Chuyện gì đang xảy ra tại Sri Lanka?
Tác động của khủng hoảng kinh tế khiến người dân Sri Lanka bất mãn với Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và giới lãnh đạo nước này, dẫn đến tình trạng bất ổn trong những ngày qua.
Ngày 9/7, người biểu tình Sri Lanka tràn vào dinh thự của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa, buộc ông phải tuyên bố từ chức sau một thời gian cố gắng bám trụ. Bên cạnh đó, giữa sức ép chính trị và áp lực của người biểu tình, Thủ tướng Ranil Wickremesinghe cũng phải chấp nhận ra đi chỉ sau hai tháng.
Đây là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài nhiều tháng tại quốc gia Nam Á này. Nguyên nhân trực tiếp của sự bất ổn chính trị là những khó khăn về kinh tế, vốn đang tác động tiêu cực đến cuộc sống của người Sri Lanka.
Vì sao người Sri Lanka biểu tình?
Sự tức giận của công chúng Sri Lanka dâng trào bởi cách chính phủ nước này điều hành nền kinh tế. Trong khi giá cả tăng vọt, tình trạng mất điện, thiếu hụt xăng dầu và gas đun bếp xảy ra thường xuyên, khiến cuộc sống của người dân - đặc biệt là nhóm người nghèo - thêm phần khốn khổ.
Công chúng Sri Lanka đặc biệt giận dữ với Tổng thống Gotabaya Rajapaksa - người có gia đình đã thống trị nền chính trị Sri Lanka trong phần lớn hai thập niên qua. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay càng thúc đẩy các cáo buộc về tham nhũng và thói “gia đình trị” từ phe đối lập.
Ông Mahinda Rajapaksa, anh trai Tổng thống Rajapaksa, đảm nhiệm cương vị thủ tướng đất nước trong hai nhiệm kỳ, trước khi bị buộc phải từ chức hồi tháng 5. Anh em ông Rajapaksa vốn nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng người Sinhala theo đạo Phật - chiếm đa số cư dân Sri Lanka - sau khi kết thúc nội chiến năm 2009.
Hai thành viên khác trong gia đình - các ông Basil và Chamal Rajapaksa, lần lượt là bộ trưởng Tài chính và bộ trưởng Thủy lợi, trước khi ra đi hồi tháng 4. Namal Rajapaksa, con trai ông Mahinda, cũng từng là bộ trưởng Thanh niên và Thể thao.
Cuối tháng 3 vừa qua, các cuộc biểu tình rải rác bắt đầu nổ ra tại Sri Lanka để đòi Tổng thống Rajapaksa ra đi. Khi tình hình kinh tế của Sri Lanka càng tồi tệ, sự phản kháng của người dân càng diễn ra gay gắt, và đỉnh điểm là việc chiếm đóng dinh thự của tổng thống và thủ tướng Sri Lanka hôm 9/6, buộc hai chính trị gia này từ chức.
Điều gì gây ra khủng hoảng kinh tế tại Sri Lanka?
Không thể phủ nhận tác động của đại dịch Covid-19 và tình trạng lạm phát toàn cầu với cuộc khủng hoảng tài chính tại Sri Lanka. Dù vậy, các vấn đề của quốc gia Nam Á này đã xuất hiện từ trước đó.
Trong khi việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng khiến các khoản nợ gia tăng, việc cắt giảm thuế làm ảnh hưởng đến các khoản thu của chính phủ Sri Lanka. Bên cạnh đó, lệnh cấm sử dụng phân bón hóa học được đưa ra đột ngột vào năm ngoái khiến sản lượng các sản phẩm nông nghiệp giảm mạnh.
Trước tình trạng này, Sri Lanka dự định phát hành trái phiếu chính phủ để trả các khoản nợ cũ. Dù vậy, với việc mức xếp hạng tín nhiệm của Sri Lanka đi xuống, phương pháp này không còn hiệu quả.
Bất chấp cảnh báo của các nhà kinh tế, Sri Lanka không tuyên bố vỡ nợ mà vẫn cố gắng dùng dự trữ ngoại tệ để trả nợ trái phiếu, thay vì nhập khẩu các hàng hóa thiết yếu.
Giới chức Sri Lanka đã làm gì?
Phải đến tháng 4, Sri Lanka mới dừng trả tiền cho các chủ nợ nước ngoài. Đến tháng 5, nước này chính thức vỡ nợ. Sri Lanka cũng đã tham gia các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về gói cứu trợ tài chính, nhưng khó có khả năng nhận được hỗ trợ cho đến vài tháng tới.
Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe từng cho biết quốc gia Nam Á này cần khoảng 6 tỷ USD để giữ nền kinh tế vận hành đến cuối năm 2022.
Sau nhiều tháng cố bám trụ, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã phải chấp nhận từ chức từ ngày 13/7. Thủ tướng Wickremesinghe cũng tuyên bố sẽ ra đi chỉ sau hai tháng nắm quyền.
Điều gì sẽ đến?
IMF cho biết tổ chức này đã gần đạt được một thỏa thuận cấp chuyên viên với Sri Lanka. Dù vậy, để có được sự chấp thuận của đội ngũ điều hành IMF và được giải ngân, Sri Lanka phải chứng minh được rằng họ có khả năng phục hồi nền kinh tế một cách bền vững.
Theo đó, Sri Lanka sẽ phải thực hiện hàng loạt biện pháp cải cách khó khăn, bao gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu cho khu vực công.
Một thỏa thuận cấp chuyên viên với IMF cũng sẽ giúp Sri Lanka có thêm uy tín trong mắt các chủ nợ nước ngoài trong bối cảnh nước này muốn đàm phán. Phần lớn khoản nợ nước ngoài 35 tỷ USD của Sri Lanka đến từ trái phiếu chính phủ, với Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là các chủ nợ song phương lớn nhất.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gi-xay-ra-tai-sri-lanka-post1334454.html