát triển, che chở cho núi đồi nên ai cũng dốc công, dốc sức để bảo vệ, giữ gìn. Ông Nguyễn Kim Thích nhận khoán 4 ha rừng đặc dụng trên núi An Phụ. Khu rừng này cũng đích thân ông dày công chăm bẵm để cây lá tốt tươi trên đất sỏi. Đã gần 30 năm, cây đã vươn tán, nhiều thân cây đẫy tay ôm, tuy vậy bước chân đi rừng của ông Thích vẫn chưa mỏi. Ông luôn tâm niệm, gây rừng có thể mất thời gian dài song không hết đời người, còn giữ rừng thì phải hết thế hệ này sang lớp người khác. Khi cây rừng còn thấp bé ông lo cây dễ gãy, chết, còn giờ đã cao lớn thì lại thấp thỏm lo cháy rừng. Chưa khi nào ông lơ là việc gìn giữ, trông nom rừng. Ông Thích cho hay: "Không chỉ tôi mà các hộ khác cũng nặng lòng với núi rừng An Phụ. Đã có thời, người dân bỏ bê, quay lưng với rừng, còn hiện tại ai cũng thấm thía những mất mát khi đất trống, đồi núi trọc. Nhiều hộ nhận khoán coi rừng như sinh mạng".
Rừng An Phụ không cao, lại thoải, còn gắn với di tích nên lượng người tới tham quan đông. Nhưng các hộ trông giữ rừng ở đây luôn khẳng định rằng khó có người lạ nào có thể đột nhập, khám phá rừng tùy thích bởi họ canh giữ rất cẩn thận. Cháy rừng ở đây chỉ mới chớm cũng đã được dập tắt vì người dân luôn đề phòng, cảnh giác. Rừng An Phụ được hồi sinh bằng công sức và ý chí của người dân địa phương. Bởi vậy, mọi người đối đãi với núi rừng không còn chỉ vì lợi ích kinh tế mà là cả giá trị tinh thần bền lâu.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/moi-truong/chuyen-gay-rung-tren-nui-an-phu-200255