Chuyện ghi dưới chân Tượng đài liệt sĩ xã Hòa Phong

Vào một ngày giữa tháng Bảy, trong nắng nóng ở miền Trung vẫn như thiêu, như đốt, có mặt tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) xã Hòa Phong (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), chúng tôi ghi lại được nhiều câu chuyện xúc động về những tấm lòng của người còn sống gửi đến người đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Bà Nguyễn Thị Toan cùng con cháu dâng hương tại Tượng đài liệt sĩ xã Hòa Phong.

Bà Nguyễn Thị Toan cùng con cháu dâng hương tại Tượng đài liệt sĩ xã Hòa Phong.

Đã ở cái tuổi ngoài 60, sức khỏe cũng thất thường như mưa nắng, nhưng hàng năm cứ đến dịp 27-7 (tính từ năm 2017 khi tìm được nơi cha mình đã ngã xuống – P.V), bà Nguyễn Thị Toan (trú xã Hợp Tiến, H. Đông Hưng, Thái Bình) lại cùng con cháu khăn gói vào Đà Nẵng để viếng thăm cha và đồng đội.

Đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng ký ức về người cha dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của bà Toan. Bà kể: Năm 1964, cũng như bao người thanh niên khác, cha bà tình nguyện lên đường nhập ngũ rồi hành quân vào miền Nam công tác, chiến đấu. Lúc đó, bà chỉ mới 2 tuổi. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình nhận được giấy báo tử với nội dung: liệt sĩ Nguyễn Văn Miên hy sinh năm 1969 tại Mặt trận phía Nam. Mặc dù nhận giấy báo tử nhưng cả gia đình vẫn không tin, vẫn kiên gan chờ đợi. “Tôi không tường tận nỗi đau của mẹ tôi lúc đó như thế nào, nhưng có những đêm hôm khuya khoắt, tôi thấy bóng mẹ ngồi im lìm bên ngọn đèn dầu. Một sự chờ đợi đằng đẵng, âm thầm và lặng lẽ… Tôi cùng người thân đã đến hầu hết các NTLS ở phía Nam và vùng lân cận, trong bạt ngàn những ngôi mộ trắng xóa có tên và không tên, những mong tìm được cha tôi trong đó nhưng tất cả đều hoài công. Mãi đến năm 2017, với nhiều nỗ lực của người thân, họ hàng và qua các kênh thông tin từ đơn vị cũ, tôi mới biết cha tôi và nhiều đồng đội hy sinh trong một trận đánh bom ác liệt của giặc Mỹ ở xã Hòa Thượng (cũ), sau đó hài cốt được quy tập về NTLS xã Hòa Phong. Dịp 27-7 năm 2017 là lần đầu tiên tôi tìm đến nơi cha tôi nằm lại và thắp nhang lên hàng chục ngôi mộ liệt sĩ không có tên. Biết tìm cha ở đâu trong số ngôi mộ liệt sĩ không xác định được thông tin này? Song, niềm an ủi lớn nhất của tôi và các con cháu là đã tìm thấy nơi người yên nghỉ với mộ phần sạch sẽ, khang trang. Tìm hiểu, tôi và con cháu được biết, mỗi năm, rất nhiều đoàn thể ở địa phương đến thăm viếng. Và mộ phần các liệt sĩ vẫn được chăm sóc thường xuyên nên trong lòng cũng phần nào thanh thản” – bà Toan nghẹn ngào thổ lộ…

Trong dòng suy nghĩ miên man, chúng tôi tiếp tục đến gần người đàn ông đang phun nước giữ ẩm các hàng cây dưới chân tượng đài liệt sĩ. Qua trao đổi, chúng tôi được biết, ông là Lê Đức Tuấn (trú thôn Bồ Bản, xã Hòa Phong), cha ông là liệt sĩ Lê Thiện Đợi hy sinh khi ông chưa đầy 1 tuổi. Tuổi thơ của ông là quãng đời khốn khó, thiếu thốn trăm bề. Tuy cuộc sống hiện tại chưa dư dả gì nhưng ông vẫn cố tích cóp một khoản tiền để góp phần cùng chính quyền địa phương tôn tạo cảnh quan NTLS xã. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ tổ chức ngày giỗ liệt sĩ tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Khương, Hòa Phú và tặng quà cho các gia đình chính sách khó khăn trong mỗi dịp 27-7. Ông Tuấn tâm sự: “Tôi nghĩ rằng, biết bao con người thường ngày vốn bận rộn với cuộc sống mưu sinh nhưng đến những ngày tháng 7 này vẫn dành riêng cho mình một khoảng lặng trước các hương hồn liệt sĩ, đặt lên từng nấm mồ liệt sĩ những cành hoa tươi thắm, thắp một nén nhang tưởng nhớ công ơn, cảm nhận sâu sắc những gì mà thế hệ hôm nay có được là từ những hy sinh xương máu của cha ông đi trước. Tôi mong muốn những người đang nằm lại nơi đây luôn được sưởi ấm nghĩa tình của những người còn sống. Việc làm âm thầm, lặng lẽ của tôi xuất phát từ tấm lòng tự nguyện”… Dù thời gian trò chuyện với ông không nhiều, nhưng phần nào chúng tôi cũng cảm nhận cái nghĩa, cái tình đối với các anh hùng liệt sĩ trong ông luôn dạt dào và không bao giờ vơi cạn.

Ông Lê Đức Tuấn tự nguyện chăm sóc, tôn tạo cảnh quan trong khuôn viên NTLS xã.

Ông Lê Đức Tuấn tự nguyện chăm sóc, tôn tạo cảnh quan trong khuôn viên NTLS xã.

Ai đã nói “giữa dòng chảy vô tận của thời gian chỉ có tình người luôn là bờ bến”. Vâng, chỉ có tình người luôn đọng mãi cho dù cuộc sống có đổi thay. Con người sống với nhau vẫn cần sự thủy chung, vẹn nghĩa, vẹn tình; nhất là đối với những người trong gian khó đã trọn tình, trọn nghĩa với quê hương, đất nước. Đã không biết bao lần chúng tôi chứng kiến các thân nhân liệt sĩ trong hành trình đi tìm mộ phần người thân và cứ mỗi lần như vậy, lòng chúng tôi lại trào dâng niềm tự hào về lớp lớp cha anh đã không tiếc máu xương để độc lập tự do được đơm hoa kết trái trên Tổ quốc thân yêu.

Vy Hậu

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/chuyen-ghi-duoi-chan-tuong-dai-liet-si-xa-hoa-phong-post280609.html