Chuyện ghi ở làng vọng phu: Xót cảnh mẹ góa con côi
Chiều chiều, nơi bờ biển ấy vẫn thấp thoáng hình dáng những người đàn bà thẫn thờ dõi mắt ra khơi xa để ngóng trông chồng, dẫu biết chồng họ đã tử nạn trong những cơn lốc biển kinh hoàng.
“Mẹ ơi, bố mô rồi?”
Mỗi lần đứa con thơ mới tròn 4 tuổi hỏi “mẹ ơi, bố mô rồi?” là tim chị Nhị như thắt lại. Chị luôn nói với con bố đi công tác xa chưa về. Nhưng đứa trẻ này đâu biết, người bố thường cưng nựng, quấn quýt mỗi tối, hay gọi nó là “cục vàng của bố” nay đã mãi mãi không thể trở về. Nó còn quá nhỏ để có thể hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Hơn ba tháng nay, căn nhà chị Trần Hồng Nhị (SN 1997, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) lúc nào cũng u uất trong không khí tang tóc, đau thương, chỉ còn người vợ trẻ ngồi vò võ trong căn nhà trống vắng bóng người đàn ông. Người gầy quắt, chỉ còn lớp “da bọc xương”, chị Nhị mệt mỏi dỗ dành cậu con trai mới 10 tháng tuổi đang khóc trên tay khiến chúng tôi quặn lòng. Chị nhìn chúng tôi bằng đôi mắt u sầu, cơ thể không còn đứng vững sau mất mát quá lớn. Trong làn nước mắt, chị nghẹn ngào kể cho chúng tôi nghe về người chồng theo chị là “không thể tìm đâu được một người tốt như thế”.
Anh Nguyễn Văn Thắng (chồng chị Nhị) sống bằng nghề đi biển. Vì không có tiền để đóng cổ phần nên mỗi chuyến thuyền về thu nhập chẳng được là bao. Vợ chồng anh chị tính toán vay nợ chung cổ phần để tăng thêm thu nhập. Món nợ đang còn 300 triệu đồng thì tàu gặp nạn. “Lúc đó khoảng 1 giờ sáng, mẹ con đang ngủ thì có người tất tả chạy đến đập cửa báo tin anh Thắng bị dây tời đánh vào đầu chết trên biển rồi. Tôi như chết lặng, không tin đó là sự thật. Chỉ đến khi người nhà từ ngoài biển về nói, tôi mới dám tin là anh ấy đã bỏ mẹ con tôi thật…”, chị Nhị kể.
Nhìn lên di ảnh người chồng vừa ra đi, chị như đứt từng khúc ruột, nói không nên lời. Xót lòng hơn, đứa con trai thứ hai mới 10 tháng tuổi thi thoảng lại khóc đòi sữa làm cho không khí trong căn nhà thêm u ám, thê lương. Nhìn thấy cảnh tượng ấy, người cứng rắn mấy cũng chẳng thể cầm lòng. “Tại sao ông trời lại bất công với gia đình tôi như vậy. Giờ tôi và hai đứa con nhỏ biết sống sao…”, người vợ trẻ khóc.
Là đứa con trai duy nhất trong nhà, anh Nguyễn Văn Thắng gánh trên vai trọng trách lớn lao khi phía sau anh là cha mẹ già, vợ con thơ dại. Nhưng rồi, chuyến đi biển định mệnh ấy đã khiến anh không trở về, không thể làm tròn bổn phận của người con, người chồng. Ngày chị Nhị nghe tin chồng ra đi, trời đất như quay cuồng dưới chân, tất cả sụp đổ. “Anh bảo đi chuyến này về sẽ mua quần áo đẹp, mua cặp sách, đồ chơi cho các con,… Nhưng rồi anh đã thất hứa”, chị Nhị nghẹn ngào.
Từng chứng kiến nhiều người thân trong gia đình cũng bỏ mạng trên biển vì giông tố, chị Nhị luôn nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ lấy chồng đi biển. Nhưng tình yêu và duyên kiếp lại xui chị lấy chàng trai chuyên nghề ra khơi, vô lộng. Rồi chồng chị cũng tử nạn trên biển, bỏ lại cho chị hai đứa con thơ dại cùng vết thương không thể nào chữa lành. Chồng mất, bản thân lại không có công việc ổn định, chị mất phương hướng để bước tiếp trên con đường nuôi hai con trưởng thành.
Thời gian dần trôi, những mất mát, đau thương vẫn chưa thể nguôi ngoai, chị Nhị vẫn chưa thể chấp nhận sự thật rằng người chồng “đầu ấp môi kề”đã ra đi mãi mãi và nghĩ đến tương lai u ám, mù mịt. Cứ chiều chiều, khi ánh hoàng hôn buông tím biển người dân nơi đây lại thấy chị ra bờ biển nhìn về phía khơi xa như trông đợi chồng sẽ trở về...
“Bố đi đánh lưới chưa về!”
Ngồi lặng lẽ một góc trên chiếc giường tre ọp ẹp, ông Nguyễn Văn Nhương (SN 1968) cố nhíu đôi mắt lờ mờ của mình nhìn ra sân. Đứa cháu trai Nguyễn Văn Hữu (SN 2017) đang lủi thủi chơi một mình. Con trai mất tích trên biển, con dâu bỏ đi, vợ nằm viện, giờ chỉ còn hai ông cháu nương tựa vào nhau sống qua ngày. Mỗi lần đứa cháu trai mới lên 3 tuổi hỏi về bố mẹ, ông đánh trống lảng hoặc ngậm ngùi trả lời: “bố đi đánh lưới, mẹ đi chợ chưa về”.
Cùng con trai đi trên chiếc tàu cá mang biển kiểm soát NA 98668 TS do anh Trần Đình Thiên (trú tại thôn Thành Công, xã Quỳnh Long) làm thuyền trưởng, ông Nhương không thể ngờ, đó cũng chính là lần cuối cùng ông được nhìn thấy con trai. Nhớ lại đêm xảy ra vụ tai nạn thương tâm cướp đi mạng sống của con trai, ông Nhương vẫn chưa hết ám ảnh. Ông kể: “9h ngày 14/8/2020 tàu xuất phát tại cảng Lạch Quèn vào đến Quảng Bình. Tôi, con trai Nguyễn Văn Lam và gần 20 người nữa cùng đi chung tàu. Đêm đó, gió to, mọi người đang ngủ, tôi quay qua không thấy con đâu. Tôi hô hoán mọi người, nhờ cứu giúp. Tôi tìm kiếm khắp nơi, đi lên phía trước, ra sau, đi dọc ghe xem nó có bíu lấy phao hay không, vừa tìm vừa kêu tên con nhưng không thấy”.
Một giờ, hai giờ,… trôi qua, trời mỗi lúc càng nổi gió to, người cha già vẫn chưa nguôi hy vọng tìm con. Ông tiếp tục tìm kiếm, vừa đi, vừa kêu tên con “Lam ơi, Lam ơi” đến khản giọng, nhưng tất cả nỗ lực của ông đều vô vọng. “Nếu thấy nó thì tôi đã nhảy xuống cứu ngay rồi. Nhưng, không thấy động tĩnh gì cả”, ông Nhương hướng ánh mắt về phía xa, bất lực.
Vợ ông, bà Hồ Thị Luận (SN 1967) khi nghe tin dữ về con trai, quá đau xót nên ngất xỉu phải nhập viện. Còn người con dâu đã bỏ làng đi. “Tôi cũng không biết sao mà con dâu bỏ đi nữa. Sau khi sinh thằng cu Hữu, vợ chồng lục đục rồi sống ly thân. Hôm nghe tin thằng Lam gặp chuyện, nó cũng về vài ba hôm, sau đó rời đi, không thấy quay trở lại, cũng không thấy gọi điện hỏi thăm con”, ông Nhương tâm sự.
Nhìn đứa cháu ngây thơ, hồn nhiên cười đùa, ông Nhương không cầm được nước mắt: “Tôi cũng hi vọng lắm, đứa con dâu nó suy nghĩ lại mà về với con, nhưng rồi chờ hết năm này qua năm khác cũng không thấy. Mai đây, khi tôi chết đi rồi không biết thằng Hữu sẽ sống thế nào”. Thấy ông nội khóc, Hữu vội nép vào lòng ông nội, thỏ thẻ: “Nội đừng khóc, con thương nội lắm”.
Ở cái tuổi lên 3, Hữu chưa thể cảm nhận hết nỗi đau đớn, mất mát. Mất bố, lại thiếu vắng đi hơi ấm tình thương của mẹ, cậu bé chỉ biết nương tựa vào ông bà già yếu… (còn nữa)
Rạng sáng ngày 12/8/2020, tàu cá NA 92828 TS do anh Trần Văn Tài (trú tại xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) làm thuyền trưởng, cùng nhiều thuyền viên khác đang đánh bắt hải sản trên biển. Trong lúc dùng dây tời để kéo thuyền thúng lên thuyền lớn, không may tời bị đứt, thuyền thúng rơi trúng người. Dây tời đánh vào đầu ngư dân Nguyễn Văn Thắng (SN 1995, trú tại xóm 7, xã Quỳnh Thuận) khiến anh tử vong, hai ngư dân khác trên tàu bị thương.